Quyền của phụ nữ: Nhận thức từ xóa bỏ định kiến về giới

Quan niệm về giới hình thành từ những khuôn mẫu, trải qua thời gian theo sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã dần đóng khung trong nhận thức của con người, trở thành những định kiến gây ra sự bất bình đẳng trong các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội... Vậy làm thế nào để nhìn nhận vấn đề này một cách đúng đắn? Sau đây là chia sẻ của TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Bản chất của "nữ quyền"

Dưới góc nhìn của một người hoạt động trong lĩnh vực giới, chị có thể chia sẻ về "nữ quyền" hay những quyền cơ bản của phụ nữ?

Lịch sử cho thấy, những quyền và lợi ích của nam giới đã được khẳng định và thừa nhận, họ được thụ hưởng rất nhiều cơ hội cũng như các vị trí về mặt quyền lực. Thế nhưng đối với nữ giới thì ngược lại, phụ nữ đã mất đi rất nhiều quyền cơ bản như: quyền tham chính, cơ hội tiếp cận với kinh tế, cơ hội việc làm, hay những vấn đề được thụ hưởng trong gia đình. Bởi vì có sự chênh lệch này nên mới sinh ra khái niệm “nữ quyền". Hiểu đúng nghĩa, "nữ quyền" là những quyền cơ bản mà người phụ nữ trên khắp thế giới này đều được hưởng và đều phải khẳng định cái quyền của mình.

 TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đang chia sẻ về bình đẳng giới tại một buổi tọa đàm diễn ra tại Quảng Ninh vào tháng 6 năm 2024

TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đang chia sẻ về bình đẳng giới tại một buổi tọa đàm diễn ra tại Quảng Ninh vào tháng 6 năm 2024

Được biết "chủ nghĩa nữ quyền" gần đây vô hình trung tạo ra một phong trào đấu tranh cho bình đẳng giới, bà có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Theo Luật Bình đẳng giới năm 2006, có 3 trụ cột chính để thể hiện cho khái niệm “bình đẳng giới”.

Trụ cột thứ nhất là nam hay nữ thì đều có vị trí và vai trò như nhau và ngang nhau. Song, thực tế cho thấy sự thật rằng vị trí của nam nữ trong xã hội là chưa như nhau và ngang nhau. Ví như trong lĩnh vực chính trị, nam hiện vẫn đang có vị trí cao hơn nữ. Biểu hiện là tại các vị trí lãnh đạo trên thế giới cũng như Việt Nam, nam giới luôn số lượng nhiều hơn là nữ.

Hiện nay, nam giới vẫn chiếm ưu thế trong vai trò sản xuất, tức là trụ cột kinh tế, vậy nên được coi trọng hơn. Một mặt thì nam giới có cơ hội, nhưng mặt khác cũng gây áp lực cho chính họ khi phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn. Còn vai trò tái sản xuất, vai trò chăm sóc, nuôi dưỡng thì lại nặng hơn cho nữ giới, TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Trụ cột thứ hai là cơ hội được tiếp cận và điều kiện tham gia của cả hai giới. Rõ ràng, thực tế cho thấy từ trụ cột thứ nhất thì vai trò của nam và nữ đang có sự bất cân bằng nên cũng phần nào ảnh hưởng đến cơ hội và điều kiện của họ. Ở một khía cạnh nào đó trên thực tế mà loài người đã trải qua, phụ nữ đã bị thoái trào một số vai trò cũng như mất đi một số vị thế, vì vậy mà sự đóng góp, tiếp cận của họ cũng bị hạn chế. Trụ cột thứ ba là sự thụ hưởng của nữ hay nam cũng như nhau. Đây là điều mà nhân loại luôn mong muốn hướng tới, và cũng là điều quan trọng để khẳng định quyền và bản chất của bình đẳng giới. Xóa bỏ những định kiến

Quan niệm cho rằng nữ quyền là "đối đầu giới tính" đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Làm thế nào để chúng ta có thể thay đổi những định kiến về nữ quyền và giúp mọi người hiểu rõ hơn về bản chất của phong trào này?

Từ hàng nghìn năm trước, mỗi dân tộc có một cái nôi văn hóa riêng, từ đó họ hình thành nên các khuôn mẫu cho mỗi một giới tính, hiển nhiên sẽ có những khuôn mẫu tốt, cũng lại có những khuôn mẫu chưa tốt. Những khuôn mẫu này tạo ra một lối mòn về cách giáo dục hay một nền tảng văn hóa mà chưa thực sự bình đẳng giữa hai giới.

 TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam

TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Để thay đổi những quan niệm giới tính lỗi thời, chúng ta cần tác động vào gốc rễ của vấn đề, đó là nhận thức của mỗi cá nhân. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Có thể thực hiện truyền thông qua nhiều kênh, từ trực tiếp đến gián tiếp. Đồng thời, cũng cần nhắm đến các đối tượng khác nhau, từ cá nhân, nhóm nhỏ đến cộng đồng rộng lớn. Lịch sử đã chứng minh sức mạnh của các phong trào xã hội như "Làn sóng nữ quyền" đầu tiên ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và sự ra đời ngày 8/3 - Ngày Quốc tế Phụ nữ.

"Muốn thay đổi về mặt nhận thức thì phải đi từ truyền thông để nâng cao sự hiểu biết, toàn diện, thì chúng ta mới có thể định hướng đến hành động", TS. Trần Thị Thu Hiền, Học viện Phụ nữ Việt Nam

"Muốn thay đổi về mặt nhận thức thì phải đi từ truyền thông để nâng cao sự hiểu biết, toàn diện, thì chúng ta mới có thể định hướng đến hành động", TS. Trần Thị Thu Hiền, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Hiện nay, quyền của phụ nữ Việt Nam cũng được khẳng định bằng chính sách pháp luật, chúng ta đã có Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình được thi hành nhiều năm. Điều đó cho thấy, chính sách pháp luật của Việt Nam so với trên thế giới đã có nền tảng rất tốt, TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam

So với các quốc gia khác trong khu vực, vị thế của phụ nữ Việt Nam như thế nào?

So với các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng như trên thế giới, thì ngoài ngày 8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ thì Việt Nam ta còn có thêm ngày 20/10 vừa qua là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Điều đó cho thấy, Đảng và Chính phủ cũng rất quan tâm đến vai trò và vị trí của người phụ nữ.

Đây là điều tất yếu bởi có được sự thanh bình này cũng là sự đóng góp của cả hai giới. Phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh không chỉ đảm nhiệm những công việc ở hậu phương mà còn trực tiếp tham gia đấu tranh. Vị thế phụ nữ Việt là vô cùng quan trọng, như Bác Hồ đã từng nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Vậy từ thực tiễn kinh nghiệm thế giới chúng ta có thể học hỏi và áp dụng cho Việt Nam?

Chúng ta có thể thấy một số quốc gia như Na Uy, Thụy Điển là những quốc gia có chỉ số bình đẳng giới vô cùng cao. Kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia đó cho thấy chúng ta có thể áp dụng là cho cả nam và nữ đều gánh vác trách nhiệm như nhau, đặc biệt là trong ba vai trò: tham gia sản xuất đóng góp GDP cho đất nước, chăm lo cho gia đình, tham gia vào các việc chung của xã hội.

Khi nhìn nhận về bản năng giới, cần nhìn nhận đa chiều hơn về giới tính đó trong xã hội, ngoài giới tính nam và nữ thì còn giới tính khác nữa, đó là cộng đồng những 'người Liên giới tính', hay còn được gọi là LGBT. Mặc dù tỷ lệ chỉ chiếm khoảng 2% dân số nhưng họ cũng cần được nhìn nhận đúng và bảo vệ quyền, bởi họ cũng là con người, cũng cần được tôn trọng và được trao những cơ hội và điều kiện bình đẳng.

Trong 1 gia đình, vợ và chồng phải yêu thương, chia sẻ các công việc như chăm con, dọn dẹp nhà cửa, những công việc phục vụ cho đời sống của mình. Đối với riêng phụ nữ, khi ra xã hội cũng cần phục vụ và cống hiến, có trách nhiệm với những công việc của cộng đồng. Đó mới là một hình mẫu xã hội tốt, nơi mà nam nữ không bị phụ thuộc vào nhau và không gây áp lực cho nhau. Bởi chính việc ấy mới làm cho cuộc sống của chúng ta thực sự tươi đẹp.

Minh Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/quyen-cua-phu-nu-nhan-thuc-tu-xoa-bo-dinh-kien-ve-gioi-post13917.html
Zalo