Theo tờ Sina của Trung Quốc, dẫn nguồn Đài Truyền hình Quốc phòng Việt Nam cho biết, Việt Nam đã công bố những hình ảnh thử nghiệm của pháo xe tải PTH-130-K255B 130mm mới do Việt Nam tự phát triển hồi cuối tháng 10 vừa rồi.
Theo kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, cỗ pháo tự hành này được Việt Nam thiết kế dựa trên pháo tự hành Jupiter. Jupiter là loại pháo tự hành được Cuba phát triển từ pháo kéo dã chiến, với rất nhiều phiên bản khác nhau.
Hiện nay, Cuba đã có ít nhất 5 phiên bản pháo tự hành Jupiter, tất cả các phiên bản đều sử dụng pháo dã chiến cỡ lớn, đặt trên khung gầm xe tải kiên cố, với các cải tiến kỹ thuật rất đáng chú ý.
Pháo tự hành bánh hơi PTH-130-K255B của Việt Nam sử dụng cùng loại pháo và khung gầm với khẩu Jupiter. Pháo của Cuba là loại pháo chiến dịch tầm xa 130mm M46 của Liên Xô và Việt Nam cũng sử dụng loại pháo tương tự.
Pháo 130mm M46 là loại pháo uy lực bạc nhất trong QĐND Việt Nam, thậm chí còn được mệnh danh là "hỏa lực B-52 của pháo binh Việt Nam. Loại vũ khí này có tầm bắn tối đa khi sử dụng các loại đạn thông thường đạt 27,5 km; đối với những loại đạn tăng tầm, có thể đạt trên 40 km.
Tuy có tầm bắn xa, uy lực lớn, tốc độ bắn tương đối nhanh, nhưng nhược điểm của pháo M46 là trọng lượng quá lớn; pháo ở trạng thái hành quân lên tới hơn 8 tấn. Do pháo có trọng lượng nặng, nên pháo phải có tiền xa (bánh trước); khi chuyển sang trạng thái chiến đấu, tiền xa được tháo ra.
Việc kéo pháo M46 cũng rất phức tạp và cồng kềnh, chỉ một vài loại xe tải có khả năng kéo được loại pháo này, ví dụ như xe bánh xích ATS-59 hay xe tải bánh hơi công suất lớn KrAZ 255B, điều này khiến pháo M46 dù mạnh, nhưng triển khai trận địa chậm, nhất là với những trận địa quy mô lớn.
Ở bên kia bán cầu, người anh em Cuba cũng đã hiện thực hóa ý tưởng cơ giới hóa pháo 130mm M46 thành phiên bản tự hành có tên Jupiter. Loại khung gầm được Cuba chọn cũng là loại xe kéo pháo này là KrAZ 255B, do vậy Việt Nam cũng có thể học hỏi và cải tạo bằng chính nội lực trong nước.
Quân đội Cuba cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc sửa đổi xe tải KrAZ 255B để lắp các loại pháo xe kéo do Liên Xô sản xuất. Lựu pháo 122mm D-30 đã được các kỹ sư Cuba lắp trên xe tải KrAZ thành pháo tự hành bánh hơi Jupiter 3.
Nhưng do phiên bản Jupiter 3 đã không sửa đổi khung gầm, nên nhìn cấu tạo còn đơn giản, như cabin không có vũ khí phòng vệ. Do đó, khi phát triển phiên bản Jupiter 4, các kỹ sư Cuba đã thực hiện những thay đổi lớn về hình dạng khung gầm để giải quyết vấn đề này.
Về cơ bản, vị trí động cơ không thay đổi, cabin được di chuyển về phía trước, và vị trí của lái chính và lái phụ có thể bố trí được cả ở cả hai bên của động cơ. Xe cũng đã được hạ thấp độ cao, ở góc độ sửa đổi khung gầm, ý tưởng này là tốt, vì vậy nó tiếp tục được sử dụng trên Jupiter 5.
Nhìn từ góc độ chi tiết, khẩu pháo tự hành PTH-130-K255B của Việt Nam về cơ bản đã đi theo phương án sửa đổi theo kiểu của Cuba, ngoại trừ những thay đổi nhỏ ở phần đầu xe.
Tuy nhiên đối với bàn đế phía sau, Việt Nam không sử dụng thiết kế của Cuba; thay vào đó, chúng ta phát triển loại bàn đế thủy lực lớn hơn, với đầu có thể thu vào, mở ra nhanh chóng.
Ngoài ra do pháo được lắp quá cao ở phía sau thùng xe, nên một bàn đứng thao tác cho pháo thủ có thể thu vào, được lắp đặt ở phía sau xe, để thuận tiện cho việc thao tác của pháo thủ. Ở giữa thùng xe, có hai khoang chứa đạn, một để chứa liều phóng và một để chứa đầu đạn.
PTH-130-K255B không có máy móc phụ trợ, giúp giảm sức người như máy nạp đạn và pháo vẫn phải nạp đạn và tống đầu đạn vào buồng đạn bằng thủ công. Còn về điều khiển hỏa lực và thao tác lấy phần tử lên pháo, PTH-130-K255B của Việt Nam cũng giống như Jupiter 5.
Trên khẩu PTH-130-K255B được trình chiếu trên kênh Quốc phòng VIệt Nam, chưa thấy cấu hình lấy phần tử tự động và điều khiển hỏa lực hiện đại. Về giá pháo vẫn là giá pháo M46 thao tác thủ công, nên có vẻ như pháo hiện không có chức năng điều khiển hỏa lực và vận hành tự động.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang tích cực tìm hiểu kỹ thuật tự động hóa pháo binh, tiến tới hoàn toàn tự động. Với việc cải tiến cơ giới hóa từ pháo xe kéo, thành pháo tự hành, đã giúp thời gian chuẩn bị bắn rút ngắn từ 14 phút xuống còn 1,5 phút, cũng như giảm số lượng pháo thủ.
Về việc tự động hóa hệ thống lấy phần tử bắn của pháo tự hành do Việt Nam tự nâng cấp, có thể coi đây là việc làm trong tầm tay của chúng ta. Trong quá khứ, quân đội ta cũng từng tự động hóa thành công pháo phòng không 57mm, với việc vận hành cả trận địa tự xa mà không cần xạ thủ vận hành thủ công.
Với kinh nghiệm trong quá khứ, rất có khả năng trong tương lai, những phiên bản pháo tự hành do Việt Nam tự nâng cấp, cũng sẽ có thể được vận hành từ xa, hoặc ít nhất, có hệ thống lấy phần tử bắn bằng máy tính điện tử hiện đại. Nguồn ảnh: QPVN.
Tiến Minh