Truyện ngắn: Cái vòng trách nhiệm
Cô ghét tính cách mềm yếu của mình, không thích cũng không dám nói, thích cũng không dám thẳng thắn, đã thế còn cả nể, hay do dự. Hẳn vì thế mà hơn năm nay, Chí thản nhiên coi cô là vật sở hữu chứ không phải người yêu.
"Mẹ anh nhập viện, đêm nay em vào ở cùng mẹ nhé. Nhớ mua đồ ăn tối cho mẹ. Mẹ ốm, khó chịu trong người nên em hỏi mẹ thích ăn gì rồi mua". Hân nghe tin nhắn thoại của Chí suýt chút nữa thì bật cười. Từ khi nào cô trở thành người dễ sai, dễ bảo vậy nhỉ? Mẹ anh nằm viện, đến chuyện anh đưa cô vào viện thăm bà, anh cũng không mở miệng nhưng có thể thản nhiên giao việc trực đêm và mua bữa tối cho "người bị bệnh khó chịu".
Mẹ Chí là một phụ nữ cứng rắn và mạnh mẽ. Có thể bà làm mẹ đơn thân từ lâu, một mình gánh vác trách nhiệm làm cha làm mẹ của hai đứa trẻ nên tính nết bà có chút khô khan và tính toán.
Hân ghé chơi nhà Chí mấy lần, đều đi cùng mọi người. Lần thì đi công tác qua tiện ghé, lần cùng anh em đến thăm khi bà bị bệnh. Ngay khi mới tiếp xúc, Hân đã cảm thấy bà là người khó chung sống.
Bà lại có chút tự phụ. Hẳn là khi hai con bà, một trai một gái, đều đã có công ăn việc làm. Dù là mẹ đơn thân nhưng một tay bà đã nuôi nấng được hai người con đáng tự hào. Khi ấy, đồng nghiệp còn thì thào, ai về làm dâu bà hẳn sẽ phải có tinh thần thép cộng tính nết ngang… inox. Hân nghe đã phì cười, còn bị đồng nghiệp nhéo cho cái rõ đau.
Chí thích cô. Cô cảm thấy anh là người con trai có hiếu nên cũng muốn thử tìm hiểu hơn một chút. Anh luôn nhắc đến mẹ, kể chuyện mẹ đã vất vả thế nào để nuôi hai anh em khôn lớn. Bà từng có thời gian nhịn ăn suốt mấy ngày chỉ vì muốn nhường cho con.
Anh vài lần xin nghỉ học để đi làm phụ mẹ nhưng bà không chịu. Một mình bà chèo chống, cuối cùng cũng có kết quả viên mãn. Chí luôn tự hào: "Nếu không vì mẹ cương quyết thì đã không có anh hôm nay. Và quan trọng hơn nữa là anh gặp được em".
Hân đã từng ngưỡng mộ Chí, nhưng càng ngày, cô càng cảm thấy không ổn. Chí luôn nhắc đến mẹ với tần suất ngày một dày. Mùa mưa, "mẹ anh nói mua áo mưa kiểu này tốt, có kính nhìn đồng hồ". Trời nắng, "mẹ anh nói kem chống nắng này tốt, người ta mua quá trời".
Khi anh đưa ra những "cái này tốt" thì Hân nhận ra nó xuất hiện nhan nhản trên mạng, trên những trang bán hàng online. Nhưng Chí vẫn nghe dù những món đó dùng tới lần thứ hai thì cái rách, cái bung chỉ.
Lời mẹ anh như kim chỉ nam cho anh, khi biết cô thì lời mẹ anh đã choàng luôn đến cô. Rằng "mẹ anh nói con gái đừng sợ béo, suốt ngày lo giảm cân, người gầy gò quá sau này làm sao sinh đẻ".
Rằng "mẹ nói anh nên tìm mua một căn chung cư, giờ ngân hàng cho vay đầy đó, mỗi tháng trả nợ một ít. Có nhà rồi sau đó mới lấy vợ. Khi ấy, lời nói của mình có trọng lượng hơn, dễ nói chuyện hơn".
Hân cho rằng mẹ Chí lo xa vậy là tốt. Có nợ, người ta mới có động lực làm việc để trả nợ. Người sinh hàng giây hàng phút chứ đất có đẻ ra đâu. Bố mẹ cô cũng nói cô nên tìm mua căn hộ trả góp đấy còn gì. Mua nhà là chấp nhận "mang thân mắc nợ" nhưng mấy ai dám dấn thân làm con nợ, những người dám, kể ra cũng đáng nể.
Giấc mơ an cư luôn là giấc mơ đẹp với những đứa ở trọ xa nhà như Chí, như Hân, như Như. Như luôn hào hứng với kế hoạch mua nhà, thi thoảng còn lôi Hân đi xem nhà mẫu, xem khu dân cư mới.
Cuối tuần, Hân ngại ra khỏi nhà, chỉ muốn ngủ bù hay tranh thủ dọn dẹp, với lại có tiền đâu mà coi mà ngó. Như hỉnh mũi: "Thì phải đi xem mới có động lực mà cố gắng chứ!".
Và Như nhất định phải lôi Hân đi bằng được, còn nói "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Hân ngồi sau xe Như, nghe Như kể chuyện: "À, có chuyện này hay lắm, để kể cho nghe".
Chuyện hay lắm Như kể là bạn hồi nhỏ của Như. Anh chàng này cũng người tỉnh lẻ nhưng anh đã có nhà riêng, là căn hộ chung cư mua trả góp trước đó một năm, đợi khi hai người họ lấy nhau là sẽ có ngay nhà ở.
Hai người sống với nhau được 3 năm, con cũng 2 tuổi thì anh chàng có người khác nên bạn của Như quyết định ly hôn. Lúc ly hôn, bạn của Như ôm con ra đi tay trắng vì nhà là tài sản chồng mua trước khi cưới.
Từ ngày cưới, anh chàng kia nói lương anh trả nợ ngân hàng, mọi chi tiêu trong nhà do bạn của Như quán xuyến. Ai biết chữ ngờ. Thẳng thắn mà nói, cô bạn kia không chút dính dáng đến ngôi nhà, cũng không có bằng chứng, có kiện cũng kiện củ khoai.
Thậm chí, 3 năm yêu nhau, 3 năm vợ chồng, anh chàng đó còn chưa tặng cô ấy món quà gì mà còn dùng tiền của bạn gái với lý do "chậm lương, mẹ ốm".
Đột nhiên Như nhìn Hân: "Ây, ông Chí đã tặng mày món gì chưa?".
Hình như Chí chưa tặng Hân món quà gì ngoài mấy bông hoa vào những ngày Lễ tình nhân. Nhưng hoa cũng là quà còn gì. Mấy ngày đó, hoa mắc khiếp được.
"Ê ê, mày đừng tìm cách nói đỡ cho ổng. Tụi mày quen nhau 4 năm, từ ngày ông Chí nói thích mày cũng hơn 1 năm rồi. Mà 1 năm có biết bao ngày lễ, ngày kỷ niệm...".
Hình như Như đào được giếng nước nên nó sảng khoái tạt vào mặt Hân: "Bố mẹ mày nuôi mày tốn cơm gạo quá. Đúng là khôn nhà dại trai".
Rồi Như dẹp luôn chuyến đi thăm khu chung cư mới xây, tạt vào quán nước mía ven đường, quyết tâm "mở mang tầm mắt" cho Hân. Như nói đàn ông có tính chiếm hữu rất mạnh. Nếu họ đã xác định thì họ sẽ làm rất nhiều điều, đôi khi ngớ ngẩn, vì họ nghĩ người kia sẽ vui vẻ. Và tặng quà là một ví dụ.
Hân ngẫm lời Như nói và thấy đúng. Chí nói thích cô, dù câu trả lời của cô là để thêm thời gian nữa hiểu nhau hơn sẽ tính, nhưng Chí mặc nhiên coi cô là bạn gái anh. Hiền, em gái anh, đi du lịch, anh nói cô mang cái vali cô mới mua sang cho em gái mượn. Sẵn cho mượn luôn mấy cái váy Hiền thích. Cô không quen dùng chung đồ nên đành cho luôn.
Thật lòng, cô chưa từng nghĩ mình sẽ là gì của Chí, chưa hề nghĩ mình phải lấy lòng Hiền, người sẽ là "bà cô bên chồng" mai này. Khi ấy, Hân chỉ nghĩ, Hiền không có thì cô cho, không phải cô dễ dãi mà cô đã từng làm thế, rất nhiều lần với các bạn mình thời sinh viên, ngay cả sau này đi làm.
Váy vóc con gái là món đồ lạ lùng lắm, mặc một lần thấy đẹp, thấy xinh, còn chụp hình này kia nhưng mặc lần thứ hai sẽ cảm thấy có gì đó khó ở, rất lạ. Nên cũ ta, mới người có sao đâu. Nhiều khi Hân còn lấy làm may mắn vì đã có người chịu mặc lại đồ mình, chứ ai cũng như cô thì lượng rác thải sẽ là vô cùng lớn.
Nói đi nói lại, cũng là do cô, không ít lần cô muốn nói với Chí là cô và anh không thích hợp, nói thẳng thì có vẻ tuyệt tình quá. Thế nhưng những lời ám chỉ của cô, Chí lại không hiểu hay cố tình không hiểu, hôm sau vẫn nhiệt tình gọi cô đi ăn cơm cùng.
Hiền quý cô thực sự, có thể cùng là con gái, có thể cô đã không ít lần cứu Hiền khỏi những vấn đề này kia, thế là cô lại chặc lưỡi đến tham gia.
***
Hân cười với tin nhắn của Chí, đặt cho mẹ anh một phần cháo thịt bằm rồi ghé ăn món bún ốc mình thích một cách chậm rãi rồi mới về nhà, cố tình bỏ qua những cuộc gọi của Chí. Từ chiều đến tối, đến hơn bốn chục cuộc gọi đủ biết Chí tha thiết thế nào, là tha thiết lo lắng vì không liên lạc được với cô hay thấy giờ này cô vẫn chưa vào viện.
Cô ghét tính cách mềm yếu của mình, không thích cũng không dám nói, thích cũng không dám thẳng thắn, đã thế còn cả nể, hay do dự. Hẳn vì thế mà hơn năm nay, Chí thản nhiên coi cô là vật sở hữu chứ không phải người yêu.
Thật may là Chí chưa từng nhắc gì đến chuyện cưới hỏi, nếu không chắc Hân ngại từ chối mà đã "gạo nấu thành cơm" rồi. Lúc ngồi trong quán, phía sau tường là bức tranh vẽ một cái cây xanh mướt, tươi tốt, Hân sửa tóc, tự chụp một tấm hình và đăng lên trang cá nhân.
"Con gái, nếu không yêu bản thân mình thì sẽ chẳng được ai yêu. Và nếu không yêu bản thân mình cũng sẽ chẳng biết yêu ai. Không sao, thời gian còn dài, mình còn trẻ, còn nhiều thời gian để học. Và bắt đầu từ bây giờ còn kịp".
Như vào bình luận luôn:
"Tao đang định mua tặng mày cái kính đen và cây gậy dò đường đấy. Hóa ra, mắt mày còn nhìn thấy à? Muốn ăn gì, nói đi, chị đây sẽ mời mày nguyên tháng!".
Điện thoại của Hân lại reo, vẫn là Chí gọi. Lần này, Hân nhấc máy, giọng Chí có vẻ bực:
"Giờ này em còn ở đâu? Sao còn chưa vào với mẹ anh? Người ốm mà em để ăn đồ ăn ngoài và ở một mình?".
Hân bật cười thành tiếng:
"Xin lỗi anh, em đi chơi với bạn từ chiều. Em sợ mùi bệnh viện lắm nên em không vào đâu. Với lại, em vào với vai trò, vị trí gì? Anh tròng cái vòng trách nhiệm vào cổ em sớm thế? Tiện đây em nói luôn, cái vòng kim cô này em đeo không nổi, anh mang về trao cho người khác nhé."
Nói xong câu nói đanh đá nhất đời mình, Hân cảm thấy sảng khoái. Ngẫm ra, Như mắng cô dại khờ không phải đúng mà là quá đúng.