Tu bổ, tôn tạo di tích: không thể tùy tiện
Theo Bộ VHTT&DL, thời gian qua, còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn.
Tu bổ khi chưa được thẩm định
Thời gian qua, một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Gần đây nhất, việc cổng Di tích Quốc gia đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bị phá dỡ trong dự án bảo tồn, tôn tạo di tích đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Ngay sau đó, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã có công văn yêu cầu Sở VHTT&DL Thái Nguyên kiểm tra, có biện pháp xử lý.
Theo lý giải của địa phương, đền Đuổm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích lịch sử - thắng cảnh tại Quyết định số 774/QĐ-BT ngày 21/6/1993. Đây là công trình được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XII (năm 1180), là nơi thờ danh tướng Dương Tự Minh, vị tướng tài ba dưới vương triều nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ yên bờ cõi phía Bắc nước Đại Việt.
Lễ hội đền Đuổm là một trong những sự kiện đầu năm có ý nghĩa quan trọng đối với Nhân dân huyện Phú Lương, được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/1/2017.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Đuổm vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Ảnh: Minh Ngọc
Trải qua những biến đổi của thời gian, khí hậu và địa chất, di tích đã có sự xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1980 đến nay, quần thể di tích lịch sử - thắng cảnh Quốc gia đền Đuổm đã trải qua 9 lần tu bổ, tôn tạo. Song do thời tiết ẩm ướt bởi khu di tích nằm ở vị trí sườn núi đá nên ảnh hưởng đến các hạng mục công trình, kết cấu cũng như thẩm mỹ của hạng mục công trình di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng, xuống cấp, sụt lún, rạn nứt, thấm dột. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng, di tích cần được tu bổ, tôn tạo để xứng tầm với giá trị lịch sử, đáp ứng mong mỏi của đông đảo Nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương.
Tuy nhiên, việc phá dỡ hạng mục Nghi môn (cổng) khi dự án chưa được Bộ VHTT&DL thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, dẫn đến những thông tin tiêu cực về dự án. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Lâm Biền – chuyên gia di sản văn hóa cho rằng, việc tu sửa đền Đuổm vừa qua, ví dụ như bộ cửa đã cho thấy không tương xứng đối với di tích. “Việc địa phương làm mới chỉ được thỏa thuận của người dân, song di tích này do Trung ương xếp hạng thì phải được sự đồng ý của Bộ VHTT&DL để việc tu bổ di tích đền Đuổm đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề đặt ra là cần phải tu bổ, tôn tạo di tích một cách chuẩn mực, không làm to hơn nhưng phải đẹp hơn, tốt hơn” – PGS.TS Trần Lâm Biền nói.
Trước đền Đuổm, nhiều di tích khi được tu bổ, tôn tạo đã bị làm mới, gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội vào năm 2018, từ một công trình được xây dựng từ thế kỷ XVII, với những mảng chạm tuyệt đẹp có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc nhưng đã bị phá đi và thay vào đó là một công trình bê tông. Hay vào tháng 2/2020, cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, tỉnh Nam Định), một trong 3 cầu ngói có tuổi đời hàng trăm năm bị tu sửa theo kiểu làm mới di tích…
Theo Bộ VHTT&DL, trong những năm qua, Bộ thường xuyên có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP tăng cường công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Qua theo dõi thực tế, Bộ VHTT&DL thấy bên cạnh việc nhiều tỉnh, TP trong cả nước đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn và của Bộ VHTT&DL, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc trùng tu phải bảo đảm làm sao di tích vừa giữ nguyên được giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ. Mặc dù cũng đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhưng tuy nhiên trong thời gian qua việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích cũng như làm mới lại các di tích cũng vẫn gây ra những xôn xao trong dư luận. Có những ngôi chùa đang rất cổ kính, đang rất đẹp nhưng khi sau khi tu bổ, tôn tạo lại trở thành như một ngôi chùa mới rất hiện đại, không đảm bảo giá trị lịch sử của di tích.
Tuân thủ đúng quy trình
Từ câu chuyện tu bổ di tích đền Đuổm, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo nhất thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật về di sản văn hóa; phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai một cách bài bản, khoa học.
“Qua việc tu bổ đền Đuổm cũng như các di tích cho thấy, cần phải thực hiện theo nguyên tắc. Trước hết là phải xác định được hiện trạng của di tích ra sao, còn mang ý nghĩa gì trong tài liệu lịch sử cũng như trong nhận thức, ứng xử của Nhân dân. Khi chúng ta hiểu được thực tế thì sẽ tu bổ di sản sao cho tương xứng, phát huy tác dụng, gắn với du lịch và những lĩnh vực khác. Khi chúng ta tuân thủ quy tắc theo ba chữ “hiển, mật, dụng” thì không bao giờ có chuyện tu bổ sai” - PGS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ.
Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, để đạt được các mục tiêu đặt ra trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích, nguyên tắc đầu tiên là phải tôn trọng thực tế, bảo vệ những hạng mục, giá trị có tính chất nguyên gốc. Yếu tố nguyên gốc tại đền Đuổm không phải là những yếu tố hiện còn ở di tích. Các hạng mục cần được tu bổ, tôn tạo, bổ sung những khuyết thiếu và đưa về đúng giá trị truyền thống, chuẩn mực. Muốn vậy, toàn bộ quá trình này cần được triển khai bài bản, đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Chùa Cầu (Hội An) sau khi tu bổ vẫn giữ được giá trị cốt lõi của di tích. Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An
Từ thực trạng hiện nay, Bộ VHTT&DL vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trên địa bàn tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Cùng với đó, thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích, phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ, cơ quan chức năng của Bộ thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.
UBND các tỉnh, TP cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để Nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất. Qua đó nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với các di tích có tính chất tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng…
Từ ngày 1/7/2025, Luật Di sản văn hóa (Luật số 45/2024/QH15 ngày 23/11/2024) có hiệu lực thi hành, giao UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn được đưa vào các danh mục kiểm kê, được xếp hạng, ghi danh, công nhận trong các danh mục của quốc gia, các danh sách, danh mục của UNESCO. Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, TP chủ động có kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả.