Truyền thông và giảm nghèo về thông tin - Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện Kế Sách:: Lực đẩy trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) Võ Tấn Phong, hằng năm, UBND thị trấn phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, con số cần giảm không hề nhỏ, để thực hiện đạt, bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của hộ dân còn yếu tố không kém phần quan trọng đó là sự trợ lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Chương trình). Chương trình này được xem là lực đẩy, góp phần không nhỏ giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Những công trình mang tên chương trình

Yếu tố tác động đến phát triển kinh tế - xã hội không hề nhỏ là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư đường giao thông, trong đó có các tuyến đường nông thôn là rất lớn. Nhờ nguồn vốn từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thị trấn Kế Sách có kinh phí đầu tư xây dựng hàng chục kílômét đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tính từ năm 2022 đến nay, có 12 công trình được đầu tư, với tổng kinh phí được phân bổ gần 10 tỷ đồng, trong đó đầu tư xây mới 11 tuyến đường đal ở các ấp và xây dựng chợ Kế Sách.

Đường giao thông ở ấp được đầu tư xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: NGỌC HẢI

Đường giao thông ở ấp được đầu tư xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: NGỌC HẢI

Hiện nay nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân rất cao. Nếu hệ thống giao thông không được đầu tư, người dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều chi phí di chuyển, vận chuyển. Vì vậy, UBND thị trấn rất quan tâm thực hiện tốt Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Về kết quả giải ngân, từ năm 2022 đến năm 2023, 7 công trình đều giải ngân đạt từ 92,3 - 100%. Trong năm 2024 có 5 công trình, công trình đường nội ấp An Thành giải ngân đạt 96,5%, 4 công trình còn lại đang triển khai thực hiện. Đánh giá chung, về cứng hóa đường giao thông ở ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 90% đường giao thông ở ấp được cứng hóa.

Người dân là người thụ hưởng trực tiếp những công trình này đều thấy phấn khởi, vì thúc đẩy đời sống vật chất và tinh thần hộ dân ngày càng nâng lên. Bà Lê Thị Hai, ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách cảm nhận: “Trước đây, mỗi lần tôi chạy xe ra chợ Kế Sách rất khó khăn. Giờ có lộ đal rộng rãi, xe đi rất êm. Giờ tôi ra chợ không còn ngán ngại nữa”.

Xóa hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo

Toàn thị trấn Kế Sách có 6 ấp, trên 3.900 hộ, trong đó dân tộc Kinh chiếm 59,24%, dân tộc Khmer chiếm 35,29%, dân tộc Hoa chiếm 5,46%. Đa số người dân sống bằng nghề nông, nhiều hộ đời sống còn nhiều khó khăn. Chính điều đó, nguồn lực của Chương trình đã mở ra nhiều hy vọng, tiếp thêm động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cố gắng để thoát cảnh khó khăn.

Ông Thạch Sà Quết, ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) được hỗ trợ chăn nuôi bò phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: NGỌC HẢI

Ông Thạch Sà Quết, ấp An Ninh 2, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) được hỗ trợ chăn nuôi bò phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: NGỌC HẢI

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kế Sách Võ Tấn Phong, thực hiện Chương trình, UBND thị trấn đặt ra mục tiêu phấn đấu giải quyết trên 5% tình trạng thiếu đất ở và trên 30% tình trạng thiếu nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số so với nhu cầu hỗ trợ của giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Về phương pháp thực hiện, UBND thị trấn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn, các đoàn thể tuyên truyền ý nghĩa chương trình này, bình xét đối tượng thụ hưởng từng chương trình, dự án đảm bảo đúng đối tượng, quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định, rà soát công khai, minh bạch, niêm yết danh sách thụ hưởng theo quy định. Trên cơ sở nguồn vốn được phân khai, ban quản lý thị trấn, ban phát triển ấp họp triển khai ra dân lấy ý kiến về việc xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất ở, lựa chọn con giống, nông cụ, máy móc chuyển đổi ngành nghề theo nguyện vọng của người dân.

Đến nay, UBND thị trấn đã giải ngân hỗ trợ đất ở cho 28 hộ, với số tiền gần 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho 158 hộ, trên 6,5 tỷ đồng. Về hỗ trợ phát triển sản xuất, qua xét chọn đã hỗ trợ hộ dân thực hiện mô hình nuôi bò thịt, nuôi bò sinh sản và nuôi lươn thương phẩm; chuyển đổi ngành nghề với tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ chỉ giới hạn nhất định, như mô hình nuôi bò, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò, còn chuyển đổi ngành nghề, chỉ ở mức 10 triệu đồng. Với nguồn hỗ trợ này, để hướng đến việc thoát nghèo bền vững, cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ mang ý nghĩa động viên, tạo động lực rất lớn cho hộ dân có cơ hội tìm hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình.

Được hỗ trợ 1 con bò để chăn nuôi, với ông Thạch Sà Quết, ấp An Ninh 2 cho rằng, đây là cơ hội để ông tăng thu nhập gia đình. “Tôi sống bằng nghề thợ hồ, nếu còn sức khỏe thì kiếm được tiền. Nhưng năm nay tôi đã 63 tuổi rồi, không còn làm được công việc nặng nhọc này. Được thụ hưởng chương trình, chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôi sẽ lo chăm sóc cho bò mau lớn, gầy đàn để thu nhập được ổn định hơn”, ông Quết chia sẻ.

Còn ông Lương Hoàng Chiến, ấp An Ninh 2 cũng rất phấn khởi khi từ nguồn vốn Chương trình, ông được hỗ trợ 44 triệu đồng xây dựng nhà ở và 10 triệu đồng chuyển đổi ngành nghề. “Được hỗ trợ, tôi thấy rất là quý, không còn mơ ước gì hơn nữa. 10 triệu đồng, tôi mua xe đạp điện để phục vụ đi bán vé số, đưa cháu đi học. Có chiếc xe rất tiện, muốn đi đâu cũng dễ”, ông Chiến cho hay.

Từ năm 2022 đến nay, từ việc thực hiện chương trình này đã giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn Kế Sách bình quân từ 2 - 3% theo tiêu chí mới. Theo kết quả rà soát năm 2024, thị trấn còn 176 hộ nghèo, giảm 300 hộ so với năm 2023, chiếm 4,51% dân số toàn thị trấn; hộ cận nghèo còn 331 hộ, giảm 323 hộ, chiếm 8,49%. Để đạt được con số này, việc thực hiện Chương trình đóng vai trò quan trọng, góp phần đáng kể nâng cao đời sống hộ dân, nhất là hộ nghèo và hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với kinh nghiệm 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, trong năm 2025, năm cuối giai đoạn, thị trấn Kế Sách sẽ tiến thêm bước nữa, hướng đến hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đề ra.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/202411/truyen-thong-va-giam-ngheo-ve-thong-tin-chuong-tinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-nam-2024-tren-ia-ban-huyen-ke-sach-luc-ay-trong-cong-tac-giam-ngheo-vung-ong-bao-dan-toc-thieu-so-c324ec2/
Zalo