Truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025

Ngày 28/3, tại huyện Đức Trọng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng và Hội LHPN huyện Đức Trọng tổ chức truyền thông về giảm nghèo đa chiều cho hơn 200 cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đức Trọng.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tham dự hội nghị có bà Đặng Hương Giang - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng. Về phía huyện Đức Trọng, có bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, bà Nguyễn Thị Định - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Trọng.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo số liệu được đưa ra tại buổi truyền thông: Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tháng 2/2025, cả nước còn hơn 1,2 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, chiếm 4,06%, trong đó tập trung chủ yếu ở các vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung. Như vậy, so với kết quả công bố năm ngoái, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 giảm 1,65% so với năm 2023.

Bà Đặng Hương Giang - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

Bà Đặng Hương Giang - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

Tại tỉnh Lâm Đồng, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND tỉnh, trong năm 2024, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh có 2.324 hộ, chiếm tỷ lệ 0,64% số hộ toàn tỉnh (giảm 0,45% so với năm 2023). Trong đó: hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 1.571 hộ, chiếm tỷ lệ 1,91% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh (giảm 1,33% so với năm 2023).

Tiểu phẩm "Đường thoát nghèo" kể về hành trình thoát nghèo của một hội viên phụ nữ tại Lâm Đồng

Tiểu phẩm "Đường thoát nghèo" kể về hành trình thoát nghèo của một hội viên phụ nữ tại Lâm Đồng

Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh có 4.798 hộ, chiếm tỷ lệ 1,33% số hộ toàn tỉnh (giảm 0,74% so với năm 2023). Trong đó: hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 2.921 hộ, chiếm tỷ lệ 3,56% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (giảm 1,95% so với năm 2023).

Các đại biểu tham gia tọa đàm tạo sinh kế bền vững

Các đại biểu tham gia tọa đàm tạo sinh kế bền vững

Tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 7.122 hộ, chiếm tỷ lệ 1,97% số hộ toàn tỉnh (giảm 1,19% so với năm 2023). Trong đó: tổng số hộ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 4.492 hộ, chiếm tỷ lệ 5,47% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh (giảm 3,28% so với năm 2023).

Đại diện hội viên phụ nữ huyện Đức Trọng giao lưu tại chương trình

Đại diện hội viên phụ nữ huyện Đức Trọng giao lưu tại chương trình

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, nhưng tình trạng nghèo kéo dài và nguy cơ tái nghèo vẫn là những thách thức không nhỏ. Thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo bền vững cần tiếp tục được quan tâm, triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn nữa. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của từng địa phương mà còn là một mục tiêu quan trọng trong lộ trình hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông qua hình thức sân khấu hóa, tọa đàm về tạo dựng sinh kế bền vững và các hoạt động giao lưu “đuổi hình bắt chữ”…, các hội viên phụ nữ được trang bị thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; quá trình triển khai các chính sách của các cấp, ngành liên quan. Qua đó khuyến khích hội viên, phụ nữ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tìm kiếm các cơ hội thoát nghèo, tạo dựng sinh kế bền vững tại địa phương.

T.VŨ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202503/truyen-thong-ve-giam-ngheo-da-chieu-nam-2025-31f4289/
Zalo