Truyền thông Indonesia: Việt Nam đã có những bước đổi thay và phát triển mạnh mẽ sau Ngày Giải phóng
Trang Indonesiawindow ngày 30/4 đăng bài viết nhận định Việt Nam đã có những bước đổi thay và phát triển mạnh mẽ sau dấu mốc lịch sử 30/4/1975 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Truyền thông Indonesia nhận định Việt Nam đã đổi thay và phát triển mạnh mẽ sau dấu mốc lịch sử 30/4/1975 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bài viết nêu rõ, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam từ năm 1954-1975, hàng triệu người đã anh dũng hy sinh. Sau khi chiến tranh kết thúc, những thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra ở Việt Nam. Sự phát triển kinh tế thông qua công cuộc Đổi mới kể từ năm 1986 đã được thế giới đánh giá cao. Bước ngoặt lịch sử này đánh dấu việc Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập.
Chính phủ Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, chủ động và tiếp thu để tạo động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Quá trình cải cách của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và doanh nhân quốc tế.
Nhiều diễn đàn, hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, học giả trên khắp thế giới để đưa ra các khuyến nghị và giải pháp giúp đất nước phát triển. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Singapore cũng từng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Việt Nam: Ba mươi năm Đổi mới và hơn thế nữa”.
Cộng đồng quốc tế cũng đã chứng kiến và ghi nhận gần 40 năm hành trình "Đổi mới", cải cách kinh tế của Việt Nam từ một đất nước lạc hậu với hơn 90% dân số làm nông nghiệp trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á.
Những lời ngợi khen dành cho các thành tựu của Việt Nam đến từ các chuyên gia, nhà ngoại giao từng công tác tại Việt Nam, bao gồm từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)..., nuôi dưỡng niềm tin vào triển vọng kinh tế tươi sáng của Việt Nam trong tương lai.
Bài viết nhấn mạnh thêm, Việt Nam cũng đã thoát khỏi sự cô lập về chính trị và kinh tế để phát triển quan hệ đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, khu vực và đa phương.
Quan hệ song phương với Indonesia, một quốc gia láng giềng thân thiện, đã đạt được nhiều thành tựu và có những cải thiện để vượt qua khó khăn, bao gồm cả các ứng phó với tình hình toàn cầu hiện nay.
Tác giả bài viết cho rằng những thành tựu phát triển của Việt Nam và Indonesia là ví dụ cho thấy hai quốc gia đã thích ứng với những thay đổi của môi trường và nhanh chóng tự điều chỉnh.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm cùng đoàn đại biểu gồm các bộ trưởng, quan chức cấp cao tới Indonesia (ngày 9-11/3) và cuộc gặp với Tổng thống Prabowo Subianto đã cho thấy mối quan hệ cũng như cam kết mạnh mẽ giữa hai nước.

Kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục. (Ảnh: Gia Thành)
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang hướng tới hiện đại hóa, trong đó tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp vào nền kinh tế nói chung giảm và khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp đã tăng lên. Công nghiệp và xây dựng đã trở thành ngành có đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế nhờ ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao.
Ngành nông nghiệp đã có những thay đổi đáng kể, đưa Việt Nam từ một quốc gia có mức tiêu thụ cao trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, hạt và thủy sản lớn nhất. Song song với đó, Việt Nam cũng đang đầu tư vào các điểm du lịch ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam để thu hút khách du lịch nước ngoài.
Cuối bài viết, tác giả nhấn mạnh rằng tựu chung lại, công cuộc “Đổi mới” và các biện pháp cải cách tích cực khác đang mang lại hiệu quả to lớn đưa Việt Nam ngày càng phát triển.