Từ 15-4, lương giám đốc doanh nghiệp nhà nước không quá 10 lần lương trung bình của người lao động
Theo nghị định của Chính phủ, từ ngày 15-4, lương giám đốc doanh nghiệp nhà nước không được vượt quá 10 lần lương trung bình của người lao động. Bảng lương phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Từ 15-4, lương giám đốc doanh nghiệp nhà nước không quá 10 lần lương trung bình của người lao động. Ảnh: LÊ VŨ
Từ ngày 15-4, chế độ lao động, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước sẽ áp dụng theo Nghị định 44/2025/NĐ-CP, thay thế các quy định cũ, TTXVN đưa tin.
Trong đó, doanh nghiệp tự quyết định việc tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, xác định quỹ tiền lương, tiền thưởng và trả lương, thưởng, phải đảm bảo trả lương, thưởng hợp lý, không giới hạn mức tối đa đối với chuyên gia, người có tài năng và trình độ cao.
Nghị định cũng quy định tách biệt tiền lương, thù lao của thành viên hội đồng và kiểm soát viên với tiền lương của ban điều hành, trong đó tiền lương của ban điều hành được tính chung vào quỹ tiền lương của người lao động.
Đặc biệt, nghị định quy định mức lương của tổng giám đốc, giám đốc (trừ khi thuê theo hợp đồng lao động) không được vượt quá 10 lần mức lương trung bình của người lao động.
Khi xây dựng quy chế trả lương, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Doanh nghiệp cũng phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để kiểm tra, giám sát và công khai nội bộ trước khi áp dụng.
Nghị định xác định mức lương cho các chức danh như chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên (hoặc chủ công ty), chia thành 2 nhóm với mức lương cao nhất là 80 triệu đồng/tháng.
Nhà nước quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thông qua việc giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện trực tiếp tại doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước tham gia, biểu quyết và quyết định tại các cuộc họp của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông, theo quy định của nghị định.