Truyện ngắn: Neo đậu yêu thương

Hân tin bố đã hóa thành ngọn gió, thành đám mây, thành hạt mưa ghé về thăm nhà trong những sớm trời trong, những đêm thanh vắng, trong những lúc Hân ngồi đu đưa trên võng, nghe tiếng vòm lá xào xạc mà ngỡ tiếng bố đang kể chuyện, ngỡ như tiếng bố reo lên...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quê nhà đón Hân bằng cơn gió chiều hiu hiu thổi từ phía lòng sông, băng qua cánh đồng rồi ùa về khoảng sân nhỏ nhìn ra chiếc ao con lăn tăn sóng. Mẹ ngồi bên hiên nhà, ngơ ngác nhìn Hân bước vào, chờ mãi mà chẳng nghe một tiếng gọi reo vui của bố. Bóng chiều chảy tràn lên vai mẹ, loang nỗi buồn xa cách một người thương. Rồi nỗi buồn đọng thành sương trên vành mắt đỏ hoe, giàn giụa như vướng khói.

Hân ngồi xuống chiếc võng bố hay nằm, nghe tiếng gió lao xao trên vòm lá mà cứ ngỡ tiếng bố kể chuyện. Lúc các cụ cao niên trong họ dặn dò ba chị em soạn đồ của bố mang ra sông thả để bố được mát mẻ, Hân xin giữ lại chiếc võng bố mắc dưới gốc nhãn trước cổng nhà.

Ngày còn nhỏ, trưa hè nào, mấy chị em Hân cũng trải chiếu ngồi dưới gốc nhãn hóng gió, nghe bố vừa đung đưa võng ru đứa em út ngủ, vừa kể cho nghe những truyền thuyết từ thủa xa lắc xa lơ. Chuyện thần sông, thần núi, chuyện làng, chuyện xóm, chuyện vua Đinh Bộ Lĩnh tập trận.

Bóng cờ lau trắng suốt tháng ngày thơ ấu, xen vào câu chuyện về những năm bố đi bộ đội, đóng quân ở biên giới phía Bắc. Tiếng ve râm ran, giọng bố trầm ấm, nhịp võng đưa kẽo kẹt theo những cơn gió mát lạnh thổi về phía cánh đồng nâng tuổi thơ của chị em Hân bay lên, khôn lớn và xa nhà.

Cánh võng lại trở thành người bạn cùng bố mỗi chiều ngồi ngóng Hân trở về. Bước xuống xe, nhìn thấy dáng bố từ đầu ngõ, thấy bao nhiêu mệt mỏi của chặng đường dài như tan biến. Đứng trước cổng, nghe bố reo lên "chúng nó đã về đây này", chợt thấy tâm hồn mình lại thơi thới niềm vui thơ bé.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biết tin mình mắc bệnh hiểm nghèo, thấy ba đứa con gái ngồi khóc, bố buông một câu nhẹ bẫng:

- Ôi dào, có bệnh thì chữa, ai già mà chẳng có bệnh, không bệnh nọ thì bệnh kia. Có gì đâu mà phải lo.

Và bố không lo thật. Bố sắp xếp quần áo, nhét vào chiếc ba lô bộ đội đã bạc phếch, vải đôi chỗ đã mủn rách tạo thành những lỗ thủng độ bằng ngón tay út, gói thêm mấy gói lá xạ đen, cà gai leo đã phơi khô để pha nước uống.

Những gói lá thơm thảo như tấm lòng của người nhà quê hiền lành, chất phác, bố tự tay trồng, tự tay hái, phơi khô để dành uống dần và mang chia cho hàng xóm, láng giềng suốt bao năm nay. Hành trang vào bệnh viện chữa bệnh của bố chỉ có chừng ấy. Đơn giản, gọn nhẹ. Bố bảo, ngày xưa nhập ngũ đi đánh nhau với giặc ở biên giới phía Bắc cũng chỉ có vậy.

Sau mấy chục năm, giờ lại lên đường đánh nhau với "giặc K". Thằng nào cũng ghê gớm cả. Rồi bố cười. Nụ cười từ khuôn miệng hiền lành có những rãnh nhăn thời gian đã điêu khắc lên, lan tới đôi mắt lúc nào cũng ánh lên cái nhìn có phần hóm hỉnh khiến gương mặt bố bừng sáng, chẳng có chút u ám, đau buồn nào của một bệnh nhân mang trong mình căn bệnh chưa có thuốc chữa.

Nụ cười của bố khiến Hân có cảm giác có lẽ bác sĩ đã tiên đoán nhầm. Nhìn bố vui vẻ, điềm nhiên như thế, bệnh tật nào tìm đến bố được. Tự nhiên, chẳng bảo nhau, chị em Hân thấy vững tâm hơn. Bố vẫn mạnh mẽ thế kia, hà cớ gì mình không vững vàng để động viên và thành điểm tựa cho bố. Ngày bé, bố dắt mình đi thì giờ bố ốm đau, bệnh tật, mình lại dìu bố.

Bố truyền hóa chất giữa những ngày mùa đông giá buốt. Mưa phùn giăng trắng xóa trời đất. Tóc bố đã rụng hết. Để ngăn cái lạnh trên khoảng da đầu trống trơn, con gái mua cho bố một chiếc mũ len trùm đầu, đùa rằng dù có tóc hay không có tóc, bố vẫn là người đẹp trai nhất nhà. Cười mà thấy sống mũi cay nồng.

Từ phòng bệnh, bố nằm nhìn ra, chỉ thấy một khoảng mờ mờ trắng với những bóng người như những nét chì đen phác thảo nối nhau qua lại hối hả. Nỗi lo lắng chẳng thể ngăn nổi những tiếng cười. Phòng bệnh có 5 người, từ bà cụ già đã nghễnh ngãng, chẳng nghe rõ đến cậu thanh niên mới ở độ tuổi hai mươi rực rỡ.

Bệnh tật chẳng trừ một ai. Cố gắng kể cho nhau nghe những chuyện vui để tạm quên đi nỗi đau đớn gặm nhấm trong tận xương tủy. Cậu thanh niên trong phòng quý bố, bảo "bác giống y như bố cháu.

Cháu chỉ mong bác được sớm về, không phải ra vào bệnh viện thường xuyên nhưng những ngày bác ở nhà, cháu lại thấy chán quá, chẳng ai kể chuyện hay như bác, chẳng ai vui tính như bác. Đã nằm chữa bệnh mà phòng bệnh cứ im ỉm, chẳng ai nói với ai câu nào buồn lắm bác ạ. Mà buồn thì lại hay nghĩ vẩn vơ".

Bố rót nước. Mùi lá xạ đen khô pha nước thoang thoảng trong căn phòng nhỏ thoáng chốc như lấn át mùi thuốc, mùi cồn sát trùng, đưa những người bị bó buộc trong căn phòng bệnh nhỏ hẹp quay về mảnh sân con đầy nắng, cánh đồng bao la gió và dòng sông mênh mông miệt mài chảy đến tận chân trời tít tắp. Rồi bố đùa, "thế bác mà làm sao thì tiếc chuyện nhỉ.

Hay để bác mua quyển sổ, chép lại cho mày làm bí kíp, sau này kể cho con cháu nghe". Cậu thanh niên khẽ cười, nói "cháu liệu có được như bác nói" rồi chợt im bặt, xa xót. Bố chạm nhẹ đôi bàn tay nổi đầy gân sau những lần truyền hóa chất lên đôi vai gầy gò của cậu trai trẻ, nhẹ giọng bảo "phải lạc quan lên con trai. Còn trẻ, còn hy vọng, nghĩ đến khao khát chưa thực hiện được để lấy động lực mà chiến thắng bệnh tật. Đừng bi quan. Bi quan như cái rễ cây độc quấn lấy mình, bệnh sẽ càng nặng".

Cậu thanh niên mỉm cười, nhỏ giọng nói "cháu chẳng sợ mấy nữa đâu. Nếu chẳng may... xuống đấy, bác nhớ vẫn cứ kể chuyện cho cháu nghe đấy nhé". Đôi mắt bố lúc ấy như có sương mờ. Bố chưa từng khóc, kể cả ngày bố biết kết quả xét nghiệm. Lúc không có mặt cậu thanh niên, bố bảo, dù sao bố cũng đã có cháu ngoại, còn nó trẻ quá, chưa kịp vợ con gì.

Mẹ vào bếp, lấy mắm tép ra chưng với thịt ba chỉ. Những chai mắm tép bố ngâm, định bụng gửi cho Hân làm quà mà không kịp. Năm nào bố cũng tự tay làm mắm tép, kỳ cụi chắt vào từng chai mang ra bưu điện gửi vào cho Hân vừa ăn cho đỡ thèm, vừa làm quà cho mọi người biết đến món đặc sản quê hương mình.

Lần nào về thăm nhà, bố cũng đánh ao làm cá đốt, gom rau củ trong vườn nhà cho Hân mang đi. Hân còn như nhìn thấy cái dáng lưng hơi khòng xuống của bố lụi cụi vừa xếp đồ, vừa cười xòa, phân bua như sợ Hân nghĩ ngợi. Toàn là đồ nhà tự tay bố mẹ làm được, chẳng tốn bao nhiêu đâu, được cái sạch sẽ, yên tâm. Món mắm tép này ăn lành bụng. Để lâu cũng chẳng việc gì, càng ngấu.

Bố lúc nào cũng vậy, chỉ sợ con cái phải bận lòng, nghĩ ngợi. Ngày bố vào chăm cháu cho Hân đi làm, bố lấy vải mỏng băng bàn tay lại vì sợ những vết nứt nẻ trên đôi tay cả đời làm ruộng và làm thợ xây của mình làm đau làn da non nớt của cháu, mặc cho Hân nói thế nào cũng không chịu. Những lời phân bua của bố thoắt cái lại chuyển sang chuyện những năm tháng thơ bé.

Ngày xưa, bố mẹ nuôi mấy chị em chúng mày bằng con tép, con tôm từ đồng ruộng, bè rau muống, rau cần thả dưới cái ao này chứ đâu. Mùa đông rét cắt da cắt thịt dằm mình dưới ruộng trũng riu tép. Đêm mùa hè thì đi cất vó tôm. May mà ngày xưa ruộng đồng chưa có thuốc sâu, tôm cá lắm.

Thế mà cũng khôn lớn, trưởng thành cả. Nhà toàn con gái, bay đi hết, hai ông bà già càng thảnh thơi. Bố đứng dậy, vòng tay đấm đấm vào lưng, kêu dạo này hay đau nhức. Chỉ mong trời cho sống thêm lấy độ hai chục năm để làm mắm tép gửi cho con. Đứa em út trong nhà chạy ra, cầm cuộn băng dính dán kín chiếc thùng xốp lại, trêu bố "bố bây giờ lấy vợ nữa, kiếm thằng cu chống gậy còn được nữa là...".

Tiếng cười trong buổi chiều trên mảnh sân con ấy tựa như vạt nắng ấm áp vẫn còn đọng lại, chưa hề tan biến. Mùi mắm tép mặn mòi tỏa ra từ chái bếp hình như thấm cả vị giọt nước mắt của mẹ.

Bệnh tình của bố trở nặng. Bố không thể bước đi dù có người dìu. Bố kêu kê chiếc giường nhỏ gần cửa sổ để bố có thể nhìn ra gốc cây nhãn, nhìn ra bờ ao, cánh đồng lúa trước nhà. Mắt bố mờ dần, không còn nhìn thấy gì thì bố lắng nghe tiếng bước chân, tiếng nói chuyện của những người đi làm đồng về qua cầu ao, khỏa chân giũ sạch bùn đất.

Ngày bé, những câu chuyện bố kể chắp cánh cho trí tưởng tượng của Hân bay xa. Khi bố không đi lại được, không nhìn được gì, chị em Hân kể cho bố nghe chuyện hàng ngày diễn ra trong làng, trong xóm, kể về những đồng đội của bố, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện về những mong ước xa xôi của tương lai.

Ký ức đưa bố về những năm tháng trẻ trai, khoác ba lô hành quân lên biên giới. Chẳng ai dám nhắc đến chuyện tròn kiếp người, bố về miền mây trắng, dẫu tự hiểu trong lòng chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Đi gần hết hành trình trên cõi tạm, bố mơ mơ tỉnh tỉnh, nhưng chưa từng quên mình từng là một người lính. Những bữa bố không thể hớp nổi ngụm cháo, đứa em út đành ra lệnh:

- Đồng chí S, đề nghị đồng chí uống hết ly sữa này.

Giọng bố thều thào, đứt quãng vẫn cố tỏ ra gãy gọn:

- Báo cáo thủ trưởng, nhất định phải uống hết ạ!

- Đúng, đề nghị đồng chí nghiêm túc thực hiện.

- Rõ!

Bố cố gắng uống hết ly sữa, còn chị em Hân phải kìm lòng để không bật ra tiếng nấc.

Những mệnh lệnh, những yêu thương đã chẳng thể nào níu bố ở lại. Cánh đồng làng ôm bố vào một sớm mùa hè xanh ngát. Hân tin bố đã hóa thành ngọn gió, thành đám mây, thành hạt mưa ghé về thăm nhà trong những sớm trời trong, những đêm thanh vắng, trong những lúc Hân ngồi đu đưa trên võng, nghe tiếng vòm lá xào xạc mà ngỡ tiếng bố đang kể chuyện, ngỡ như tiếng bố reo lên với mẹ rằng "chúng nó về rồi bà ơi, dọn cơm ăn kẻo đói".

Những yêu thương mãi neo đậu, dù bố đã đi xa, dù có qua bao năm tháng vẫn cứ vẹn nguyên.

Đào Thu Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-neo-dau-yeu-thuong-20240702165529581.htm
Zalo