Truyền thông trực tiếp phòng chống tác hại thuốc lá tới học sinh

Việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong trường học cần được thực hiện thường xuyên, đảm bảo hiệu quả.

Truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong trường học tại Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong trường học tại Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Chiều 5/10, tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An), Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong trường học.

Dự buổi truyền thông có đại diện Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) các chuyên gia y tế, giáo dục. Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện Sở GD&ĐT cùng gần 2.000 học sinh, giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh).

Xây dựng trường học không khói thuốc

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu ca do hút thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu ca do hút thuốc lá thụ động. Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Trước đó, từ năm 2012 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngày 30/9/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 30-CT/TTg về chống buôn lậu thuốc lá.

Các đại biểu dự buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong trường học tổ chức tại Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Các đại biểu dự buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong trường học tổ chức tại Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, để những chủ trương, chính sách, pháp luật này của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, thì việc tổ chức các buổi truyền thông, phổ biến về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá là một trong những hoạt động thực sự đem lại hiệu quả.

Về phía ngành Giáo dục Nghệ An, những năm qua đã rất chú trọng và quan tâm đến công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong các trường học, tăng cường chỉ đạo các đơn vị, trường học. Đặc biệt các trường THCS và THPT đã triển khai với nhiều biện pháp, nhằm từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại chương trình truyền thông. Ảnh: Hồ Lài

Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại chương trình truyền thông. Ảnh: Hồ Lài

Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin, từ những chỉ đạo quyết liệt nêu trên, trên địa bàn những gần đây không còn tình trạng học sinh hút thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng trong các trường học. Trường THPT Lê Viết Thuật cũng là một trong những cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.

Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động phòng chống thuốc lá trong trường học là một trong những nhiệm vụ cần phải thực hiện thường xuyên. Thực tế có thể trong nhà trường, học sinh không sử dụng các dạng thuốc lá, nhưng khi ở môi trường khác, trong cộng đồng các em có nguy cơ hút thuốc lá thụ động hoặc nhà trường, gia đình khó kiểm soát đầy đủ. Vì vậy, buổi truyền thông là hoạt động ý nghĩa góp phần tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá.

Phòng chống nguy cơ mới về thuốc lá trong học đường

Tại buổi truyền thông, các chuyên gia đã phổ biến nhiều kiến thức về các loại thuốc lá thường và thuốc lá điện tử hiện nay; tác hại của chất nicotine; ảnh hưởng sức khỏe do thuốc lá gây nên… Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc lá điện tử, với các hương liệu khác nhau thu hút tò mò, “thử nghiệm” của học sinh.

Bên cạnh đó vẫn có không ít ý kiến cho rằng thuốc lá điện tử không gây hại cho sức khỏe… Chương trình cũng tổ chức trò chơi, đặt câu hỏi để học sinh trả lời và thể hiện quan điểm của bản thân về việc sử dụng thuốc lá hiện nay nói chung trong và ngoài học đường.

Học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) tham gia chương trình truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: Hồ Lài

Học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) tham gia chương trình truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: Hồ Lài

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị, sau chương trình truyền thông, các nhà trường tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động cha mẹ, người thân học sinh gương mẫu không hút thuốc lá. Tăng cường thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá trong trường học thông qua việc đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ giáo dục chung của từng năm học.

Học sinh lắng nghe chuyên gia trao đổi, chia sẻ kiến thức liên quan đến tác hại của các loại thuốc lá hiện nay trên thị trường. Ảnh: Hồ Lài

Học sinh lắng nghe chuyên gia trao đổi, chia sẻ kiến thức liên quan đến tác hại của các loại thuốc lá hiện nay trên thị trường. Ảnh: Hồ Lài

Các nhà trường cần đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy trường học; tổ chức xây dựng trường học không khói thuốc lá. Thực hiện tốt việc cấm cán bộ, giáo viên, học sinh hút thuốc lá trong khuôn viên trường học. Đồng thời, đưa việc thực hiện quy định không hút thuốc lá trong trường học trở thành một trong những tiêu chuẩn cho bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm…

Thông qua buổi truyền thông trực tiếp hôm nay, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn học sinh tiếp cận những thông tin, kiến thức bổ ích về tác hại của việc hút thuốc lá. Từ đó tự điều chỉnh thói quen, hành vi của bản thân để tránh xa khói thuốc lá. Tích cực tham gia tuyên truyền cho người thân, bạn bè về tác hại của việc hút thuốc lá để cùng chung tay xây dựng môi trường trong lành, không khói thuốc.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-thong-truc-tiep-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-toi-hoc-sinh-post656556.html
Zalo