Từ 1/7, người bệnh mạn tính được cấp thuốc ngoại trú trên 30 ngày

Theo thông tư mới do Bộ Y tế ban hành ngày 30/6, người bệnh mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, thay vì giới hạn tối đa 30 ngày như lâu nay.

(Ảnh minh họa: ĐỖ THOA)

(Ảnh minh họa: ĐỖ THOA)

Đây được coi là bước thay đổi mang tính đột phá, tháo gỡ những bất tiện kéo dài suốt nhiều năm qua, đặc biệt với người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi hoặc người gặp khó khăn trong việc đi lại.

Theo đó, danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê trên 30 ngày do Bộ Y tế ban hành. Cụ thể, có 16 nhóm bệnh là các bệnh về nhiễm trùng, ký sinh trùng; bệnh của máu; bệnh tâm thần; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa,…

Các bệnh mạn tính phổ biến được trên 30 ngày như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm... cho đến viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, suy tuyến yên, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, các bệnh về máu và miễn dịch như Thalassemia, xơ cứng cột bên teo cơ, cũng như một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì. Danh mục này có tổng cộng 252 bệnh.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết chính sách mới xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu thực sự của bệnh nhân. Trên cơ sở thực tế từng tạm thời kéo dài thời gian cấp thuốc trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đã phối hợp cùng hơn 20 bệnh viện tuyến cuối thuộc nhiều chuyên khoa (nội tiết, nhi, lão khoa, thần kinh, tâm thần…) xây dựng danh mục các bệnh mạn tính có thể kê đơn thuốc dài ngày.

Tuy nhiên, không phải cứ thuộc danh mục bệnh là mặc nhiên sẽ được kê thuốc trên 30 ngày. Bác sĩ phải đánh giá kỹ tình trạng của từng bệnh nhân trước khi quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc 90 ngày.

Thông tư cũng quy định rõ người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc của mình, bảo đảm phù hợp với chẩn đoán, mức độ ổn định của bệnh và khả năng người bệnh tự theo dõi điều trị tại nhà.

Trong trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường, hoặc người bệnh không thể tái khám đúng hẹn, bắt buộc phải quay lại cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh đơn thuốc nếu cần.

Bộ Y tế sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Vương Ánh Dương nhấn mạnh, việc kê đơn dài ngày chỉ áp dụng với các bệnh ổn định, phác đồ điều trị rõ ràng, thuốc an toàn và không đòi hỏi xét nghiệm thường xuyên. Đồng thời, người bệnh cũng cần được hướng dẫn kỹ lưỡng để theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn nếu có.

Với chính sách mới này, hy vọng hàng triệu bệnh nhân mạn tính sẽ giảm bớt gánh nặng di chuyển, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời vẫn duy trì được chất lượng chăm sóc sức khỏe lâu dài.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-17-nguoi-benh-man-tinh-duoc-cap-thuoc-ngoai-tru-tren-30-ngay-post890968.html
Zalo