TS Nguyễn Thị Ngọc Dung: Hạnh phúc là đem bình an cho bệnh nhân

Với PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, niềm hạnh phúc nhất đối với bà, đó là đem lại bình an, hạnh phúc cho bệnh nhân. 'Có những khoảnh khắc giành giật được sự sống cho bệnh nhân, cả ê kíp òa khóc'.

Đó là những chia sẻ của PGS.TS.BS.TTND. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TP HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

PGS.TS.BS.TTND. Nguyễn Thị Ngọc Dung (SN 1958) tại Đà Lạt. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp cấp 3, mơ ước lớn nhất của cô học trò Ngọc Dung là được vào học ở trường ĐH Y, nhưng sợ thi vào Y khó nên đã lựa chọn thi vào Sư phạm, cũng là một nghề yêu thích. Tuy nhiên, ngày tới trường ĐH Sư phạm để nộp đơn đăng ký thi thì thấy thí sinh nộp đơn quá đông. Chờ mãi vẫn chưa tới lượt, bà liền nghĩ bụng, thử sang Trường ĐH Y xem có đỡ đông hơn không. Quả nhiên, số thí sinh đăng ký ít hơn hẳn, bà liền mua một bộ hồ sơ đăng ký thi vào Trường Y, và đã trúng tuyển.

“Tôi cảm thấy thực sự mình đã chọn đúng nghề. Bởi bản thân tôi luôn thích quan tâm, muốn hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Người khác vui thì mình cũng vui, và nghề Y phù hợp với tính cách này của tôi”, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Thời điểm bà tốt nghiệp Đại học, sau ngày thống nhất đất nước, ngành Y rất thiếu nhân lực. Là một trong những lứa đầu tiên được đào tạo sâu chuyên khoa về Tai Mũi Họng, nên đã được phân công đi dạy cho các lớp trung cấp về chuyên ngành này.

Sau đó, bà trải qua nhiều chức vụ, từ Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, rồi Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng của Trường ĐH Y Dược TP HCM. Và cuối cùng là làm Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

“Vậy là cuối cùng, tôi đã được làm cả cái nghề mình mơ ước nhất là bác sĩ, và nghề mình cũng thích, đã định chọn, nhưng lại ‘hụt’, là giáo viên. Tôi thấy mình thật quá may mắn, hạnh phúc”, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung cười.

Và một cơ duyên thật đặc biệt, đã đưa bà gắn bó với Nhi khoa. Năm cuối ở Đại học, khi lựa chọn chuyên khoa, bà rất muốn được theo chuyên khoa Nhi vì yêu trẻ nhỏ. Nhưng khi thực tập ở khoa Nhi, bà thấy trẻ con “mong manh” quá, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Vì thế, bà đã không dám chọn Nhi, mà chọn Tai Mũi Họng.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Đại học, về làm việc tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Điện Biên Phủ, TP HCM, do Bệnh viện thành lập khoa Nhi, bà được phân công làm bác sĩ điều trị Tai Mũi Họng cho khoa Nhi, rồi sau đó, giữ vị trí Trưởng khoa Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM.

“Đó thực sự là một cơ duyên kỳ diệu. Và khi làm Trưởng Khoa Nhi, điều tôi quan tâm đến là những bệnh lý của trẻ em, trong đó có điếc trẻ em, đặc biệt là điếc bẩm sinh”, PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Từ những đau đáu ấy, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung là người khởi xướng cho công trình “Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử” của Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM và kế tiếp là “Công trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Hai công trình này đã được bình chọn là Thành tựu y khoa nổi bật tại TP HCM.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho hay, thời điểm đó, điếc bẩm sinh vẫn còn là một vấn đề nan giải.

Năm 1998, cấy điện ốc tai lần đầu tiên được giới thiệu tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM (lúc đó còn là Trung tâm Tai Mũi Họng), tuy nhiên, mới chỉ thực hiện được cấy điện ốc tai đơn cực, khả năng nghe của trẻ thấp hơn. Dù có được hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài nhưng cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng.

Bởi để cấy được điện ốc tai, cần có các chuyên gia về thính học, phẫu thuật viên và chuyên gia âm ngữ trị liệu. Và một điều rất quan trọng, là sau khi phẫu thuật, phải có người làm âm ngữ trị liệu phối hợp với nhà thính học để theo dõi khả năng tiếp thu âm thanh và phát âm của trẻ.

Ở vị trí Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, bà đã phối hợp với Sở Y tế TP HCM và Bộ Y tế cử người đi tu nghiệp ở nước ngoài, mời các đoàn bác sĩ nước ngoài về thiết kế chương trình đào tạo tại chỗ. Nhờ vậy, cấy điện cực ốc tai đã được đưa vào danh sách các phẫu thuật thường quy tại bệnh viện và phổ biến toàn quốc.

“Từ một trẻ bị điếc bẩm sinh, không nghe, không nói được thì nhờ cấy điện cực ốc tai và luyện âm đã có thể nhận biết được âm thanh, nói được. Cho dù không thể giống như một trẻ bình thường, nhưng có thể hòa nhập được với cộng đồng, thậm chí có thể đi học được”, BS Ngọc Dung chia sẻ.

BS Dung cũng chính là người đầu tiên đưa âm ngữ trị liệu về Việt Nam, góp phần rất lớn trong việc điều trị cho trẻ tự kỷ. Ban đầu, bà đưa âm ngữ trị liệu vào Bệnh viện với mục đích điều trị luyện âm cho những trẻ bị hở hàm ếch và trẻ cấy điện cực ốc tai sau mổ. Nhưng sau khi phối hợp với tổ chức TFA (Trinh Foundation Australia) và Đại học NewCastle và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để tổ chức các khóa đào tạo chuyên viên âm ngữ trị liệu tại Việt Nam thì bà nhận thấy rằng, chương trình này còn có thể ứng dụng rất tốt để huấn luyện cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng.

Khi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bà đã tiếp tục phát triển các khóa đào tạo âm ngữ trị liệu và cho thiết lập một mô hình can thiệp sớm, sử dụng âm ngữ trị liệu trực tiếp giải quyết chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ, có sự phối hợp giữa giáo dục, y tế và gia đình.

BS Dung cho hay, hiện nay, hệ thống quản lý trẻ tự kỷ đã khác hơn nhiều so với 10 năm trước, và phụ huynh cũng hiểu biết hơn. Tuy nhiên, thực tế, nhiều gia đình chưa biết cách giáo dục trẻ tự kỷ, hoặc có nhiều trẻ tự kỷ chưa được chẩn đoán đúng bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho rằng, làm nghề y điều quan trọng đầu tiên là phải biết thấu cảm, chia sẻ với bệnh nhân. Người thầy thuốc phải biết đau với nỗi đau của bệnh nhân cả về thể xác lẫn tinh thần, và vui cùng niềm vui khi cơn đau ấy chấm dứt.

Khi bác sĩ đưa bệnh nhân từ tình trạng đau khổ cả về thể xác và tinh thần trở lại cuộc sống bình thường thì niềm vui của bệnh nhân cũng tác động trở lại, là niềm vui của bác sĩ, và có những hạnh phúc là vô giá. Chẳng hạn, một đứa trẻ đang hóc hạt tím tái, trong tình trạng nguy kịch mà bác sĩ soi, gắp được hạt ra, đưa trẻ lại trở lại trạng thái bình thường thì đó là niềm hạnh phúc không có gì diễn tả được.

“Bao nhiêu lời khen cũng chẳng bằng cảm giác hạnh phúc đó. Cũng nhờ động lực này mà các thầy thuốc vượt lên khó khăn để làm nghề”, BS Dung tâm sự.

Có nhiều kỷ niệm khi nhớ lại, BS Dung vẫn cảm thấy rưng rưng. Đó là tiếng gọi ngọng nghịu đầu tiên của đứa trẻ sau khi được cấy ốc tai điện tử, được luyện âm; là gương mặt xúc động tột cùng của cha mẹ bé khi nghe tiếng nói của con tưởng chừng như không thể; là khoảnh khắc bệnh nhi bị áp xe não, khi ê kíp y, bác sĩ chọc mủ ra, em bé khóc lên được, cả phòng bệnh cũng khóc òa theo vì mừng.

Có những kỷ niệm khiến BS Dung nhớ mãi. Đó là một chiều bận rộn, BS Dung khi đó là Giám đốc bệnh viện được thư ký trao vào tay mảnh giấy. Trong mảnh giấy viết, đại ý: “Con chào cô, hôm nay, con vào học đại học, mẹ con nói con đến chào cô. Cách đây 17 năm, cô đã gắp hạt đậu phộng ra khỏi phổi con, mẹ nói cô đã sinh ra con lần thứ hai”. Bức thư đó đã khiến BS Dung xúc động mạnh, nhưng tiếc là em sinh viên đó đã không để lại địa chỉ để BS có thể gặp lại em.

Tin bài liên quan
PGS.TS Trần Thành Nam: Thông minh kèm luyện thi cật lực mới đỗ chuyên
PGS.TS Lưu Khánh Thơ đạt giải nhất cuộc thi viết “Cha và con gái”

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/e-magazine-ts-nguyen-thi-ngoc-dung-hanh-phuc-la-dem-binh-an-cho-benh-nhan-2043283.html
Zalo