Truyện ngắn: Người mẹ
Trong tim cậu, mỗi vòng quay của đời mình - dù là trên xe máy, xe buýt hay những con đường tấp nập - vẫn nghe đâu đó tiếng lách cách của sợi xích cũ và giọng mẹ thì thầm: Bay đi con trai!

Tranh minh họa
Thảo mồ côi mẹ từ năm lên 6. Những trái bom thả xuống các tỉnh: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nam Định… trong chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc năm 1967 ác liệt ấy không chỉ bất ngờ cướp đi người thân cuối cùng của Thảo mà còn để lại một vết sẹo lớn trên cổ cô. Càng lớn, vết sẹo trên cổ Thảo càng to ra. Thảo trở thành "mụ phù thủy xấu xí" trong mắt tụi trẻ con trong làng.
Người bình thường sống qua được thời chiến tranh khốc liệt bom rơi, đạn vãi và cả thời bao cấp đói kém, khoai sắn độn cơm đã khó, nói gì một đứa trẻ mồ côi như Thảo. Nhờ lòng tốt của bà con chòm xóm và sự chăm chỉ, nghị lực vươn lên, Thảo vẫn sống, vẫn lớn và vững vàng.
Gần 30 tuổi, Thảo lấy chồng. Chồng Thảo tên Lũng, cũng một thân một mình, không nghề nghiệp, không tài sản, đến một mảnh giấy tùy thân cũng không có. Lũng chỉ nhớ quê mình ở Lạng Sơn. Nhà bị pháo bắn cháy, người thân của Lũng chết hết.
Không biết vì nguyên do nào, có thể do bị va đập hay đất đá đè nên tai Lũng bị điếc, đầu óc cũng không được bình thường, không đến nỗi thần kinh, mất trí, chỉ là không nhớ được rõ ràng mọi việc. Có thể do tính cách, cũng có thể do không nghe rõ nên Lũng rất ít nói.
Anh kiếm sống bằng nghề đánh bắt tôm cá, chủ yếu là thả đó, kéo vó bè và đánh giậm. Thảo hay mua tép của Lũng, sau đó là quen, rồi cưới. Gọi là cưới chứ thực ra chỉ làm một mâm cỗ nhỏ, báo với hàng xóm láng giềng để Lũng dọn tới nhà Thảo ở.
Không có giấy tờ tùy thân nên cũng chẳng thể làm đăng ký kết hôn. Tuy vậy, căn nhà cũ của Thảo có bàn tay và bóng dáng của người đàn ông bỗng chốc sinh động hẳn lên. Năm đầu tiên, hai vợ chồng đã đóng, đốt thành công một lò gạch.
Năm sau thì căn nhà tranh vách đất cũ nát mà Thảo ở bao năm được thay bằng tường xây mái ngói. Cái cổng rào ọp ẹp cũng được thay bằng cổng gỗ mít mới tinh.
Hạnh phúc khiến Thảo xinh hẳn ra, vết sẹo trên cổ cũng như nhỏ hơn, nhạt đi. Mùa đông, mặc cái áo len cổ cao, Thảo tự đan vào, chẳng nhà nào còn lôi Thảo ra dọa con nữa. Cây bưởi sau nhà như sai trái hơn. Giàn mướp trước nhà dường như cũng xanh hơn. Rồi thằng Tí ra đời.
Ngôi nhà nhỏ có tiếng trẻ con càng thêm vui vẻ, ấm cúng. Lũng chăm đi ra sông kéo vó hơn. Tiền bán tôm bán cá, Lũng dành dụm mua được cho vợ một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ màu xanh nhạt. Cuộc sống của họ thật hạnh phúc.
Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Thằng Tí chưa lên ba thì Lũng trong một lần đi ra sông Trà bắt cá bị bão lũ từ sông Hồng đổ xuống cuốn trôi. Thảo khóc lặng nhưng ngay sau đó, tiếng khóc của thằng Tí đã bắt Thảo phải đứng dậy. Nằm mãi ai sẽ lo cơm cháo cho con, lo ma chay cho chồng.
Cuộc sống tự lực, tự lập từ nhỏ đã khiến Thảo mạnh mẽ. Thảo quyết làm việc nhiều hơn, kiếm tiền nuôi con ăn học. Thảo làm đủ thứ việc, đan lát, thêu thùa, đi cấy đi gặt, đi mót đi nhặt, kéo vó, thả lờ. Việc gì kiếm ra tiền, Thảo cũng làm, bất kể gió mưa, tối khuya hay sáng sớm.
Có lần, Thảo đi cất đó sớm, thằng Tí tỉnh dậy, trời tối đen mà không thấy mẹ, nó vùng dậy vừa khóc vừa đi tìm. Khi linh tính mách bảo, Thảo hốt hoảng chạy về, thấy thằng bé đang lò dò trong sân cách mấy bước chân nữa là đến cầu ao. Trời vẫn tối đen, nó mà có mệnh hệ gì Thảo biết sống làm sao.
Từ đấy, Thảo phải bớt việc đi nhấc lờ cất đó sớm, tập trung cho việc đan thêu. Rất nhiều tối khuya, khi giật mình tỉnh giấc, thằng Tí vẫn thấy bóng mẹ ngồi đan bên ngọn đèn dầu tù mù. Bù lại, hai mẹ con luôn được ở cạnh nhau. Chiếc xe đạp cũ màu xanh là "người bạn" đồng hành duy nhất của hai mẹ con suốt những năm tháng gian truân đó.
Lên 6 tuổi, Tí đi học. Sáng sáng, Thảo chở con đến lớp trên chiếc xe cọc cạch, bánh sau nghiêng ngả, xích trật hoài. Đường làng gập ghềnh, nắng thì bụi đỏ, mưa thì lầy lội. Có lần, Tí ngồi sau reo lên:
Mẹ ơi, xe mình bay như chim đó!
Thảo lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán khẽ trả lời con mà như nói với chính mình:
Ừ, mẹ quyết sẽ chở con bay qua hết mọi khó khăn.
Ngày qua ngày, Thảo đi làm thuê, làm mướn, gom góp cóp nhặt từng đồng nuôi con ăn học. Lắm hôm về nhà, mệt rã rời, cô nhìn con ngủ mà không cầm được nước mắt. Nhưng sáng hôm sau, Thảo lại gò lưng đạp xe, chở Tí đi học, như thể cả thế giới chỉ còn lại hai mẹ con.
Năm Tí lên 9, tự nhiên Tí có ông bà nội. Thì ra gia đình Lũng không chết cháy trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 như Lũng tưởng. Họ chỉ sơ tán về Thái Bình rồi đi kinh tế mới vào Bà Rịa-Vũng Tàu.
Gia đình Lũng cũng đinh ninh là Lũng đã mất trong cuộc chiến năm đó, cho đến khi về thăm nhà, nghe bà con trong làng kể chuyện đã thấy Lũng về nhà vài lần, họ mới để ý dò la tin tức. Có người nói Lũng lấy vợ cũng ở Thái Bình nên gia đình tìm về nơi sơ tán, dò hỏi, sau đó không khó để họ tìm ra Thảo và Tí.
Họ vỡ òa khi thấy Tí. Ai cũng khen thằng bé khôi ngô giống bố nó hồi nhỏ. Bố mẹ Lũng thuyết phục Thảo vào Vũng Tàu. Vì tại Thái Bình, Thảo cũng chẳng còn ai thân thích nên cuối năm đó, cô bán nhà chuyển vào Vũng Tàu, chủ yếu cho thằng Tí có họ hàng chứ thực lòng Thảo rất nhớ cái vùng quê xanh mướt màu của lá lúa, lá ngô mà cô đã gắn bó suốt bao nhiêu năm trời. Hành trang mang vào không thể thiếu chiếc xe đạp màu xanh mà Lũng đã tặng.
Hồi đầu những năm 2000, đất cát còn chưa đắt đỏ như bây giờ. Thảo được gia đình chồng cho một miếng đất ở Chí Linh để cất một căn nhà nhỏ. Cuộc sống của hai mẹ con Thảo dễ thở hơn trước đây rất nhiều.
Đến bây giờ, Thảo mới có thời gian lo cho sức khỏe của mình và bất ngờ trong một lần đi khám tổng quát, tình cờ Thảo phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Trong các bệnh ung thư thì ung thư tuyến giáp có vẻ như nhẹ nhất. Nếu có điều kiện mổ, điều trị ngay thời kỳ đầu thì Thảo đã không sao.
Nhưng phần do vội về lo cho con, không nghe hết lời khuyên của bác sĩ, phần vì thiếu hiểu biết và tiếc tiền, Thảo đã im lặng, giấu bệnh. Tới lần tiếp theo đi khám, bệnh đã tiến triển nặng. Thảo biết mình không còn sống được bao lâu, nhưng vẫn gắng tỏ ra khỏe để giấu con, giấu gia đình Lũng.
Thảo bắt đầu tìm cách tách con ra, tập cho Tí sống tự lập. Lòng người mẹ thầm vui khi thấy con khỏe mạnh, học giỏi và ngoan ngoãn. Cô vẫn cần mẫn gom góp từng đồng ít ỏi từ tiền làm thuê, bán rau, tách hạt điều để gửi tiết kiệm.
Một ngày hè nóng nực, trong bệnh viện ung bướu Sài Gòn, Thảo nắm lấy bàn tay gầy héo của bà nội Tí:
Con xin lỗi đã giấu mẹ và mọi người bệnh tình của mình... Con sắp không trụ được nữa rồi... Con nhờ nhà mình lo cho cháu Tí... Mẹ hãy giữ cho con cuốn sổ tiết kiệm này. Đến khi Tí học hết lớp 12, mẹ hãy đưa cho nó. Bảo với nó… đây là món quà của mẹ, để nó đi xa hơn trên chiếc xe đạp màu xanh của mình.
Thảo ra đi lặng lẽ, giữa một chiều giông gió. Thằng Tí không gào khóc gọi mẹ. Nó đứng vững vàng trước bàn thờ, đôi tay bé nhỏ xiết chặt, cúi đầu thành kính tạ lễ những người đến viếng.
Năm tháng trôi qua. Tí lớn lên, sống với bà nội, khỏe mạnh, đẹp trai, học giỏi như mẹ từng mong đợi. Ngày Tí thi đỗ đại học ở Sài Gòn, bà nội già yếu mới run run trao cho cậu cuốn sổ tiết kiệm cũ mèm.
Số tiền không nhiều, chỉ vừa đủ mua một chiếc xe máy cũ và trả tiền trọ tháng đầu tiên nhưng với Tí, nó quý như cả kho báu.
Trước khi rời quê, Tí quay vào nhà kho, nơi chiếc xe đạp màu xanh đã gỉ sét nằm im lìm bao năm. Tí xoay xoay tay nắm ghi-đông, thì bỗng phát hiện trong đó có nhét một tờ giấy đã ố vàng. Tí run run mở ra.
Là nét chữ của mẹ: "Nếu một ngày con đọc được dòng này, nghĩa là con đã lớn rồi. Mẹ tin con sẽ bay xa hơn cả chiếc xe đạp cũ kỹ này. Mẹ không thể đi cùng con, nhưng mẹ luôn đạp bên con, trong tim. Bay đi, con trai!".
Tí bật khóc. Cậu ôm chiếc xe đạp, như ôm lại cả hình bóng người mẹ tảo tần năm xưa.
Ngày lên thành phố, Tí không đem xe đạp theo. Nhưng trong tim cậu, mỗi vòng quay của đời mình - dù là trên xe máy, xe buýt hay những con đường tấp nập - vẫn nghe đâu đó tiếng lách cách của sợi xích cũ và giọng mẹ thì thầm: Bay đi con trai!