Truyền thông ở vùng... mất sóng: Gieo niềm tin, gặt chuyển đổi

Giữa những dãy núi trùng điệp của Trường Sơn, những bản làng nằm ở thung lũng bị coi là vùng lõm của sóng viễn thông, vùng lõm thông tin. Giờ đây những bản làng ở huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đang từng bước nỗ lực thoát khỏi vùng lõm thông tin này.

 Những gia đình ở vùng sâu vùng xa của huyện ĐaKrông giờ vẫn có thể nghe loa truyền thanh

Những gia đình ở vùng sâu vùng xa của huyện ĐaKrông giờ vẫn có thể nghe loa truyền thanh

Công nghệ chạm tới vùng lõm

Trong hành trình hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị - một trong những địa phương nghèo nhất cả nước) đang chuyển mình thầm lặng nhưng mạnh mẽ. Nơi đây từng là vùng lõm thông tin do địa hình hiểm trở, sóng điện thoại yếu, internet gần như vắng bóng. Nhiều xã nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn từng không thể cập nhật bản tin thời sự, càng khó tiếp cận các chính sách mới. Nhưng từ khi "ánh sáng số" len lỏi đến từng bản làng, cục diện ấy đã dần thay đổi. Đến nay 76/78 thôn, bản đã được phủ sóng điện thoại.

"Chúng tôi xác định, truyền thông là then chốt để giảm nghèo bền vững. Khi người dân tiếp cận được thông tin, họ mới biết mình có những quyền gì, được hỗ trợ ra sao, phải làm gì để thoát nghèo", ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông, chia sẻ với PV Báo PNVN.

Từ năm 2021 đến nay, thông qua Tiểu dự án 1 - Giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đakrông đã tổ chức 3 đợt tập huấn, nâng cao năng lực cho 503 cán bộ thông tin và truyền thông. Các lớp tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức chính sách, pháp luật mà còn hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, nhận diện tin giả và kỹ năng truyền thông trực tiếp tại cơ sở.

Những nội dung như Chỉ thị 05-CT/TW, Nghị quyết số 160/NQ-CP, Quyết định số 90/QĐ-TTg... được cụ thể hóa, giúp cán bộ cơ sở - lực lượng gần dân nhất - nắm vững để truyền đạt lại cho đồng bào một cách thiết thực, dễ hiểu.

Với hơn 472 triệu đồng được Trung ương phân bổ, từ năm 2021 đến 2024 huyện đã giải ngân hơn 53,7% kế hoạch, tập trung vào hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở.

Qua 2 đợt sân khấu hóa tại 13 xã, thị trấn, 19 đội thi đã mang thông điệp giảm nghèo đến hơn 4.000 lượt người dân. Những tiểu phẩm bằng tiếng Pa Cô, Vân Kiều giản dị mà thấm thía đã cho thấy thoát nghèo không chỉ là nhận hỗ trợ, mà còn từ việc biết nắm bắt thông tin đúng lúc.

Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông

Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông

Theo ông Liệu, các hình thức truyền thông như sân khấu hóa, phát thanh tiếng dân tộc, loa truyền thanh thông minh không chỉ mang tính phổ cập, mà còn khơi dậy sự chủ động trong người dân.

"Nhiều người dân trước đây chưa từng đến bộ phận một cửa của xã, giờ đã biết gửi kiến nghị qua ứng dụng phản ánh hiện trường của tỉnh", ông Liệu nói.

Dự án 6 đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh tại nhiều xã đặc biệt khó khăn như A Vao, Tà Rụt, Húc Nghì, A Bung... Những vùng lõm thông tin thực sự - nơi sóng điện thoại chập chờn, đường đi cách trở nay đã có thể cập nhật tin tức, cảnh báo thiên tai, lịch tiêm vắc xin hay thông báo tuyển dụng ngay từ sân nhà.

Không chỉ dừng lại ở thiết bị, người dân còn được hướng dẫn cách truy cập cổng dịch vụ công, sử dụng điện thoại thông minh để gửi phản ánh, nộp hồ sơ trực tuyến.

"Mình nghèo, nhưng không còn mù thông tin như xưa”

Bà Hồ Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã A Vao, cho biết, trước kia, chị em trong bản ít ai biết thông tin gì ngoài chuyện ruộng rẫy. Từ khi có loa truyền thanh và được hướng dẫn sử dụng điện thoại, nhiều người đã biết tra cứu chính sách vay vốn, đăng ký làm căn cước công dân cho con. Không phải đợi cán bộ đến tận nhà như trước nữa.

Cột sóng và những chiếc loa phát thanh giúp người dân có thể tiếp cận thông tin ngay từ sân nhà

Cột sóng và những chiếc loa phát thanh giúp người dân có thể tiếp cận thông tin ngay từ sân nhà

“Tôi mới biết cài app từ đợt tập huấn. Giờ tôi biết nhắn tin hỏi cán bộ xã qua mạng, chứ không phải đợi họp thôn mới hỏi được như trước. Mình nghèo, nhưng không còn mù thông tin như xưa”, chị Hồ Thị La, thôn Khe Ngang, xã Húc Nghì (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho hay.

Giảm nghèo thông tin không chỉ là cung cấp máy móc hay mở lớp học, mà là quá trình thay đổi nhận thức. Tại huyện Đakrông, truyền thông được lồng ghép vào lễ hội, họp thôn, hay phiên chợ vùng cao, từng bước thẩm thấu vào đời sống.

Một trong những thay đổi dễ thấy là việc người dân chủ động tra cứu chính sách, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhỏ, làm căn cước công dân, biết lên tiếng khi bị lừa đảo qua mạng. Nhiều hộ nghèo đã tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sinh kế nhờ được hướng dẫn từ các buổi truyền thông cơ sở.

Từ những bản làng heo hút như Tà Long, Mò Ó đến trung tâm Krông Klang, Dự án 6 đang dần vá lại những lỗ hổng thông tin. Đó không chỉ là 4.000 lượt người được tuyên truyền qua sân khấu hóa, hay 2.800 lượt phát thanh mỗi năm, mà là hàng trăm câu chuyện nhỏ về sự đổi thay nhờ tiếp cận đúng lúc.

Khi người dân biết dùng thông tin như một công cụ để vượt khó, khi họ trở thành tuyên truyền viên trong chính cộng đồng mình, đó là thành công lớn nhất của dự án. Tuy nhiên đến nay toàn huyện mới chỉ có 30% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Đây là thách thức không nhỏ trong quá trình số hóa truyền thông cơ sở.

Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện ĐaKrông

Đakrông vẫn còn nghèo, vẫn là vùng lõm không chỉ về địa hình mà cả thông tin. Nhưng nhờ những nỗ lực bền bỉ, từng mái nhà đang dần được "bắt sóng", không chỉ sóng truyền thanh, mà cả sóng của sự đổi thay.

Văn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-thong-vung-mat-song-gieo-niem-tin-gat-chuyen-doi-20250424102947535.htm
Zalo