Từ Aleppo, cuộc nội chiến Syria bỗng bùng nổ trở lại, tại sao lại là bây giờ?
Sau nhiều năm có ít thay đổi về lãnh thổ giữa các bên tham chiến ở Syria, cuộc tấn công của phiến quân vào Aleppo đã gây chấn động một khu vực vốn thường xuyên căng thẳng.
Lực lượng phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng từ thành trì phía Tây Bắc vào cuối tuần trước để chiếm phần lớn Aleppo – một trong những thành phố lớn nhất đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – từng có liên hệ mật thiết với nhóm khủng bố khét tiếng al-Qaeda, phiến quân tuyên bố kiểm soát lãnh thổ trên khắp các tỉnh Hama, Idlib và Aleppo.
Các video do HTS đăng tải dường như cho thấy các chiến binh của nhóm này đang giương cao lá cờ gần thành cổ lịch sử Aleppo và thiết lập các trạm kiểm soát trong và xung quanh thành phố từ hôm 30/11.
Bên kia chiến tuyến, Tổng thống al-Assad đã ra lệnh cho các lực lượng của mình phản công, đồng thời liên hệ chặt chẽ với các đồng minh của mình.
Ông al-Assad đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tại Damascus hôm 1/12. Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng minh và tuyên bố các lực lượng của họ ở Syria đã giao tranh với phiến quân.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao lại là bây giờ? Theo chuyên gia Emre Peker của Eurasia Group, việc Israel làm suy yếu phong trào Hezbollah ở Lebanon dường như đã giúp thay đổi bức tranh xung đột.
"HTS đã quan sát những động thái thay đổi trong khu vực và kích động để tận dụng điểm yếu tương đối của ông al-Assad trong nhiều tháng", ông Peker nói.
"Với việc Nga đang vướng bận ở Ukraine trong khi Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran bị Israel nhắm mục tiêu, HTS cảm thấy đã đến lúc phải mở cuộc tấn công", vị chuyên gia giải thích.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ ủng hộ quân nổi dậy miễn là cuộc tấn công của họ cũng phục vụ lợi ích của Ankara, trong khi Moscow đã cung cấp mọi hỗ trợ quân sự có thể cho Tổng thống al-Assad, ông nói.
"Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan sẽ không muốn thay đổi quyền lực ở Damascus, mà chỉ muốn làm suy yếu vì điều này giúp ích cho việc bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và mở đường cho một giải pháp cho cuộc nội chiến Syria đã kéo dài 13 năm", chuyên gia Emre Peker nói.
Đối với Mỹ thì sao? Cuộc xung đột tạo ra một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" cho Washington, vốn dưới thời Tổng thống Barack Obama đã hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại chế độ của ông al-Assad, nhưng cách giải thích bảo thủ về Hồi giáo của nhóm chiến binh HTS lại là nguyên nhân gây lo ngại.
Bà Aslı Aydıntaşbaş, một nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Brookings, nói rõ hơn về tình thế "tiến thoái lưỡng nan" kể trên.
"Liệu Mỹ có nên cổ vũ động thái phe đối lập kiểm soát thành phố Aleppo ở Syria, hay họ nên lo lắng về việc thành phố này rơi vào sự cai trị của người Hồi giáo?"
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng và đưa ra giải pháp chính trị. Câu hỏi là liệu Washington có thể đứng ngoài cuộc bao lâu nếu xung đột leo thang.
Minh Đức (Theo GZero Media, Washington Post)