Truyện ngắn: Người lập trình ước mơ
Nắng hiền hòa hơn nơi rẻo cao. Ngọn khói thơm lừng bay đi đón bước chân các em đến sân trường vừa chơi đùa vừa kể chuyện...
Mặt trời mọng như quả hồng chín lăn về phía hẻm núi đằng Tây, hơn ba mươi đứa trẻ ở Lủng Tà vẫn xếp hàng dài ở con đường độc đạo dẫn vào bản. Tôi biết, Thàng đang mang thức ăn đến nấu.
Mỗi lần Thàng nấu nướng, bên cạnh anh là hàng chục đôi mắt to đen lay láy chăm chú nhìn thao tác lột vỏ củ hành, băm thịt bằng hai tay, tách lòng đỏ trứng ra khỏi lòng trắng,… Ai cũng lộ vẻ háo hức khi có đồ ăn ngon. Tôi thấy lòng mình vui hẳn khi nghe tiếng cười giòn tan của bọn trẻ lần đầu được bưng bát mỳ tôm nóng hổi, xé miếng sườn xào chua ngọt hay xiên cá viên chiên thơm lừng. Thấy tôi quệt mồ hôi, dụm lửa trên phiến đá hãy còn bỏng rát, Thàng nói:
- Với bữa cơm này, ít nhất, bọn trẻ không phải đi ngủ với chiếc bụng rỗng như tôi ngày trước.
Ngày mới về đây, tôi từng thắc mắc, sao bà con có thể dựng nhà trên sườn núi toàn đá xám ngắt thế này, không điện, không nước, không đường xe máy chạy, không sóng điện thoại, thậm chí, nhiều người cả tháng mùa khô không… tắm?
Điểm trường tôi ở lại chỉ có bốn thầy cô giáo, thay phiên nhau trực hai tuần. Tôi với Long chưa lập gia đình, ai cũng nhiệt tình gán ghép nhưng hình như đôi chân tôi mang nam châm trái dấu, thường thích lẩn mẩn làm việc một mình còn Long chỉ đếm ngày nhanh chóng chuyển về gần nhà.
Để cải thiện bữa ăn, chúng tôi lấy đá xếp thành bờ rào chắc chắn, vào hang Dơi gùi từng ít đất về đổ vào đó cho bằng phẳng rồi gieo các loại rau. Mùa nào thức nấy nhưng đa phần là rau muống, rau dền, rau cải, cà chua và đỗ.
Nước sinh hoạt được tận dụng triệt để, quý như hạt ngô, hạt gạo giữa đỉnh trời. Điểm trường chưa xây được bếp nấu, bữa trưa, tụi trẻ thường chỉ ăn cơm trắng với rau dại trong rừng. Long vác can nhựa, cắm cúi lần theo lối nhỏ xuống thung lũng tìm mạch nước nhận xét:
- Chúng như cây cỏ, gió gieo mầm rồi tự lớn lên bằng sức sống hoang dại giữa non cao.
Tôi băn khoăn:
- Đói, ăn uống đạm bạc dẫn đến thiếu chất thì làm sao mà tiếp thu bài học? Mình muốn đứng ra thành lập quỹ “Bữa ăn cho em”, mong nhận thêm sự ủng hộ nhằm cải thiện bữa ăn cho những đứa trẻ ở Lủng Tà.
Long gạt đi:
- Thôi đi bà ơi, vẽ ra được dăm bữa nửa tháng tắt rụi. Sau này, bà yêu đương, lấy chồng, con nhỏ bận bịu tối ngày, lên lớp dạy học đều đặn, tôi không phải dạy thay là mừng rồi. Gieo vào bọn trẻ mới có một ước mơ từ giờ trở đi ăn cơm sườn canh cá, trứng sữa, bà sẽ đau lòng khi tự tay bóp chết niềm hi vọng tươi đẹp đó của chúng.
Ở trường cũ, tôi trải qua rồi. Đau lòng lắm, mới chục ngày mọi thứ tiêu tan nhưng đôi mắt trẻ tội làm sao!
Chưa hết nhé, những đoàn từ thiện lên một hai lần, cờ giong trống mở rồi bà con lại thắt thẻo chờ ngày họ trở lại. Làm sao biết ngày đó là ngày nào? Lủng Tà cần nhất bây giờ là gì, bà biết không? Nước và con đường, chưa kể điện về có cái chỗ sáng sủa soạn giáo án, tôi tình nguyện nấu cơm đến khi nào trở thành ông giáo về hưu.
Thế rồi Thàng đến với Lủng Tà lập trình ước mơ của tôi trong một lần đi quay hình ảnh đăng lên kênh YouTube. Những đứa trẻ lên năm, lên mười túm tụm xem ảnh trong màn hình điện thoại của anh, cười reo thích thú.
Thàng cũng là người Mông nên càng dễ gần tụi nó. Thấy những đứa trẻ đi chân đất giữa trời đông lạnh cùng chiếc áo lấm lem bùn đất, sau khi hỏi thăm vài em nhỏ, Thàng bật khóc. Mãi sau này, khi đứng ra cùng quản lý quỹ “Bữa ăn cho em”, Thàng mới thổ lộ:
- Anh hỏi, đứa phải ăn mèn mén, đứa phải đi mót khoai chống đói qua ngày. Thời khắc ấy, anh đã nghĩ phải làm gì đó giúp đỡ cho bọn trẻ nơi đây. May mà, anh tìm thấy em giúp đỡ.
Thàng hỏi ban giám hiệu cho xin một góc sân đất cạnh điểm trường để nấu ăn cho bọn trẻ trong bản Lủng Tà. Bác trưởng bản Thào A Dí hồ hởi:
- Cô Sim cũng muốn nấu ăn lắm à. Nhưng người giúp ít quá, tôi có đôi chân khỏe, đi thông báo giúp anh được thôi, còn cái tay không làm giỏi làm việc mới đâu.
Từ đó, tuần nào, tôi cũng giúp Thàng và các bạn nấu cơm cho các em. Có hôm, Thàng mang thêm bánh kẹo, sữa hộp, bát đĩa, xoong nồi cùng thịt cá tươi sống với mong muốn nấu bữa ăn đủ chất. Tôi cũng hiểu vì sao Thàng lại kiên trì cùng tôi thực hiện ước mơ ở nơi rẻo cao này.
***
Quê của Thàng ở tận Leng Su Sìn. Từ lúc còn bé xíu, Thàng đã theo mẹ lên nương gặt lúa, bẻ ngô. Năm lên hai tuổi, cậu bé vô tình cho tay vào máy tuốt lúa, xuống bệnh viện huyện bác sĩ nói phải cắt bỏ cả bàn tay. Không cam tâm, mẹ cõng Thàng đi bộ năm mươi cây số xuống bệnh viện tỉnh. Bàn tay nhỏ xíu của Thàng được cứu nhưng vẫn phải cắt bỏ ngón trỏ do hoại tử.
Năm Thàng lên mười tuổi, bố ra trại cai nghiện về nhà thường xuyên đánh đập mẹ. Một lần, hai mẹ con dìu nhau chạy ngược suối trong cơn mưa tầm tã, Thàng tự hỏi sao mình chẳng bằng con chim bìm bịp, kêu khản cổ cả buổi chiều nhưng đến tối còn có tổ để nằm. Lúc hai hàm răng va vào môi bầm máu, ngồi trước cửa hang đen ngòm, Thàng hỏi mẹ:
- Bụng con đói thế này, cắt ruột đi có đỡ đói không hở mẹ?
Mẹ ôm Thàng vào lòng, những giọt nước mắt nóng hổi trong bóng tối rơi xuống má Thàng, thủ thỉ.
- Lát nữa, mưa tạnh, trăng lên, mình quay lại nương thể nào cũng tìm được cái ăn thôi con à.
Nhưng đêm hôm đó, mưa không dứt. Núi rừng có những tiếng nổ đinh tai. Sét đánh cây đổ, đá lăn. Nước suối ồng ộc dâng lên tận miệng hang. Mẹ bế thốc Thàng lên mỏm đá cao hơn, trông cây cối bị dòng nước nuốt chửng vào rìa đá ngầm dưới ánh chớp đỏ lòe.
Đàn dơi đi kiếm ăn trở về không thấy đường vào hang kêu lóe xóe, Thàng sợ hãi co rúm người, khóc thút thít rồi mệt quá, ngủ quên lúc nào không hay. Bế tắc, người đàn bà mới ngoài ba mươi tuổi tự tìm lối thoát cho mình bằng nắm lá ngón oan nghiệt kèm vài lát khế chua. Thàng nghe người già trong bản đến đám ma, vừa trình cơm vừa than thở:
- Ba lá thôi đứt ruột em tôi. Bảy vía đi bảy vòng không có đường về. Mười ông mặt trời bây giờ còn một nhưng thằng cháu tôi không còn thấy em nữa rồi.
Mất mẹ, Thàng suy sụp. Sống khép nép cùng bố với những trận đòn roi, lại bị bạn bè khinh thường, dù ở nhà hay trên lớp, cậu cũng chỉ lủi thủi một mình.
Thàng hay mơ gặp mẹ, mẹ đến một nơi xa lắm, xung quanh chỉ có mây và nắng. Ở đó có nhiều thức ăn ngon, có giường đệm bông trắng muốt để nằm. Còn có cả tiếng trẻ con nô đùa, chạy nhảy. Nhiều lần, Thàng trách sao mẹ bỏ mình ở lại mồ côi mồ cút rồi khi suy nghĩ lại, cậu chỉ mong chóng lớn để đến một nơi thật xa kiếm việc nuôi thân nhưng đôi chân còn non bấy, quanh quẩn với nương ngô, con chữ đã hết một ngày.
Chưa được tròn năm, bố lấy vợ mới, dọn ra ở riêng, để lại mình Thàng trong căn nhà dột nát. Để tiếp tục đi học, Thàng nửa buổi đến trường, nửa buổi làm thuê cho quán cơm ở cạnh ủy ban xã. Bữa ăn khi đó với Thàng chỉ có cơm trắng người ta nấu còn thừa chưa kịp đổ vào xô bẩn cùng rau cỏ trồng ngoài vườn.
Lên cấp ba, vì lịch học dày, không thể đi làm thêm, Thàng đi mót những quả bí đỏ già cỗi nằm ẩn trong khe đá người ta quên không đem cho lợn, cho bò, gùi về nhà ăn dần.
Ăn uống thiếu chất khiến Thàng nhiều lần kiệt sức. Đã có thời điểm cậu muốn nghỉ học nhưng thầy cô lại động viên “học hết cấp ba mới xin được làm công nhân để thoát nghèo”.
Nhưng khi Thàng vừa học hết lớp 12, chưa kịp lấy bằng, bố về rao bán ngôi nhà cậu con trai út đang ở. Không chỗ nương thân, Thàng sang tỉnh bên xin làm thuê tại một trang trại chuyên trồng mận, dâu tây, cam, táo.
Ở đây, Thàng có chỗ ăn, chỗ ở, lại học được cách trồng trọt. Làm việc ở trang trại, rảnh rỗi, Thàng rủ vài người bạn quay clip khám phá về ẩm thực và một số địa điểm du lịch rồi đăng lên trang cá nhân. Không ngờ những video này nhận được nhiều quan tâm và có khách hỏi han, tìm mua đặc sản vùng cao. Thấy đây là hướng đi có thể giúp cải thiện thu nhập, Thàng tích cực cho ra đời nhiều video hơn.
- Cuối năm nay, Thàng làm nhà đấy. Đất thì mua rồi, cạnh ủy ban xã luôn. Bao giờ xây nhà xong, có vốn, không phải làm thuê nữa thì tôi mở cửa hàng bán hoa quả, thổ cẩm. Giao tiếp được bằng tiếng Anh, làm gì cũng tiện, nhiều đơn bán sang nước ngoài, họ thích nên đặt thường xuyên.
Thàng kể với tôi về dự định của mình.
- Kênh của Thàng được nhiều người biết tới và động viên, việc buôn bán có thuận lợi hơn không?
- Ồ, tốt lắm. Mỗi ngày, sáng, Thàng làm việc ở trang trại, chiều lên bản nấu nướng, tối về lại livestream bán hàng. Tối nào cũng mười hai giờ mới đi ngủ.
Không chỉ nấu ăn, Thàng còn mua quần áo, cặp sách cho lũ trẻ. Nhiều đứa nói muốn được giống Thàng thì anh xoa đầu, chia cho nó que kẹo mút, nói:
- Cô bé à, chỉ có học mới thoát được đói nghèo.
Không chỉ mang đến bữa ăn ngon cho trẻ em ở Lủng Tà, Thàng còn giúp tôi phiên dịch để việc dạy tiếng Kinh, dạy chữ cho bọn trẻ dễ dàng hơn. Từ những đứa bé sống tự do hồn nhiên như cỏ dại, sau hơn một năm, mỗi khi gặp người lớn bọn trẻ đã biết khoanh tay cúi chào. Chúng cũng không còn tranh giành mỗi khi có đồ ngon mà biết xếp hàng trật tự tới lượt lấy phần. Bọn trẻ cũng tự biết chăm sóc bản thân, không còn lê lết bùn đất và biết rửa tay trước khi ăn cơm.
Thấy tôi cùng Thàng bận bịu, Long mới đầu còn ngại, sau cũng hòa nhập dần rồi không biết từ bao giờ, anh kết nối với các hội, nhóm thiện nguyện kêu gọi tài trợ được cho bà con ở bản Lủng Tà téc đựng nước và bể chứa nước sạch xây treo lưng chừng núi. Không còn cảnh phải xuống khe sâu tìm nước, Thàng lại thêm nỗi lo:
- Mùa mưa đến nhưng bọn trẻ chẳng đứa nào biết bơi. Tuổi thơ ai chẳng vài lần nghịch dại, thấy nước là muốn ào xuống tắm. Suối ở xa bản đó nhưng rất gần đường mòn về nhà. Lỡ như…
Long đánh xoong nồi láng o, quay ra cười tủm:
- Tôi dạy món này cho. Cậu chỉ giúp tôi một việc, đấy là nói cho phụ huynh hiểu. Chứ tiếng Mông là tôi… không thạo lắm.
***
Thàng và Long đồng hành cùng các em học sinh ở bản suốt mùa Hè. Tôi luôn tin nếu có mục tiêu rõ ràng cùng khát khao thay đổi, giấc mơ sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa. Thàng bảo:
- Ánh mắt những đứa trẻ vùng cao trong veo nhưng khi buồn thì ám ảnh lắm. Ánh mắt đó không cầu xin sự giúp đỡ nhưng mong muốn được yêu thương. Thàng từng hụt hẫng và mất phương hướng, cho đến khi lập trình được ước mơ trên tay, cảm tưởng như đã sở hữu một chiếc đèn chiếu sáng mọi thứ. Từ đó, Thàng có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì mong muốn.
Tôi còn nghĩ, ước mơ của tôi có phép màu. Vườn rau ngày càng rộng. Các bà, các chị trong bản thấy tôi nhổ rau về nấu ăn cho con mình thì cũng sang xin cây con, hạt giống về vỡ đất gieo. Thàng rất thành thạo việc chăm bón cây ăn quả nên cũng tranh thủ lúc chờ nồi cơm chín dạy bà con cách ủ cây đỗ, vỏ bí với phân chuồng cho hoai mục để bón xung quanh gốc rau, vãi đạm, lân sao cho cây không bị chết xót lúc sương xuống.
Chắc cũng nhờ đi họp nhiều, bác trưởng bản Thào A Dí không phải đi gọi các cháu nhỏ đến nhận phần cơm thì ngồi giúp Thàng giảng giải cách cải tạo vườn tạp cho bà con dễ hiểu. Trước khi về nhà, bác nheo nheo mắt bảo Thàng:
- Mong cháu mãi giữ được phẩm chất hướng thiện, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, góp ích cho đời, không phụ lòng những người đã hy sinh công sức và tiền bạc đem đến cho cháu cuộc sống như ngày hôm nay. Trân trọng các thầy cô giáo đã chung tay đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho cháu ở Lủng Tà!
Người đàn ông đầu tiên ở Lủng Tà biết bập bõm con chữ năm nay đã gần bảy mươi tuổi, chịu bao nhiêu áp lực trong cuộc sống lại nói được lời động viên như thế khiến sống mũi của tôi cay xè. Nắng hiền hòa hơn nơi rẻo cao. Ngọn khói thơm lừng bay đi đón bước chân các em đến sân trường vừa chơi đùa vừa kể chuyện mình mới khám phá rồi khi về nhà, cái bụng đã no, còn được đem phần về cho ông bà và em nhỏ.
Về thôi các em, Mặt trời còn đi ngủ. Đường xa nhưng tôi tin Thàng sẽ vững lòng. Mai này, đường lên Lủng Tà được mở, Thàng có lên nữa không? Tôi không biết. Nhưng tôi tin, nơi cửa gió này, bọn trẻ cũng như tôi, yên tâm học tập để lập trình ước mơ của riêng mình.