Từ bỏ quá khứ lầm lỗi, làm lại cuộc đời
Từng được phong là 'Tỉnh trưởng Pleiku', 'Vùng trưởng khu vực Bắc huyện Chư Sê - Nam huyện Đắk Đoa' trong cái gọi là 'Nhà nước Đề-ga', những người một thời theo FULRO rốt cuộc đã hiểu ra đó chỉ là 'chiếc bánh vẽ', là thủ đoạn lừa bịp của thế lực xấu hòng lôi kéo họ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội. 'Tỉnh trưởng', 'Vùng trưởng' - những hư danh khiến họ phải trả giá bằng tù tội, hạnh phúc riêng tư và nỗi ân hận không nguôi về sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình.
Những hành trình lầm lỗi
Ở huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, cái tên Y Bome (dân tộc Ba Na), trú tại làng Ring Rai, xã Hà Bầu được cả lực lượng chức năng và người dân nắm rõ, bởi ông từng được các thế lực phản động phong làm "Tỉnh trưởng Gia Lai" trong cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”.
Năm 1975 - 1976, Y Bome đi theo FULRO III mà đâu biết rằng bộ mặt thật của tổ chức này đã sớm được Ban Bí thư Trung ương Đảng nhận diện trong Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/2/1977 về việc tiếp tục phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Khu V cũ: “FULRO là một tổ chức phản động do đế quốc Pháp và Mỹ thành lập, nuôi dưỡng và trang bị, nhằm thực hiện âm mưu lâu dài và thâm độc của chúng là lợi dụng một bộ phận dân tộc ít người, chia rẽ các dân tộc ít người với nhau và với người Kinh để duy trì ảnh hưởng của chúng ở vùng Tây Nguyên và thực hiện kế hoạch phá hoại cách mạng Việt Nam”. Sau đó, Y Bome bị bắt, đưa đi cải tạo tại huyện Mang Yang, rồi chuyển đi một số trại khác. Năm 1978 - 1991, Y Bome trốn trại và tiếp tục hoạt động FULRO trong rừng. Từ 1991 - 2000, là Đại úy, Tham mưu trưởng Quân khu I, FULRO III. Tháng 7/1991, bị bắt lại.
Tháng 6/2000, khi đối tượng Kpăh H'Ty (Việt kiều Mỹ) móc nối, chuyển tài liệu của Ksor Kơk - người thay thế Bhăm Ênnuôi (Chủ tịch FULRO), cả tin theo lời của chúng là thành lập tổ chức này không nhằm lật đổ chính quyền mà chỉ đấu tranh hòa bình đòi quyền lợi cho người Thượng ở Tây Nguyên nên Y Bome một lần nữa đi theo FULRO và được giao làm đặc phái viên ở Tây Nguyên, trực tiếp làm “Tỉnh trưởng Pleiku”. Ngày 6/2/2001, Y Bome bị bắt vì tội gây rối an ninh, chịu án phạt tù 12 năm. Chấp hành án tại trại giam số 5, Thanh Hóa, Y Bome được giảm án 5 lần, thời gian giảm án tổng cộng 11 tháng, tới ngày 6/3/2012, chấp hành án xong, trở về địa phương.
Đối tượng Bler (Ama Lan), sinh năm 1962, dân tộc Gia Rai, trú tại thôn Alar Phun, xã Ia Pết cũng từng theo “Tin lành Đề-ga” và tham gia biểu tình tại Pleiku năm 2001. Năm 2003, Ama Lan trốn vào rừng hoạt động FULRO, được giao là “Vùng trưởng khu vực Bắc huyện Chư Sê - Nam huyện Đắk Đoa”. Tháng 8/2024, Bler cùng với đối tượng Rah Lan Dang và những người dân tộc thiểu số khác trốn đi Campuchia để tiếp tục hoạt động chống chính quyền nhân dân. Ngày 26/8/2004, Bler bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”, 6 năm tù về tội “Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”. Tổng cộng hình phạt cho hai tội là 17 năm tù giam. Quá trình chấp hành án phạt tù được giảm 7 lần (41 tháng). Ngày 27/3/2018, đối tượng chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại quê nhà.
Làm lại cuộc đời
Sau khi về địa phương, Bler được Công an huyện Đắk Đoa chủ động tiếp xúc, tham mưu chính quyền tạo điều kiện phát triển kinh tế. Bler được đưa vào diện hộ nghèo hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Năm 2021, Bler được hỗ trợ 2 con heo giống; năm 2022, được hỗ trợ 1 con bò; năm 2023, được trao tặng nhà Tình nghĩa... để từng bước ổn định cuộc sống. Còn Y Bome, sau khi ra tù năm 2012, chính quyền xã Hà Bầu đã giúp ông làm lại cuộc đời bằng cách giúp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 100 triệu đồng để trồng cà phê, nuôi bò, vịt, cá. Đến nay, so với người dân địa phương, gia đình Y Bome đã tương đối ổn định, có nhà ở khá đầy đủ tiện nghi, được công nhận là Gia đình văn hóa.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Y Bome thường xuyên phải gián đoạn bởi sự nghẹn ngào, day dứt của người đàn ông gần 70 tuổi từng một thời khét tiếng trên các cánh rừng Tây Nguyên. Y Bome luôn ân hận về sai lầm lớn nhất của cuộc đời là nhẹ dạ, nghe lời dụ dỗ, lôi kéo tham gia đòi thành lập Nhà nước riêng, ngộ nhận đó là con đường mang đến no ấm cho buôn làng. Tham gia rồi mới thấy, không phải như đám lưu vong nói mà chúng toàn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào, đưa tiền cho một số kẻ móc nối, xúi giục bà con biểu tình, bạo loạn, đòi quyền tự trị.
Ông thừa nhận, thời kỳ tệ hại nhất của cuộc đời là theo FULRO, ăn những thứ mà con người không thể ăn được, phó thác sự sống cho trời. Đi theo Ksor Kơk, cái giá phải trả là đi tù, vợ bỏ, con bơ vơ, gia đình nghèo kiệt. Không muốn lãng phí thêm thời gian, Y Bome quyết tâm cải tà quy chính, tình nguyện lấy cuộc đời mình làm dẫn chứng tuyên truyền cho bà con trong làng không bao giờ được nghe, tin, theo FULRO, ảo tưởng về “Nhà nước Đề-ga”.
“Những kẻ lừa bịp thì ở nước ngoài. Nghe theo chúng, rốt cuộc, chỉ có bà con mình phải đi tù thôi” - Y Bome cay đắng thốt lên.
Hơn chục năm hoàn lương, nhưng mỗi khi cùng bà con biểu diễn tiểu phẩm về dân vận khéo, ông Y Bome vẫn khóc, bởi “may thay, được Nhà nước Việt Nam khoan hồng, nên mình vẫn được đảm bảo quyền sống, quyền làm việc, con cháu đã trưởng thành”. Ông cũng bảo, giờ, bà con luôn đoàn kết, yêu thương, tương trợ nhau; tôn trọng, tin tưởng và dựa vào chính quyền, vì nhờ có chính quyền mà bà con được sống trong hòa bình, được ổn định cuộc sống và có điều kiện phát triển.
Thực tế là tại huyện Đắk Đoa, quê hương của Y Bome và Bler, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư đến tận xã vùng sâu, vùng xa; 100% đồng bào định canh, định cư thành buôn làng. 17/17 xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Từ năm 2022 - 2024, 470 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trên 370 hộ được hỗ trợ bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Bà con cơ bản đã có cuộc sống ổn định.
Chứng kiến sự đổi thay đó, những người từng một thời lầm lỗi như Y Bome, Bler hiểu ra, chỉ có Đảng, Nhà nước Việt Nam mới thực sự quan tâm, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và con đường hoàn lương của họ là đúng đắn để tìm thấy những năm tháng bình yên, có ích của cuộc đời.