Truyền thông chính sách của NHNN có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả
Ngày 16/1, tại Hà Nội, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị công chức, viên chức năm 2025. Tham dự Hội nghị có Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Theo báo cáo tại Hội nghị, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, nắm bắt, giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng như xu hướng hội nhập quốc tế, Vụ Truyền thông đã thực hiện truyền thông chính sách kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và minh bạch hóa thông tin theo các cam kết quốc tế, góp phần giữ vững và nâng cao niềm tin của nhân dân và quốc tế đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Ngân hàng.
Vụ Truyền thông đã triển khai hoạt động truyền thông chính sách trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử, mạng xã hội…) một cách sáng tạo, chuyên nghiêp, thống nhất, hiệu quả. Các chương trình giáo dục tài chính theo cách mới, sáng tạo, đột phá, lần đầu tiên làm, tạo sự thay đổi về cách thức truyền thông chính sách với phương châm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện được dư luận yêu thích.
Bên cạnh đó, Vụ Truyền thông đã hoàn thành tốt công tác quản lý hoạt động truyền thông của ngành Ngân hàng, đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với định hướng phát triển chung của Ngành và tăng cường hiệu quả truyền thông ngành Ngân hàng.
Phát huy hiệu quả vai trò của Cổng Thông tin điện tử NHNN, thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ liên quan đến hoạt động tiền tệ - ngân hàng; các chỉ đạo, điều hành và các sự kiện quan trọng của NHNN; hoạt động của Ban Lãnh đạo NHNN; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử NHNN.
Các kết quả hoạt động của Vụ Truyền thông năm 2024 cũng như trong 7 năm qua đã góp phần tích cực truyền tải nhanh chóng, đầy đủ, chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giải pháp điều hành của NHNN liên quan đến tiền tệ - hoạt động ngân hàng tới công chúng; kịp thời định hướng, giải quyết các vấn đề báo chí, dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với các chính sách, biện pháp của NHNN, đóng góp tích cực vào hiệu quả điều hành và thực thi chính sách của NHNN, nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá, thời gian qua, Vụ Truyền thông đã hoàn thiện, xây dựng được bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, hiệu quả. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, luôn đoàn kết, thống nhất. Xây dựng được mối quan hệ công tác trong việc truyền thông, báo chí. Có thể thấy, công tác truyền thông đã được toàn xã hội, các cơ quan bộ ngành và Ban Lãnh đạo NHNN đánh giá cao. Đặc biệt, truyền thông chính sách của NHNN được đánh giá có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, đột phá để có những chương trình truyền thông giáo dục tài chính ghi dấu ấn trong công chúng như: Chương trình “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”…
Phó Thống đốc nhấn mạnh, từ khi thành lập Vụ cho đến nay, Vụ Truyền thông đã có những đóng góp tích cực vào thành tích chung của Ngành.
Triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 28/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian tới, Vụ Truyền thông sẽ có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, dù ở giai đoạn nào, vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ, sự cần thiết của công tác truyền thông vẫn luôn còn nguyên giá trị.
Một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm, sự cần thiết, tính hiệu quả của hoạt động truyền thông từ trước đến nay, trong 7 năm qua và từ nay về sau, Phó Thống đốc nhấn mạnh, truyền thông vẫn luôn có sứ mệnh, cần được coi trọng và đặt đúng trọng tâm nhiệm vụ.
“7 năm chưa phải khoảng thời gian dài nhưng công tác truyền thông gắn với rất nhiều sự kiện quan trọng của Ngành. Và trong 7 năm qua, không biết bao nhiêu sự kiện, cuộc họp báo và vấn đề cần xử lý cũng như không biết bao nhiêu chủ trương, chính sách cần đưa ra mà công tác truyền thông phải làm. Trong lịch sử của ngành Ngân hàng cũng phải ghi nhận và thừa nhận một giai đoạn có Vụ Truyền thông, gắn với lịch sử của ngành Ngân hàng trong những năm về sau”, Phó Thống đốc nói.