TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Thượng sách' là cho phép nhập khẩu vàng

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, vàng là một nguồn dự trữ ngoại tệ vô cùng quan trọng. Coi nhập khẩu vàng 3-4 tỷ USD/năm là chảy máu ngoại tệ là không hợp lý khi nhập khẩu rượu, thuốc lá 8 tỷ USD/năm cũng không bị coi là 'chảy máu'.

Phát biểu tại Hội thảo Khoa học "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” sáng 26/5, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế kỳ vọng, Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ tạo “đường lớn” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực vàng, theo chuyên gia, hiện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng đang rất mong muốn được nhập khẩu vàng để sản xuất trang sức xuất khẩu. Tuy vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng, “Việt Nam rất đặc thù: dân quá yêu chuộng vàng”, nên phải quản lý chặt thị trường vàng.

Phản hồi lại quan điểm nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới “chảy máu USD”, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi: vàng còn quý hơn cả USD, vậy thì “chảy” ở đâu?

Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc cấm nhập khẩu vàng cũng gây ra nhiều hệ lụy khác, trong đó có buôn lậu vàng. Do cấm nhập khẩu vàng, trong khi doanh nghiệp vẫn cần vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh, nên tình trạng vàng nhập lậu là khó tránh khỏi.

“Cấm nhập khẩu vàng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tồn tại, phải kinh doanh. Muốn vậy thì đương nhiên các công ty kinh doanh vàng bạc phải gom vàng buôn lậu, gom vàng trong dân để gia công, chế biến để buôn bán”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Để giải quyết bài toán trên thị trường vàng, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thượng sách là cho phép nhập khẩu vàng, yêu cầu các đơn vị nhập khẩu bán sỉ cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Trung sách là cho phép 9 ngân hàng thương mại và 4 công ty kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng, lập một sàn giao dịch, định giá theo quy định. Sàn này không được bán lẻ. Đây là cách mà Trung Quốc đang thực hiện, giúp giá vàng trong nước không chênh lệch quá cao so với thị trường thế giới.

“Vàng là nguồn dự trữ vô cùng quan trọng. Mỗi năm Việt Nam chỉ cần nhập khẩu 3-4 tỷ USD vàng, nhưng nhiều người đã lo “chảy máu ngoại tệ”, trong khi nhập khẩu rượu ngoại, xì gà, thuốc lá ngoại tới 8 tỷ USD/năm lại không ai nói về vấn đề này, đây là điều rất phi lý”, TS. Nghĩa nêu quan điểm.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng chiều tối 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1-2%, không thể để trên 10% như vừa qua. Đồng thời, có giải pháp tăng cung như nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh và giảm cầu; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu; ngăn chặn các phần tử thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường.

Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng theo hình thức rút gọn để phù hợp tình hình, hoàn thành trong tháng 6/2025, đồng thời rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Về lâu dài, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng; nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng; đẩy mạnh sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo thêm công ăn việc làm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giải tỏa tâm lý giữ vàng trong dân; nghiên cứu, đầu tư hệ thống để khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong kinh doanh vàng.

Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng theo hình thức rút gọn để phù hợp tình hình, hoàn thành trong tháng 6/2025, đồng thời rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Về lâu dài, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn để người dân tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng; nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng; đẩy mạnh sản xuất, chế tác vàng trang sức để tạo thêm công ăn việc làm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giải tỏa tâm lý giữ vàng trong dân; nghiên cứu, đầu tư hệ thống để khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trong kinh doanh vàng.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ts-le-xuan-nghia-thuong-sach-la-cho-phep-nhap-khau-vang-d290340.html
Zalo