TS. Lưu Bình Nhưỡng nói về vấn đề 'cốt tủy' trong công tác cán bộ

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là rất đúng lúc, kịp thời nhằm chấn chỉnh và thống nhất một trong những chủ trương có tính 'cốt tủy' về công tác cán bộ giai đoạn hiện nay.

TS.Lưu Bình Nhưỡng: Đây là chủ trương rất đúng lúc, kịp thời nhằm chấn chỉnh và thống nhất một trong những chủ trương có tính cốt tủy về công tác cán bộ giai đoạn hiện nay.

TS.Lưu Bình Nhưỡng: Đây là chủ trương rất đúng lúc, kịp thời nhằm chấn chỉnh và thống nhất một trong những chủ trương có tính cốt tủy về công tác cán bộ giai đoạn hiện nay.

Thưa ông, việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã được Đảng chỉ ra tại nhiều văn kiện quan trọng, nay được thể chế hóa bằng pháp luật là dự thảo Nghị định của Chính phủ. Đây có phải là đột phá trong công tác này trong bối cảnh hiện nay?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng do Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa V, Chủ tịch Hội đồng nhà nước trình bày ngày 15/12/1986 đã chỉ rõ: "Cơ chế quản lý cán bộ có đúng thì sự đánh giá cán bộ mới chính xác, mới phát hiện, đề bạt được cán bộ tốt, thay đổi những người xấu và yếu kém, loại trừ những yếu tố ngẫu nhiên, may rủi và những động cơ không lành mạnh trong công tác cán bộ". Điều đó cho thấy vai trò đặc biệt của công tác cán bộ ở nước ta và sự quan tâm lãnh đạo từ rất sớm của Đảng.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quy định về công tác cán bộ nói chung, cũng như việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tuy nhiên vẫn chưa được cụ thể, toàn diện. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đây là chủ trương rất đúng lúc, kịp thời nhằm chấn chỉnh và thống nhất một trong những chủ trương có tính cốt tủy về công tác cán bộ giai đoạn hiện nay. Vì Kết luận nêu trên mới là chủ trương của Đảng, không thể trực tiếp áp dụng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong Nhà nước pháp quyền thay thế pháp luật, do đó việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương nêu trên là rất cần thiết.

Có ý kiến cho rằng, một trong những hạn chế của vấn đề này thời gian qua là chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, dễ gây rủi ro, sai sót… Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Mặc dù đã có một số quy định của pháp luật về bảo vệ cán bộ nói chung như: quyền "được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ" (khoản 5 Điều 11 Luật cán bộ, công chức) hoặc quy định cán bộ, công chức được hưởng "các quyền khác theo quy định của pháp luật" (Điều 14 Luật cán bộ, công chức).

Tuy nhiên, các quy định đó còn chung chung, không xác định rõ nội hàm là đối tượng được bảo vệ đối với chủ thể, trong đó chưa có quy định trực tiếp về vấn đề nêu trên.

Việc chưa hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định của pháp luật như vậy rõ ràng không có đủ cơ sở thực hiện việc khuyến khích cán bộ, công chức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cũng không có cơ sở bảo vệ họ; bên cạnh đó cũng chưa có quy định của pháp luật để làm căn cứ xác định trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo ông, việc ban hành nghị định này có hạn chế, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Pháp luật khi được tạo ra ít nhiều sẽ có ảnh hưởng, tác động tới xã hội và con người, nhất là đối với các lĩnh vực đang cần có pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, pháp luật cũng có thể mang đến sự tác động tích cực hoặc tiêu cực.

Đối với những người có ý thức trách nhiệm, ý thức tuân thủ thì các quy định sẽ là "bảo bối" để khuyến khích và bảo vệ cán bộ có năng lực, có phẩm chất, có cống hiến thực sự, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ có tài năng, có đạo đức và trách nhiệm phục vụ Nhà nước, phục vụ Nhân dân.

Ngược lại, các quy định của pháp luật có thể bị một số kẻ thoái hóa, biến chất tận dụng thành công cụ để giải thích, bảo vệ, bao che cho những cán bộ, công chức tha hóa, sai phạm.

Ông có kỳ vọng gì về việc ban hành nghị định này sẽ động viên cán bộ, công chức phát huy trí tuệ, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách để mang lại giá trị hiệu quả, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tôi và nhiều cử tri đều tán thành và cho rằng, với việc ban hành nghị định về lĩnh vực này sẽ góp phần hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; quản lý cán bộ, công chức, tạo cơ sở phát huy sức mạnh ẩn tàng trong đội ngũ cán bộ giàu năng lực, có phẩm chất lâu nay chưa được kích hoạt.

Đồng thời, cũng sẽ tạo ra sự đồng bộ về pháp luật cho việc đánh giá, cất nhắc, đề bạt cán bộ đúng đắn, chất lượng hơn. Đặc biệt, sẽ góp phần tạo ra chính sách, pháp luật giúp các cấp, các ngành phát hiện, thu hút, trọng dụng, bảo vệ và bảo đảm cho việc sử dụng hiền tài, xây dựng hệ thống "nguyên khí" quốc gia.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khuyen-khich-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-chu-truong-co-tinh-chat-cot-tuy-ve-cong-tac-can-bo-119230403062637957.htm
Zalo