Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thông của thư viện. Nếu làm tốt công tác truyền thông thì cộng đồng sẽ dễ dàng nhận diện rõ được vai trò, đóng góp của thư viện, giúp cộng đồng nhận biết, có ấn tượng tốt, kích thích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của thư viện nhiều hơn. Đó là một trong nhiều nhận định được các chuyên gia, những người làm công tác thư viện đưa ra khi bàn về việc truyền thông, quảng bá văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

 Cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu đến cộng tác viên các ứng dụng tra cứu tài liệu của thư viện

Cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu đến cộng tác viên các ứng dụng tra cứu tài liệu của thư viện

Chia sẻ với đại diện các thư viện đến từ miền Trung tại tọa đàm diễn ra ở Huế, bà Nguyễn Thị Như Trang - Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị hiện đang thực hiện ba dạng “công cụ” truyền thông phổ biến. Đầu tiên là thông qua các sự kiện cộng đồng (các cuộc thi, các sự kiện văn hóa, các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách), tiếp đó là kênh truyền thông đại chúng (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, các tài liệu in ấn, poster) và cuối cùng qua các kênh truyền thông xã hội (mạng xã hội, podcasts, blogs).

“Chúng tôi sử dụng linh hoạt cả ba kênh truyền thông trên trong công tác truyền thông vận động, tuyên truyền quảng bá hoạt động, dịch vụ của thư viện đến người dân và trong các cuộc truyền thông vận động văn hóa đọc. Bên cạnh đó, duy trì và làm tốt mảng truyền thông nội bộ để kịp thời thông tin về kế hoạch, chỉ đạo đến viên chức, người lao động một cách nhanh chóng và chính xác”, bà Trang nói.

Theo bà Trang, mỗi kênh truyền thông riêng lẻ hay kết hợp cùng nhau đều góp phần mang lại kết quả cho công tác tuyên truyền, vận động của thư viện. Đặc biệt với kênh truyền thông xã hội, các sản phẩm, dịch vụ, thông tin, các thông điệp được truyền đi nhanh chóng. Nhờ sự hấp dẫn của hình ảnh, từ ngữ âm thanh và những vị trí xuất hiện nổi bật, nó thu hút sự chú ý của người sử dụng và kích thích họ truy cập để tìm hiểu thông tin, từ đó, thư viện có thể đẩy nhanh và mạnh thông tin về các sự kiện, sản phẩm hay dịch vụ mới đến đông đảo bạn đọc.

Và để làm được việc đó, các thư viện cần chú trọng đưa nhân sự tham gia các lớp học ngắn hạn, các lớp tập huấn cung cấp, cập nhật các kiến thức chuyên môn hoặc phát triển kỹ năng cần thiết về truyền thông. Ngoài ra, nâng cao khả năng chuyên môn của người làm thư viện, biết sử dụng phần mềm quản lý thông tin, nắm được các quy trình tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận các nguồn thông tin trong nước và quốc tế. Cùng với đó, xây dựng nhóm làm truyền thông chuyên nghiệp.

Trong khi đó, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế - một trong những nơi có khối lượng sách báo đồ sộ cũng đang ráo riết đầu tư cho mảng truyền thông, thu hút bạn đọc.

Bà Mai Chi, Trưởng phòng Công tác bạn đọc - Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện đơn vị có hơn 300.000 bản sách với hơn 100.000 tên sách, 131 tên báo, 598 tên tạp chí phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, giải trí của mọi lứa tuổi, đáp ứng được nhu cầu tra cứu, đọc, mượn của mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả được chia thành 12 kho: Kho Đọc, kho Mượn; kho Địa chí - Tra cứu, kho tiếng Anh, kho Thiếu nhi; kho Lưu động; kho Cửa sổ Văn hóa thế giới; kho Ngân hàng Thế giới; kho tiếng Pháp, kho Báo và tạp chí, kho Hạn chế, kho Ngoại văn.

Theo bà Chi, những năm qua Thư viện chú trọng đẩy mạnh truyền thông và quảng bá thông tin bằng nhiều hình thức. Có thể kể đến như xây dựng nhóm cộng tác viên là những bạn đọc thân thiết để hỗ trợ một số hoạt động cho thư viện và truyền thông, dùng mạng xã hội facebook, thiết lập trang fanpage để quảng bá hình ảnh thư viện, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và tư vấn, hỗ trợ người dùng tin. Ngoài ra, tạo nhiều kênh tương tác mới để tiếp cận đa dạng bạn đọc ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, bà Chi cho rằng, vẫn còn rất nhiều hạn chế khi đội ngũ làm truyền thông của thư viện chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu hoạt động truyền thông, vận động trong thời đại số. Do vậy, để làm tốt được việc truyền thông trong lĩnh vực thư viện đầu tiên vẫn chú trọng đến con người. Vì thế, các thư viện cần đầu tư cử nhân sự học tập kinh nghiệm về công tác truyền thông, nâng cao kiến thức và các kỹ năng về truyền thông vận động trong hoạt động thư viện.

“Ngoài ra, để thực hiện tốt hoạt động truyền thông, vận động, các thư viện cần quan tâm tới các vấn đề như nghiên cứu, phân loại và xác định người dùng tin, nhận biết được tiềm lực của bản thân, biết được các sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thói quen của người dùng tin, phát triển có hiệu quả các phương thức hoạt động và quảng bá hình ảnh thư viện”, bà Chi phân tích.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/truyen-thong-chuyen-nghiep-cho-cong-tac-thu-vien-147446.html
Zalo