Từ cảng thông minh đến trung tâm logistics

Thời gian qua, việc đưa các nền tảng chuyển đổi số cảng biển vào ứng dụng đã góp phần chuyển đổi số nhanh các cảng biển Hải Phòng. Không chỉ tạo ra những chuyển đổi đầy ấn tượng, mà còn mở ra tiềm năng kinh tế vượt xa phạm vi hoạt động logistics truyền thống, biến các cảng biển thành động lực thúc đẩy tiềm năng kinh tế khu vực.

Hải Phòng có tiềm năng trở thành trung tâm logistics hàng đầu phía bắc.

Hải Phòng có tiềm năng trở thành trung tâm logistics hàng đầu phía bắc.

Bước chuyển đổi số quyết đoán

Trước khi Chi nhánh cảng Tân Vũ (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng) áp dụng hệ thống cảng điện tử (ePort), anh Nguyễn Nam Dương, nhân viên Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long, thường xuyên phải xuống cảng để xử lý các thủ tục ký giám sát và đổi lệnh tại quầy thương vụ. Quá trình tốn không ít thời gian và chi phí di chuyển. Anh Dương chia sẻ: "Công việc chính của tôi là giao hàng nguyên, hạ hàng xuất tàu và kiểm hóa. Từ khi ePort được triển khai, tôi đăng ký tài khoản cá nhân để tự xử lý thủ tục và thanh toán trực tuyến, tiết kiệm được rất nhiều thời gian lẫn chi phí."

Tương tự anh Dương, chị Chung Hải Bằng, Công ty TNHH DH TRUCKING cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian nhờ Hệ thống quản lý cảng (TOS) do Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng) áp dụng. Cổng thông tin điện tử và thanh toán trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, minh bạch. "Trước đây, tôi mất hàng giờ để chờ đến lượt container của mình sẽ được xử lý, bây giờ có thể xác định trước vị trí và thời gian tàu cập cảng, tiết kiệm được thời gian", chị Bằng chia sẻ.

E-Port hay TOS chỉ là một trong rất nhiều công nghệ tiên tiến mà Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đang sử dụng trong kế hoạch chuyển đổi số của công ty, nhằm thu hút các hãng tàu, doanh nghiệp tham gia, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Không chỉ có Cảng Hải Phòng, hiện nay, 100% các cảng tại Thành phố đã có hệ thống quản lý cảng TOS, khoảng hơn 40% số cảng (22 cảng) đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số.

Những nền tảng này mang lại nhiều lợi ích vượt trội: thời gian triển khai chỉ mất từ hai đến bốn tuần cho mỗi cảng (so từ 16 tới 18 tháng như trước), chi phí cũng giảm 10-20% so các giải pháp ngoại nhập, năng suất tiếp nhận tàu của hệ thống cẩu tăng khoảng 50%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi cải thiện 30%, và thời gian xử lý thủ tục hành chính cùng dịch vụ cảng giảm mạnh từ 6-8 giờ với 12 bước xuống còn ba phút với chỉ hai bước.

Với nỗ lực tăng cường đầu tư năng lực vận chuyển, luân chuyển và tiếp nhận hàng hóa, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, Hải Phòng là địa phương có tốc độ phát triển cảng biển nhanh nhất toàn quốc. Với số lượng, diện tích kho bãi tăng lên, các cảng đầu tư nhiều trang bị hiện đại, quy mô, tốc độ xử lý hàng hóa cao, cảng biển Hải Phòng đang ngày càng khẳng định vị trí là một trong ba cảng biển lớn nhất Việt Nam, đứng trong top 50 cảng biển lớn nhất thế giới.

Tăng cường số hóa, tiến tới trung tâm logistic quốc tế

Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2040, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng đặt mục tiêu từ năm 2045-2050 sẽ phát triển thành một đô thị có trình độ cao, sánh vai với các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Là cửa ngõ ra biển quan trọng, Hải Phòng được định hướng trở thành trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics chủ lực của vùng cũng như cả nước. Vì vậy, thành phố đặc biệt chú trọng việc số hóa ngành kinh tế cảng biển.

Là một trong những doanh nghiệp cảng đi đầu chuyển đối số tại Thành phố, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng Chu Minh Hoàng chia sẻ: "Trong thời gian qua, thực hiện các chương trình về chuyển đổi số của quốc gia, thành phố Hải Phòng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Hải Phòng định hướng xây dựng thành doanh nghiệp số hóa, hướng tới mô hình cảng xanh, thông minh, hiện đại, nhằm tăng năng suất, tối ưu hóa hoạt động, tự động hóa các bước quy trình, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm và tăng tiện ích cho khách hàng".

Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng, để thúc đẩy chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hơn, thành phố đang tập trung đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và giảm dần giao dịch tiền mặt. Hải Phòng hướng tới xây dựng một đô thị công nghiệp hiện đại gắn liền với cảng biển thông minh, bền vững, đồng thời trở thành trung tâm hàng hải toàn cầu, cửa ngõ của vùng bắc bộ và trung tâm kinh tế biển trọng điểm của Việt Nam.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục ứng dụng công nghệ số hóa cảng biển, Hải Phòng dự kiến phát triển các cụm cảng liên kết, cảng mở, và xây dựng trung tâm logistics tầm cỡ khu vực. Thành phố cũng đề xuất Chính phủ giao một cơ quan chuyên trách xây dựng trung tâm dữ liệu và nền tảng số quốc gia để quản lý, chia sẻ dữ liệu logistics. Điều này nhằm kết nối các đơn vị trong chuỗi dịch vụ, tránh tình trạng dữ liệu bị phân mảnh hoặc thất thoát ra nước ngoài.

Hải Phòng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển ngành logistics và khu thương mại tự do. Với vị trí địa lý đắc địa, nguồn nhân lực dồi dào, cùng hệ thống cảng nước sâu và cảng truyền thống, thành phố đang đạt được những kết quả tích cực trong trung chuyển hàng hóa và cải thiện môi trường logistics khu vực, Hải Phòng hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm logistics hàng đầu phía bắc và vươn tầm quốc tế.

Minh Phú

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-cang-thong-minh-den-trung-tam-logistics-post868356.html
Zalo