Từ 1/1/2026: Trường hợp nào không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp?
Theo quy định của Luật Việc làm, từ 1/1/2026 nhiều trường hợp sẽ không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, cung cấp hỗ trợ tài chính cho người lao động khi không may mất việc.
Luật Việc làm số 74/2025/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6/2025 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay giải quyết việc làm theo hướng mở rộng đối tượng, đa dạng hóa cơ chế huy động nguồn lực nhằm tạo cơ hội cho người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất...
Trong đó, Luật đã cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động khi không may mất việc. Ảnh minh họa
Cụ thể, Luật Việc làm năm 2025 đã tập trung sửa đổi các nội dung lớn, trọng tâm như: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng cường diện bao phủ chính sách và phù hợp với Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (tối đa bằng 1% tiền lương tháng), đơn giản hóa điều kiện, giảm thủ tục hành chính cho người lao động và người sử dụng lao động trong tiếp cận và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…
Tại Điều 31 của Luật Việc làm số 74/2025/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 đã quy định cụ thể về các đối tượng phải tham gia cũng như các trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Người làm việc theo hợp đồng lao động: Bao gồm hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.
Người làm việc không trọn thời gian: Nếu người lao động làm việc không trọn thời gian (part-time) nhưng có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã.
Người làm việc theo hợp đồng làm việc (áp dụng với một số đối tượng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập).
Người quản lý và các chức danh quản lý có hưởng lương: Bao gồm người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn, thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động.
Trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Bên cạnh đó, Luật Việc làm cũng nêu rõ những trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm: Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, hoặc trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ, hoặc đã đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc; người lao động làm nghề giúp việc gia đình.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, 6 tháng năm 2025, cả nước đã có 15,354 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 91,6% kế hoạch bảo hiểm xã hội giao, tăng 206,4 nghìn người so với năm 2024, tăng 388,7 nghìn người so với cùng kỳ.