Truyền thống anh hùng nâng bước tương lai: Kiến tạo tương lai, vươn tầm cao mới (Bài 2)
Trong sử thi bất hủ của dân tộc Việt Nam, mảnh đất Long An kiên trung đã khắc họa nên những trang sử vàng son, in đậm dấu ấn của máu và hoa, của ý chí sắt đá và tinh thần quật khởi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước. Nằm ở vị trí chiến lược - 'yết hầu', cửa ngõ huyết mạch nối liền Sài Gòn với Đồng bằng sông Cửu Long, Long An không chỉ là bàn đạp quân sự quan trọng mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nơi đây, truyền thống 'Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc' được hun đúc trong từng con người, qua từng câu chuyện anh hùng sống mãi theo thời gian, trở thành niềm tự hào bất tận của dân tộc.
Bài 2: Kiến tạo tương lai, vươn tầm cao mới
Sau 50 năm kể từ ngày 30/4/1975, Long An đã khẳng định vị thế qua quá trình “hồi sinh” và phát triển vượt bậc, minh chứng cho tinh thần “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được nối tiếp và phát huy sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Từng bước vượt qua khó khăn do hậu chiến tranh, Long An không chỉ đạt thành tựu KT-XH ấn tượng, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tương lai, ngay cả trong bối cảnh cả nước có thể điều chỉnh địa giới hành chính để sắp xếp lại bộ máy. Hơn nữa, thành tựu của nửa thế kỷ qua đã trở thành niềm tự hào, truyền cảm hứng và là động lực mạnh mẽ cho các thế hệ tiếp bước kiến tạo tương lai.
Hành trình “hồi sinh” và phát triển

Trải bao đau thương, mất mát trong chiến tranh, Long An ngày nay đã “vươn mình”, đang trên đà phát triển
Sau ngày thống nhất đất nước, Long An đối mặt với nhiều khó khăn và nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết. Với chủ trương vận động người dân trở về quê hương và khôi phục sản xuất, chỉ một năm sau, sản lượng lương thực đã tăng lên đáng kể, đạt 400.000 tấn. Diện tích canh tác được mở rộng từ 176.000ha năm 1975 lên 225.000ha vào năm 1985.
Đặc biệt, chủ trương khai phá vùng Đồng Tháp Mười đã biến nơi đây thành “vựa lúa” trọng điểm, khẳng định khả năng chuyển hóa vùng đất đầy thử thách thành nền tảng cho sự phát triển bền vững. Song song đó, các cơ sở công nghiệp được khôi phục và xây dựng mới với 56 xí nghiệp quốc doanh lớn, nhỏ hình thành trong giai đoạn 1975-1985, tạo ra giá trị tài sản cố định tăng gấp 5,6 lần. Hệ thống điện lưới được mở rộng từ trung tâm đến các huyện, thị, góp phần phục vụ sản xuất và đời sống ngày càng hiện đại.
Bắt đầu từ năm 1986, giai đoạn đổi mới đã mở ra một thời kỳ chuyển mình toàn diện cho Long An. Tỉnh mạnh dạn thực hiện cải cách trong quản lý kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối và lưu thông hàng hóa nhằm kích thích sản xuất và kinh doanh. Các biện pháp cụ thể như xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, khắc phục hiện tượng tồn tại nhiều mức giá cho cùng một loại hàng hóa và cải tiến phương thức mua bán đã tạo ra bước đột phá.
Đáng chú ý, việc phá bỏ “ngăn sông, cấm chợ” đã mở đường cho dòng chảy hàng hóa thông suốt, giúp ngành thương mại - dịch vụ (bao gồm cả khu vực quốc doanh và hợp tác xã) giữ vững vai trò chủ đạo, góp phần quan trọng ổn định giá cả thị trường. Những cải cách ban đầu này đã đặt nền móng vững chắc cho quá trình đa dạng hóa kinh tế và thu hút đầu tư mạnh mẽ trong những năm tiếp theo, qua đó tiến tới quy hoạch phân vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng các khu, cụm công nghiệp từ năm 1996.
Đột phá và hội nhập
Tháng 6/2003 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Long An chính thức gia nhập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh đã đẩy mạnh quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển công nghiệp, dịch vụ và hiện đại hóa hạ tầng. Thành tựu này thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GRDP ấn tượng, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,62%/năm và năm 2024 đạt 8,3%, đưa Long An đứng thứ ba trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt gần 26 tỉ USD, tăng trưởng trung bình 14,5%/năm. Thu ngân sách năm 2019 vượt 18.300 tỉ đồng, đưa Long An dẫn đầu khu vực về chỉ số này; đến năm 2024, mức thu ngân sách ước đạt hơn 25,8 ngàn tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn duy trì ở mức cao - với bảng xếp hạng năm 2018 đứng thứ 3 cả nước và năm 2023 đạt vị trí thứ 2; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024, tỉnh Long An đạt 89,68%, tăng 0,46% so với năm 2023 (89,22%), đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi và vị thế chiến lược của tỉnh.
Cùng với thành tựu kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân Long An cũng nâng tầm rõ rệt. Tỉnh đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, phòng học kiên cố tăng từ 90% năm 2013 lên 97,5% năm 2023 cùng với xây dựng nhiều trường học hiện đại, đạt chuẩn quốc gia. Lĩnh vực y tế và văn hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 72,67 triệu đồng năm 2020 lên 107,3 triệu đồng năm 2024; hộ nghèo giảm còn 0,56% và hộ cận nghèo còn 1,52% vào cuối năm 2024. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, minh chứng cho sự chuyển mình vượt bậc của làng quê Long An.

Tỉnh đầu tư mạnh cho lĩnh vực giáo dục. Nhiều trường được xây dựng hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Đầu tư bài bản về hạ tầng giao thông đã tạo sức hút cho sự phát triển. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được nâng cấp; các tuyến cao tốc quan trọng như TP.HCM - Trung Lương và Bến Lức - Long Thành khẳng định vai trò nối kết Long An với các trung tâm kinh tế trọng điểm. Đồng thời, chương trình huy động nguồn lực xây dựng 14 tuyến đường huyết mạch kết nối các khu công nghiệp, TP.HCM và cảng quốc tế đã mở ra lộ trình phát triển giao thông hiện đại. Hạ tầng điện cũng được mở rộng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Tiếp lửa truyền thống, vươn tầm tương lai
Truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” không chỉ là di sản lịch sử mà còn là nguồn năng lượng tinh thần mạnh mẽ cho quá trình phát triển hiện đại. Truyền thống anh hùng được chuyển hóa một cách sáng tạo qua các chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, cải cách hành chính mạnh mẽ (điển hình là PAR Index năm 2023 xếp thứ 8 cả nước và dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), cùng với sự chủ động, năng động của chính quyền tỉnh. Những bước đi táo bạo này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,08% GRDP năm 2024 cùng với nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chiến lược “ba vùng, một trung tâm, hai hành lang và sáu trục động lực” không chỉ định hướng phát triển bền vững mà còn mở ra những cơ hội mới cho Long An. Sự chuyển mình mạnh mẽ trong nửa thế kỷ qua là nền tảng vững chắc cho sự tiếp bước của các thế hệ tương lai, tiếp tục nâng tầm giá trị truyền thống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng hiện đại và đẳng cấp.
Hành trình 50 năm phát triển của Long An là minh chứng sống động cho sức mạnh của ý chí, quyết tâm và tinh thần “trung dũng kiên cường”. Từ một vùng đất trải nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, Long An đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về phát triển KT-XH của khu vực phía Nam. Truyền thống anh hùng được chuyển hóa thành động lực nội sinh bất tận, giúp tỉnh kiến tạo những thành tựu ấn tượng và mở ra những triển vọng tươi sáng cho tương lai.
Với nền tảng vững chắc được xây dựng qua nửa thế kỷ và khát vọng vươn lên không ngừng, Long An khẳng định vị thế trên bản đồ phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng với các địa phương khác, tinh thần và truyền thống của Long An được lan tỏa và phát triển cùng với sự tươi đẹp của đất nước Việt Nam. Các thế hệ tiếp bước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển và đưa Long An lên những tầm cao mới của thời đại, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của Tổ quốc./.
