Ngàn đêm nặng nợ trên đường quê

Có một đội thiện nguyện sống cho mình vào ban ngày, cho mọi người vào ban đêm. Họ rong ruổi khắp nẻo đường từ phố thị đến làng quê biên giới, mang lại chút bình yên, sự giúp đỡ quý giá đối với người lỡ đường.

3 năm nghĩa tình

Nhắc đến Đội Thiện nguyện TX. Tân Châu (tỉnh An Giang), hầu như người dân địa phương đều đã quen mặt, quen mắt với thành viên trong đội, với màu xanh nổi bật trong đêm. Sau 3 năm thành lập, vượt qua vướng mắc, nghi ngờ ban đầu, đội đã chứng minh cho xã hội thấy cái tâm trong sáng và sức lực bền bỉ của mình, duy trì cả ngàn đêm lặng lẽ giúp đỡ người đi đường.

Cũng ngần ấy ngày đêm, thành viên của đội phải nghe những lời rất khó nghe, chịu sự dèm pha từ người lạ lẫn người quen, đại loại như “ở quê mà làm chuyện khùng điên”. Người ta không hiểu được, vì sao lại có nhóm người “bao đồng”, đêm nào cũng chạy xe đi khắp thị xã. Sửa xe lưu động ban đêm, thì có thể được xem là nghề mưu sinh bình thường. Nhưng sửa xe miễn phí, chẳng nhận bất cứ sự “đền ơn” bằng vật chất nào, thì quá lạ lùng!

Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, Giấy khen của UBND TX. Tân Châu về thành tích đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, thiện nguyện trên địa bàn tỉnh (năm 2022, 2023) như câu trả lời, sự ghi nhận, khích lệ, động viên rất mạnh mẽ của chính quyền địa phương, khẳng định hướng đi của Đội là đúng đắn, ý nghĩa, cần được xã hội đồng thuận, khen ngợi.

Trên lưng áo đồng phục, trên chiếc xe cải tiến, trong mọi hoạt động, đội đều nhắc đến “slogan” đơn giản, nhưng là mục tiêu lớn nhất của họ: “Chia sẻ yêu thương, hướng về cộng đồng xã hội”. Đầu tiên, chỉ là vá xe miễn phí cho người chẳng may bể bánh xe dọc đường ban đêm, dần dần đội chế tạo chiếc xe hít đinh, sẵn lòng ra tay cứu trợ trường hợp nguy cấp: Trẻ em đi lạc, người bị tai nạn giao thông, bị bệnh cần đến bệnh viện kịp thời…

Ngày nào cũng vậy, không kể nắng mưa, mệt mỏi ốm đau, cứ đúng 17 giờ, những chiếc áo xanh thiện nguyện lại tập trung dưới chân cầu Tân An (nối liền bờ Long An và Tân An, thị xã Tân Châu). Sự xuất hiện của họ gây nhiều chú ý cho người qua lại, dần dần khắc sâu ấn tượng về một đội tình nguyện “phòng khi hữu sự”.

Trước giờ xuất phát, họ ăn vội dĩa cơm “bụi”, chẳng câu nệ quang cảnh xung quanh, không cần bàn ghế chỉn chu. Mỗi phần ăn chưa tới 20.000 đồng, tạm giúp họ vững bụng cho một đêm dài sắp tới. Phần lớn chi phí do đội tự bỏ tiền túi, nên ăn gì, chi tiêu gì cho chính mình, nên họ phải cân nhắc rất nhiều. Nếu không, đội khó có thể duy trì hoạt động lâu dài.

Sau đó, một số thành viên trong đội bắt đầu chia việc ra làm. Đúng với mục đích thành lập đội, họ đang cố gắng chia sẻ yêu thương bằng những hành động nhỏ nhất, nhưng thiết thực nhất. Trong hành trình rong ruổi mỗi đêm, họ đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, neo đơn. Giúp tiền giúp bạc thì không thể, nên cả đội bàn với nhau trích một phần kinh phí làm bánh mì chay tặng người nghèo khó.

Cứ thế, mỗi chiều tối, khoảng 60 – 70 ổ bánh mì được làm ra, tất cả đều mang tính chất “cây nhà lá vườn”, theo tiêu chí “ngon – bổ - 0 đồng”. Kèm theo ổ bánh mì đơn sơ là chai nước lọc nhỏ, nhưng chất chứa tình cảm “lá lành đùm lá rách”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Cúc là “vị khách” đầu tiên được nhận bánh mì hôm ấy. Chị cười tít mắt: “Bánh mì rất ngon, vừa miệng. Tôi bán trái cây gần xe của Đội Thiện nguyện, nên được tặng bánh mì ăn lấy thảo. Cảm phục tình cảm của các anh đối với mọi người, thi thoảng tôi cũng tặng một ít trái cây, đóng góp chút quà để cả đội vui, có động lực làm việc nghĩa”.

Khoảng 18 giờ 30 phút, khi trời bắt đầu tối, cả đội cùng lên đường. Các thành viên ngồi gọn trong thùng xe, còn đội trưởng Nguyễn Thanh Vân (sinh năm 1982) giữ vai trò “tài xế”. Hồi trước, khi nhà hảo tâm chưa hỗ trợ chiếc xe này, cả đội chỉ có một chiếc xe đẩy cà tàng, vừa nhỏ chật, vừa bất tiện.

Trên chiếc xe mới được “tân trang”, rất nhiều vật dụng hữu ích được mang theo, từ bình chữa cháy, máy vá ép, đèn pin, ghế nhỏ ghế lớn… Thùng xe đủ rộng để các thành viên trong đội ngồi, cộng thêm 1 chiếc xe gắn máy hoặc người bị nạn khi cần thiết.

Mỗi khu vực sắp xếp đồ đạc đều “có ý”, ngăn nắp, gọn gàng, thuận tiện cho quá trình cứu hộ, cứu nạn. Tất cả những điều này đều được đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm đội hoạt động, là “gia tài” thiết thân để họ làm việc nghĩa cho đời.

Những vòng xe không mỏi

Anh Vân kể, hành trình 3 năm đầy vất vả, đôi lúc khiến anh buồn nhiều hơn mệt. Lời bấc tiếng chì cứ quẩn quanh, người thương xen lẫn kẻ ghét. Không ít lần, anh tự hỏi: “Mình làm đúng mà, sao lại bị hiểu lầm?”.

Nhưng khi tôi hỏi: “Vì sao anh vẫn duy trì đội, không giải tán cho khỏe?”. Anh trả lời ngay, không cần suy nghĩ: “Vì bà con cần chúng tôi, ngày nào cũng có cuộc điện thoại cầu cứu. Tôi chưa từng nghĩ đến việc giải tán đội. Nếu có trăn trở, là trăn trở làm thế nào để duy trì hoạt động lâu dài”.

Để những vòng xe lăn bánh mỗi đêm, đội phải tốn ít nhất 600.000 đồng chi phí, bao gồm xăng dầu, bánh mì tặng người nghèo, tiền ăn, uống của thành viên… Chưa kể, rất nhiều chi phí không tên phát sinh. Nếu gặp xe bị hư vỏ ruột, cần thay phụ tùng, đội sẵn sàng thực hiện miễn phí. Đến đây, câu chuyện lại trở về nguyên nhân anh thành lập Đội Thiện nguyện.

“Hồi trước, tôi làm nghề hớt tóc, thu nhập không xem là khá giả. Nhiều lần, tôi được mọi người chung tay giúp đỡ chỗ ở, giúp vượt qua giai đoạn thắt ngặt. Biến cố lớn nhất xuất hiện khi tôi bị chấn thương chân, buộc phải phẫu thuật thay khớp háng.

Dù có bảo hiểm y tế, nhưng tôi vẫn không thể lo liệu được khoản chi phí hơn 25 triệu đồng. Không ngờ, tôi được người này người kia hỗ trợ, gom góp đủ tiền để tôi phẫu thuật. Nghĩa cử ấy, tôi không thể nào quên. Chỉ 3 tháng sau ca phẫu thuật, khi có thể đi lại được, tôi quyết tâm thành lập Đội Thiện nguyện, như một cách trả lại ơn nghĩa cho cuộc đời” – anh Vân kể.

Thế là, những vòng quay ơn nghĩa bắt đầu lăn khắp mọi nẻo đường của thị xã biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Mấy tháng đầu, anh gom từng đồng tiền của gia đình để làm việc xã hội. Hơn 20 triệu đồng, với người khác chẳng bao nhiêu, nhưng với anh, đó là tất cả những gì anh có.

Tâm nguyện của anh Vân lan tỏa, thu hút thêm hàng chục người khác cùng tham gia đội. Cũng từ đây, bắt đầu có người đóng góp vật chất, tiền bạc. Nhà tài trợ thường xuyên thì chưa, nhưng người ủng hộ nhiều, thì vài triệu đồng, ít thì vài chục, vài trăm ngàn… Số tiền ấy được chắt chiu, “góp gió thành bão”, nung nấu tinh thần vì cộng đồng cho từng thành viên.

Nhưng không ít hôm, Đội Thiện nguyện “ra quân” mà trong túi chỉ còn vài chục ngàn đồng, sau khi đã mua xăng xe, các vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Hôm ấy, đội có tổng cộng 4 thành viên. Tiền chỉ đủ mua 3 ổ bánh mì.

Thế là anh Vân nhường cho 3 người ăn, còn mình thì lấy cớ “no rồi”. Mặc dù khó khăn, thiếu thốn về kinh phí, anh tuyệt đối không nhận tiền từ người bị nạn. Với anh, đã hứa “sửa chữa miễn phí” cho bà con thì phải làm đúng như vậy. Anh không muốn bị hiểu nhầm, bị biến tướng hoạt động, trong khi dư luận ác ý đã bủa vây đội quá nhiều.

Trước khi đồng hành cùng Đội Thiện nguyện, tác nghiệp những bức ảnh này, tôi cứ lo lắng không có trường hợp cần hỗ trợ. Nhưng thực tế cho thấy, đội làm việc gần như liên tục, ít khi rảnh ngồi uống trọn ly nước. Đều do thói quen sinh hoạt của người dân địa phương biên giới khá đặc thù. Vừa sụp tối, các địa điểm sửa xe trên toàn địa bàn đều đóng cửa, nghỉ ngơi rất sớm. Muốn bơm bánh xe cũng không biết tìm nơi nào, huống chi là trường hợp cần sửa chữa nghiêm trọng hơn.

Phùng Nhân Hòa (17 tuổi, ngụ xã Long An) cùng gia đình đi công việc ở phường Long Sơn. Khoảng 20 giờ, chiếc xe bị bể bánh. Cha và em của Hòa xuống xe đi bộ, còn Hòa nặng nhọc dắt chiếc xe đi một đoạn dài, bối rối vì không biết tìm nơi nào vá, mặc dù đang ở khu vực phố thị nhộn nhịp nhất của thị xã. Rất may, em gặp Đội Thiện nguyện chạy trên đường. “Em từng nghe nói Đội Thiện nguyện chuyên vá xe miễn phí ban đêm, nhưng không có số điện thoại. Đang dắt xe mệt, gặp đội chạy tới, em mừng lắm!” – Hòa bày tỏ.

Thành viên nào trong Đội Thiện nguyện cũng đều trải qua quá trình học sửa xe cơ bản, có người đang làm thợ sửa xe chuyên nghiệp. Vì vậy, chưa đầy 10 phút, chiếc xe của Hòa đã được vá xong. Cũng trong ngần ấy thời gian, 4-5 chiếc xe khác nhờ bơm giúp bánh xe, nhờ kiểm tra hỏng hóc… rộn ràng một góc đường đêm.

Đây cũng là lúc điện thoại của anh Vân trong tình trạng “cháy máy”, liên tục nhận cuộc gọi nhờ hỗ trợ. Một học sinh lớp 10 đang đi chơi cùng bạn thì xe tự nhiên “trở chứng”.

Một phụ nữ mua bán tảo tần, đột ngột bị bể bánh xe khi còn cách nhà hàng chục kí-lô-mét. Một người đàn ông trung niên chạy xe honđa “ôm” lúng túng vì xe tuột xích giữa chừng, trong khi ông không có dụng cụ sửa chữa… Các cuộc gọi từ nhiều ngả đường, nhiều xã, phường khác nhau, nhưng đều chung tình cảnh cấp bách, hoang mang, lo lắng...

Mấy hôm nay, chân của anh Vân lại bắt đầu đau nhiều, di chứng còn sót lại của đợt phẫu thuật. Chưa có tiền, chưa sắp xếp được thời gian tái khám, anh đành uống thuốc giảm đau cầm cự. Mỗi bước đi đều là sự cố gắng, sự chịu đựng khôn xiết của chính anh. Nhưng anh vẫn tham gia xuyên suốt, là “linh hồn” của Đội Thiện nguyện từng đêm.

Những cuộc gọi liên tiếp khiến vòng quay của Đội Thiện nguyện cũng xuôi ngược theo. Họ sắp xếp lịch trình hỗ trợ khoa học nhất, từ đoạn đường này đến khu vực kia thuận tiện. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, vì những đối tượng này hầu như khó xoay sở một mình với chiếc xe hỏng. Nếu không giúp họ sớm, sẽ nảy sinh nhiều nguy cơ khác, trong khi đêm càng lúc càng sâu, đường càng lúc càng vắng người.

Một vật thể sắt nhọn được lấy ra từ chiếc xe bị bể bánh. Dù đã tìm đến cửa hàng sửa xe lớn, nhưng chủ nhân của chiếc xe không thể nào liên lạc được với thợ sửa xe, chỉ có thể đối mặt với cánh cửa đóng im ỉm. Vì vậy, sự trợ giúp của Đội Thiện nguyện trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết, làm cho đường về nhà của bà con được nối liền, tâm trạng “treo trên cành cao” được giải tỏa. Khi chiếc xe được sửa xong, anh Vân từ chối nhận tiền, nhưng sẵn lòng nhận cái bắt tay thân thiết, nụ cười hạnh phúc của người được đội giúp đỡ.

Chỉ đồng hành cùng Đội Thiện nguyện một đoạn rất ngắn trong ngàn đêm hoạt động của họ, nhưng tôi kịp ghi lại nhiều khoảnh khắc ấm áp. Ổ bánh mì chay chẳng đáng bao nhiêu tiền, không phải món ngon vật lạ gì, nhưng đủ làm no lòng người nhận. Họ là lao động chân tay, đêm khuya vẫn mải mê mưu sinh, chưa dám ngơi nghỉ, như trường hợp của ông Tư (80 tuổi).

Ông lượm ve chai từ sáng đến tối mịt, chất “vốn liếng” lên chiếc xe đạp cũ kỹ. “Tôi sống neo đơn, không có con cái nên mọi sinh hoạt, chi tiêu đều phải tự lo. Hôm nào làm ít một chút là không đủ “sở hụi”. Mỗi lần gặp, Đội Thiện nguyện đều tặng tôi ổ bánh mì, hỏi thăm sức khỏe, làm tôi thấy rất vui” – ông Tư bày tỏ.

Tuổi cao nhất trong Đội Thiện nguyện, ông Trần Văn Khên (63 tuổi) vẫn muốn góp sức cho việc xã hội. “Tôi sống chỉ một mình, vợ mất, con không có, nên buồn lắm. Thấy Vân nhiệt huyết, sống vì mọi người, tôi nghĩ mình cũng có thể tham gia. Không làm được việc nặng thì tôi giúp đỡ hụ hợ những việc lặt vặt, như: Bơm bánh xe, phát bánh mì… Ngày nào cũng được đi, cũng được làm việc tốt, tôi cảm thấy mình khỏe hơn, vui hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn” – ông kể.

21 giờ, chiếc xe chết máy của em Võ Thị Huỳnh Giao (16 tuổi, ngụ xã Phú Vĩnh) được đưa về đến nhà an toàn, quãng đường cả chục cây số. Lúc này, những con đường đã đen kịn, hầu như nhà nào cũng tắt đèn đi ngủ. Gia đình em ra nhận xe kèm lời cảm ơn rối rít: “Không có mấy chú trong Đội Thiện nguyện, đứa nhỏ không biết xoay sở thế nào!”. Như thường lệ, Đội từ chối nhận tiền của gia đình, vẫy tay chào rồi nhanh chóng đi đến cứu giúp trường hợp khác đang chờ.

Cứ như thế, mỗi đêm hàng chục người dân lỡ đường trên địa bàn thị xã Tân Châu được nhận nghĩa tình lúc cấp bách. Cao điểm lễ, Tết, số lượng này tăng gấp đôi, gấp ba. Không bao giờ sợ “thất nghiệp”, Đội Thiện nguyện chỉ sợ khó khăn về kinh tế cản trở tâm nguyện của họ.

Trước khi tạm biệt, anh Vân gửi đến tôi mong mỏi lớn nhất của anh hiện giờ: “Tôi quyết tâm duy trì mô hình này, đến khi nào không đủ sức khỏe nữa mới thôi. Bà con còn cần chúng tôi, thì chúng tôi sẽ vẫn có mặt. Hy vọng, chúng tôi được nhận sự hỗ trợ, tiếp sức, động viên nhiều hơn từ xã hội, để mô hình ngày càng lan tỏa, hiệu quả, lâu dài”.

Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả mà các thành viên Đội Thiện nguyện TX. Tân Châu đã gặp phải, như cái lạnh buốt da cuối năm, sương gió bão bùng mùa mưa đầu nguồn, cơn buồn ngủ vờ vật nửa đêm… Ban đêm thiếu ngủ, ban ngày họ ít có dịp ngủ bù, vì còn bận rộn mưu sinh cho chính mình.

Cũng khó nói trước, về sau hoạt động của đội thế nào. Nhưng hiện tại, họ đã thành công “chia sẻ yêu thương” trên các nẻo đường, bằng tấm lòng chất phác, hiền lành thơm thảo của người miền Tây.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ngan-dem-nang-no-tren-duong-que-a399439.html
Zalo