Từ 25/12, người dùng mạng xã hội phải xác thực số điện thoại

Chính sách mới có hiệu lực tháng 12, sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.

 Chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới được cung cấp livestream hay các hoạt động phát sinh doanh thu.

Chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới được cung cấp livestream hay các hoạt động phát sinh doanh thu.

Ngày 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chính thức công bố Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/12.

Quy định mới

Theo đó, Nghị định 147 áp dụng đối với cả tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến các hoạt động trên không gian mạng. Những thay đổi chính nhằm vào việc kiểm soát chặt chẽ hơn các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trong nước, đặc biệt là các quy định về phát sinh doanh thu và việc cấp phép hoạt động livestream.

Nghị định quy định rằng các trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được phép đăng tải tin bài chậm hơn ít nhất một giờ so với nguồn tin gốc và bắt buộc phải lấy thông tin từ tối thiểu 3 cơ quan báo chí. Động thái này nhằm hạn chế tình trạng "báo hóa" trên các nền tảng không phải báo chí chính thống, đồng thời đảm bảo tính chính xác và đa chiều của thông tin.

Ngoài ra, để tránh gây nhầm lẫn với báo chí, các trang thông tin điện tử tổng hợp bị cấm sử dụng tên miền, tên trang mang tính chất mập mờ, dễ khiến người dùng lầm tưởng là cơ quan báo chí. Người dùng cũng không được phép bình luận trên tin bài đăng tải tại những trang này.

Mạng xã hội không được phép sắp xếp bài viết của thành viên vào các chuyên mục cố định, không được viết và đăng tải bài dưới dạng phóng sự, điều tra hay phỏng vấn. Chỉ các mạng xã hội đã được cấp phép mới được cung cấp livestream hay các hoạt động phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, nền tảng có lượng truy cập thấp có thể đề nghị cấp phép theo quy định để cung cấp các dịch vụ này.

Các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội vi phạm nội dung 2 lần hoặc không tuân thủ các quy định về điều kiện hoạt động có thể bị đình chỉ trong vòng 3 tháng. Nếu không thực hiện các biện pháp khắc phục sau thời gian đình chỉ, giấy phép hoạt động sẽ bị thu hồi hoàn toàn.

 Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn.

Năm 2024, Bộ TT&TT tiếp tục duy trì việc đấu tranh, yêu cầu các nền tảng phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn.

Với các nền tảng xuyên biên giới, nếu có lượng truy cập từ 100.000 lượt trở lên hoặc đặt máy chủ tại Việt Nam, các nền tảng này phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT. Họ cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như chặn gỡ nội dung vi phạm trong vòng 24h, hoặc tạm thời khóa các tài khoản thường xuyên đăng tải thông tin không phù hợp.

Các mạng xã hội hải xác thực tài khoản người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân. Chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được phép đăng tải nội dung, bình luận, hoặc livestream.

Trong lĩnh vực trò chơi điện tử, người chơi dưới 16 tuổi chỉ được phép tham gia khi có sự đồng ý và giám sát của phụ huynh hoặc người giám hộ. Các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải tuân thủ quy định thời gian chơi không quá 60 phút mỗi phiên và không quá 180 phút mỗi ngày đối với người chơi dưới 18 tuổi.

Bộ TT&TT cũng tăng cường kiểm soát các trò chơi điện tử không được cấp phép. Các trò chơi này phải được dán nhãn hợp lệ trước khi xuất hiện trên các kho ứng dụng. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại Việt Nam cũng phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Phát triển lĩnh vực game và mạng xã hội

Cũng tại hội nghị tổng kết lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, Bộ TT&TT đã công bố nhiều số liệu tích cực trong ngành.

Theo báo cáo, có 40 nền tảng mới được cấp phép, nâng tổng số giấy phép lên 1.056. Trong số đó, Zalo là nền tảng nội địa chiếm ưu thế với 76,5 triệu người dùng hàng tháng. Con số này vượt qua các ông lớn xuyên biên giới như Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu).

Ngoài ra, một số nền tảng nội địa khác như YooLife đã lọt vào top 10 MXH trên Apple Store Việt Nam. Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, Thứ trưởng Phạm Đức Long đánh giá sức ảnh hưởng thực tế của thông tin trên các MXH trong nước vẫn còn hạn chế so với các nền tảng xuyên biên giới.

 Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Sơn.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Sơn.

Cũng theo báo cáo của Bộ, ngành trò chơi điện tử tại Việt Nam năm 2024 cũng ghi nhận nhiều con số ấn tượng. Trong năm nay, doanh thu ngành game ước tính đạt 12.500 tỷ đồng. 169 trò chơi được cấp Quyết định G1, tăng 25% so với năm trước. Tổng số trò chơi đã được cấp phép tính đến cuối năm 2024 là 1.687, trong đó 1.125 trò chơi đang phát hành.

Lực lượng lao động trong ngành này cũng tăng mạnh, với khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm trước.

Song, bên cạnh những thành tựu, ngành công nghiệp trò chơi điện tử vẫn tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết. Các trò chơi có nguồn gốc nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn (81% từ Trung Quốc), trong khi Việt Nam chỉ chiếm 14%. Các công ty Việt Nam chủ yếu đóng vai trò nhà phát hành thay vì nhà sản xuất.

Năm 2024 cũng là thời điểm Bộ TT&TT triển khai hàng loạt biện pháp quản lý nhằm bảo đảm hoạt động thông tin điện tử tuân thủ pháp luật. Đã có 236 trang thông tin điện tử, MXH và tài khoản bị kiểm tra, xử phạt 46 trường hợp với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu gồm thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp không phép, không tuân thủ quy định giấy phép hoặc cung cấp dịch vụ ngoài phạm vi cho phép.

Bộ cũng phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý 5.300 tên miền quảng cáo, tổ chức đánh bạc trực tuyến và hơn 600 trò chơi không phép trên các chợ ứng dụng nước ngoài.

Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok đã gỡ hàng nghìn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng trong việc quản lý và ngăn chặn thông tin xấu độc. Cụ thể, Facebook đã xử lý gần 9.000 nội dung, trong khi YouTube và TikTok lần lượt gỡ bỏ hơn 6.000 và 900 nội dung.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/mang-xa-hoi-co-nhieu-nguoi-viet-dung-hon-tiktok-facebook-post1514350.html
Zalo