Tự chế pháo nổ, hành vi vừa phạm pháp vừa nguy hiểm
Chỉ trong hai tháng gần đây, lực lượng chức năng đã đấu tranh, bắt giữ hàng chục vụ, thu giữ số lượng lớn pháo nổ nhập lậu và pháo nổ tự chế.
11 tấn pháo nổ do Trung Quốc sản xuất vừa bị Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, phát hiện, bắt giữ. Các đối tượng thuê kho bãi rộng, tập kết pháo tại đây để đưa đi các địa phương tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán.
Công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 11 thanh thiếu niên, trong đó có 8 em là học sinh, có hành vi chế tạo, tàng trữ hơn 800 quả pháo. Tại cơ quan công an, nhóm học sinh khai nhận đã lên mạng Internet đặt mua các nguyên liệu trôi nổi, học cách chế tạo pháo nổ.
Tại Đông Anh, Hà Nội, liên tiếp trong hai ngày, Công an huyện Đông Anh đã phát hiện, bắt giữ ba đối tượng trong ba vụ án buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép. Trong số các loại pháo bị Công an huyện Đông Anh thu giữ có 7 kg pháo nổ được một đối tượng chế tạo bằng các loại hóa chất có bán sẵn trên thị trường.
Trung tá Ngô Văn Kiên, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, cho hay: "Việc các đối tượng trực tiếp sản xuất pháo hoa nổ như thế này sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng và những đối tượng vận chuyển".
Dù đã có vợ và hai con nhỏ, thế nhưng bất chấp nguy hiểm với bản thân và gia đình, một đối tượng trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, vẫn lén lút sản xuất pháo nổ ngay tại nhà, biến căn gác xép thành nhà xưởng sản xuất pháo nổ. Đối tượng này không có công ăn việc làm, không có chuyên môn gì liên quan đến hóa học. Chỉ thông qua các clip hướng dẫn trên mạng, đối tượng đã chế tạo hàng nghìn quả pháo bằng phân bón và các loại hóa chất tổng hợp. Với mỗi quả pháo được bán ra với giá 20.000 đồng, đối tượng này thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 304 vụ, bắt giữ 543 đối tượng sản xuất trái phép pháo. Nhiều loại pháo bị thu giữ do các đối tượng tự mua nguyên liệu, chế tạo theo công thức học được trên mạng. Trào lưu nguy hiểm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do chế tạo pháo xảy ra trong vài tháng qua.
Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, cho biết: "Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng công an, phải đẩy mạnh các công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ được hành vi nào là vi phạm pháp luật liên quan đến pháo, các loại pháo nào được phép bán trên thị trường hiện nay".
Trước những diễn biến khó lường của các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh, vai trò của gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục con em mình là đặc biệt quan trọng. Còn trên không gian mạng, cần có biện pháp loại bỏ, ngăn chặn những thông tin liên quan đến pháo nổ; đẩy mạnh đăng tải những video, hình ảnh có tính cảnh báo về hậu quả tai nạn do pháo nổ gây ra nhằm cảnh tỉnh những ai còn đang có ý định mua bán, tàng chữ, chế tạo pháo.