Truyện ngắn: Bà nội

Trong đầu Đạt xuất hiện những ý nghĩ như dòng chữ bay phấp phới như trong game: 'Cố mà tỏ ra hiếu thảo với bà, rồi bà để lại tiền cho..'.

Mấy nay, mái tóc hoa râm của bà nội rụng nhiều. Mẹ bảo:

- Tóc mẹ cũng rụng nói chi tóc bà.

Bà bảo:

- Ngoài tuổi 70, tóc như cây trút lá không chịu bám vào da đầu mà mọc nữa.

Bố bảo:

- Mẹ cũng đừng chủ quan, tóc rụng nhiều nên đi khám.

Là bố nói cửa miệng như thế, Đạt không chắc bố để tâm lắm. Lúc nào, bố cũng cắm mặt vào điện thoại xem chứng khoán nảy số. Hai cặp kính dày như cái đít chai dán vào hai con mắt của bố lồi ra. Mẹ mấy lần càm ràm về bố, nhưng mọi việc vẫn chưa có gì thay đổi.

Đạt tốt nghiệp cấp ba. Nó đang tính không biết đi học tiếp hay tới khu công nghiệp xin làm công nhân trong công ty. Mẹ bảo:

- Thời buổi này học hay không học cũng vào công ty làm. Ai cũng mất 8 tiếng hoặc tăng ca thì 12 tiếng trong nhà máy. Ở đâu cũng toàn người là người vây quanh những cỗ máy bằng kim loại, có khác gì nhau.

Đạt bảo:

- Nhưng có học thì sẽ được lương cao.

Mẹ bảo:

- 5 triệu cũng đủ mà 100 triệu cũng thiếu, miễn mình biết bằng lòng.

Đạt rất thích vẽ, nhưng nó chỉ vẽ hình chiếu bằng và chiếu cạnh. Đôi khi là những ngôi nhà cao tầng đầy dích dắc trong nét vẽ của nó. Thầy dạy môn Kỹ thuật thường cho nó điểm 10. Tất cả chỉ dừng lại có thế cũng không thể gọi là tài năng, bố mẹ cũng không có ý định bồi dưỡng thêm, chẳng hạn cho nó thi vào đại học Kiến Trúc.

Bố bảo:

- Đã bõ công học thì học cái chữ, cái số mà làm bác sĩ, thầy giáo. Còn không thì thôi, vẽ vời ai xem, học làm gì.

Vậy là khoảng thời gian này, chưa học cũng chưa đi làm, Đạt ở nhà cày game. Những trò chơi trên mạng như một ốc đảo của thiên đường chinh chiến, một thế giới hoàn toàn khác với những gì Đạt đang sống.

Những nhân vật ảo nhưng là bậc anh hùng nếu thu lượm được nhiều kim cương, có thắng thua, có phân cấp như một cuộc sống thu nhỏ chứ nó không hề tẻ nhạt như cuộc sống mà Đạt đang phải sống trong ngôi nhà này.

Bữa nay, trong lúc ăn cơm, bố nói với bà một tin buồn:

- Con chính thức vỡ nợ rồi. Bao nhiêu tiền nướng hết vào chứng khoán, không gỡ ra được.

Bà nội bỏ dở bát cơm, đặt xuống mâm:

- Mày không thương ai trong cái nhà này à? Sao không làm ăn chân chính?

- Con chẳng muốn kiếm thật nhiều tiền ý chứ, nhưng may hơn khôn, đời nó cứ tréo ngoe như thế.

Bà lấy trong ngăn kéo ra sổ khám bệnh:

- Thằng Minh đưa tao đi khám sáng nay, kết quả bị ung thư rồi đây này.

Bố trố mắt lên:

- Thế mẹ còn nhiều tiền để dành không?

Bà bảo:

- Tao làm gì có. Chỉ còn cái thân già này thôi.

Bố lại bảo:

- Vậy hay mẹ sang nhà chú Minh tiện để chú ấy chăm sóc, đưa đi bệnh viện. Chứ ở đây, sắp tới cái nhà này có khi con còn phải thế chấp.

Bà tháo cặp kính lão ra, lau vào vạt áo, nước mắt của bà chảy xuống kính làm nhòe hết cả.

- Ừ, để tao đi.

Mẹ ngồi đó, đôi mắt nhìn về phía bố đầy vẻ căm tức, từ nãy tới giờ mới nói thành lời:

- Đấy, mẹ giờ bệnh như thế, anh định để cả cái nhà này ra đường hết à? Tôi sức vóc hèn mọn, không thể cáng đáng thêm được nữa. Tôi sẽ bỏ anh.

Nói rồi, mẹ đóng sầm cửa phòng lại, một lúc sau xách ra khỏi nhà cái ba-lô màu xanh to tướng chất đầy quần áo. Đạt buông bát cơm xuống mâm chạy theo mẹ ra cửa, nó không ngăn được mẹ lại, chỉ kịp gọi:

- Mẹ ơi! Mẹ đừng đi.

Ngày hôm sau.

Bố con chú Minh tới đón bà từ sớm. Cái Hạnh - con chú Minh kéo Đạt ra một góc rồi bảo:

- Bố em bảo bà có đầy tiền. Nhưng bà sẽ để lại cho ai hiếu thảo chăm bà lúc ốm.

Trong đầu Đạt xuất hiện những ý nghĩ như dòng chữ bay phấp phới như trong game: “Cố mà tỏ ra hiếu thảo với bà, rồi bà để lại tiền cho. Lúc ấy tha hồ giàu, tha hồ chơi game, không cần phải đi học, đi làm”.

Nghĩ vậy, Đạt liền nói với chú Minh:

- Cho cháu đến nhà chú để cháu chăm bà.

Bố tạm chấp nhận như thế để tự mình xoay xở những món nợ trước mắt phải trả. Dù chúng rất ngổn ngang, khó giải quyết, nhất là trong tình cảnh này, mẹ bao lần dọa bỏ đi nếu bố còn tiếp tục chơi cái trò rủi may, mà sự đoán định của bố chẳng giỏi như người ta. Lần này, mẹ bỏ đi thật.

Nhà chú Minh nhỏ xíu, nằm nép mình trong con ngõ tối tăm, hình như chẳng bao giờ có ánh nắng Mặt trời chiếu tới. Bà cất đồ đạc, tư trang vào góc giường rồi buồn rầu nói với chú Minh:

- Mẹ chỉ ở đây tạm thôi, bây giờ bệnh viện mới chính là nhà của mẹ.

Chú Minh chưa kịp nói gì, Đạt tiếp lời:

- Cháu sẽ theo bà tới bệnh viện chăm bà. Bà ở đâu, cháu ở đó.

Mắt bà ánh lên niềm vui:

- May có cháu ngoan ngoãn chăm bà, không như thằng bố mày.

Đạt đưa tay gãi đầu, mắt nó không nhìn vào bà, nhìn ra chỗ khác. Nó không dám nhận lời cảm thán của bà dành cho nó.

Chú Minh chạy xe ôm tối ngày, tiền kiếm được càng khó khăn hơn khi các phương tiện cơ giới trong thành phố này ngày càng phát triển. Taxi, buýt, tàu điện, xe khách đưa đón phục vụ tận nơi đi, nơi đến.

Chú Minh chẳng biết làm gì, cứ túc tắc mãi với cái nghề xe ôm này thôi. Chú mắc cái võng dù chăng ở hai thân cây bàng đầu phố. Có hôm ngủ chán chê cũng chẳng có khách gọi.

Thím Lan - vợ chú đi lao động mãi bên Đài Loan, thỉnh thoảng mới gửi tiền về. Tiền gửi về hôm trước hôm sau đã hết sạch. Nào là trả những khoản nợ cũ, tiền sinh hoạt, tiền học hành của cái Hạnh… những khoản tiền không tên và biết chạy như chúng có chân tua tủa mọc ra.

Bà nhập viện. Cái bệnh viện cũ kỹ như mê cung mà nhìn vào đâu cũng thấy bức tường quét sơn màu vàng và những vệt nấm mốc rêu phong. Khoa Ung bướu nằm trên tầng 4. Nhìn từ trên cao xuống con phố nườm nượp người qua lại, Đạt thấy họ giống như đàn kiến đi lại có trật tự, hàng lối.

Mỗi người một số phận, mỗi người đầy rẫy lo toan, họ sẽ đi về đâu để cuộc sống đầy ngã rẽ chằng chịt này sẽ dẫn họ tới đích đến cuộc đời? Tự nhiên Đạt thấy buồn, bà nằm trong đó, chiếc giường bệnh trải ga màu trắng nhỏ hẹp, xung quanh bà, những người cùng cảnh ngộ.

Họ bắt chuyện làm quen với nhau, nở nụ cười chào hỏi rồi lại tắt ngấm trên khuôn mặt đầy lo lắng về cái chết có thể đến trong tương lai, rất gần thôi, ngay ngày mai, ngày kia ai biết.

Bà nói với bà lão có khuôn mặt hốc hác, giường bên cạnh:

- Một mẹ nuôi được mười con, mười con chẳng nuôi nổi một mẹ.

Bà lão bảo:

- Đời là thế cụ ạ, nợ đồng lần rồi. Con cái nuôi lớn chúng nó lấy vợ lấy, lấy chồng rồi lo lắng cho cuộc sống riêng. Thôi, biết thân biết phận mình cho nó một phần, còn một phần cũng phải găm góp vào mà lo cho lúc bệnh tật như bây giờ.

Bà bảo:

- Thì thế, bao năm tôi cũng gánh cháo bán rao khắp ngả phố. Tôi cũng găm một ít thương lấy mình. Hoàn cảnh nhà tôi cũng khổ lắm. Chúng nó làm ăn không gặp.

Đạt vào bóp vai cho bà, thủ thỉ:

- Thế bà găm được nhiều tiền không? Sau này bà nhớ để cho con một ít còn đi học đại học nhé!

Bà không nói gì, khuôn mặt chẳng buồn, chẳng vui.

Đợt xạ trị đầu tiên, thứ hóa chất màu vàng cam chảy vào người bà khiến làn da của bà trở nên đen sạm. Những vết đồi mồi chi chít ở đâu thi nhau mọc lên. Sáng nay, Đạt đút cho bà ăn được bát cháo trắng, bây giờ bà nôn ra hết.

- Bà có mệt lắm không? Cháu đấm lưng cho bà nhé!

- Bà mệt, xoa lưng nhẹ nhè cho bà cũng được.

Đạt vuốt lưng bà qua làn áo bệnh nhân kẻ ô màu xanh nhạt. Thân hình bà gầy gò, nhỏ xíu như một đứa trẻ. Tự nhiên Đạt thấy thương bà quá! Lần đầu tiên nó khóc vì lòng thương từ tình thân máu mủ trỗi dậy. Nó lau vội đi, sợ bà biết được nó khóc. Bà bắt đầu nhắc lại cho nó nghe những kỷ niệm ngày xưa:

- Cháu còn nhớ hồi học lớp 2, cháu đi bán cháo cùng bà không?

Đạt lục lại trí nhớ của mình. Hình ảnh về bà mờ nhạt lắm, nó chỉ nhớ thằng Huy không cho nó mượn bộ điều khiển chơi game rồi nó đánh thằng Huy. Hay những lần nó trốn nhà bỏ học, đi chơi cùng lũ bạn xấu ở trường. Nó bận rộn với những điều ấy hơn là nhớ đến những khoảng lặng khác mà nó từng sống, từng trải qua với bà.

- Cháu không nhớ, bà ạ!

Bà kể lại:

- Đó là một hôm gió bấc bắt đầu thổi, bà mặc cho cháu cái áo len mà tự tay bà đan màu xanh côban. Cháu đi cùng bà, cầm theo cái ghế gỗ nhỏ xíu để khách ngồi. Cháu thấy một chú cún bị thương ở chân, lạc ven đường, tìm mãi không thấy chủ nhân của nó, nhất định cháu xin phép bà mang về nuôi.

À, bà gợi nhắc lại Đạt mới nhớ, chú cún ấy sống với Đạt được mấy ngày rồi chết. Đạt khóc, thương nó, đem chôn ở sau khu vườn nhỏ, cạnh gốc cây cau. Sao hồi ấy Đạt còn nhỏ mà ngoan ngoãn, hay thương người; gia đình Đạt không giàu, nhưng sống với nhau chan hòa niềm vui.

Ngày ấy, bố chăm chỉ đi làm việc ở cơ quan Kiểm định, hôm nào về cũng có gói quà treo ở giỏ xe. Từ ngày bố mê chứng khoán, bố mơ ước sẽ kiếm được món tiền kếch xù, như thế bố không phải đi làm mà chỉ cần hưởng thụ mấy đời không hết. Vậy mà, tiền chẳng thấy đâu, chỉ thấy những lạnh lùng khô khốc trong ngôi nhà này thêm chật chội.

Bà chống chọi qua hai đợt xạ trị, khăn gói vào viện, rồi lại khăn gói về nhà chú Minh. Đạt theo bà, chăm bà đến nỗi phòng 402 ai cũng nhớ tên. Hôm nay, đợt xạ trị tiếp theo, bà khó thở hơn nhiều, bước đi nặng nhọc. Bố ở đâu xách giỏ hoa quả bước vào, dáng gầy gò, hốc hác:

- Con xin lỗi mẹ, nay con mới vào thăm mẹ được. Căn nhà đó con tạm thế chấp, bây giờ con đang ở trọ tạm mẹ ạ!

Bà mệt nhọc nói với bố:

- Mẹ nuôi dạy mày và thằng Minh từ tấm bé. Bố mày mất sớm, mẹ vất vả như thế nào chắc mày hiểu. Kiếm được đồng tiền khó khăn lắm, chứ có dễ như lấy kẹo trong túi ra đâu mà mày làm theo kiểu may rủi, viển vông ấy.

Bố đau khổ nói:

- Con biết lỗi rồi, con thấm thía lắm mẹ ạ!

Bà trở về nhà chú Minh, lần này, bà đi đâu cũng phải ngồi xe lăn để Đạt đẩy đi. Sáng nay, cái Hạnh được nghỉ học, ba bà cháu đi dạo qua khu công viên có những thảm cỏ xanh mượt mà.

Đạt thấy như dáng mẹ đang quét lá ngoài kia - cô công nhân môi trường chăm chỉ. Hôm trước, mẹ tới thăm bà, đưa cho bà ít tiền để bà thêm vào nằm viện. Mẹ giận bố vậy thôi, chứ mẹ còn nặng tình với bố lắm. Mẹ bảo, đợi bố thực sự tu tỉnh, mẹ sẽ trở về.

Vài người già đi dạo quanh con đường nhỏ uốn lượn, người tập thể dục, người khiêu vũ. Bầy chim sẻ trên cao đón bình minh thức giấc. Bà lặng lẽ rồi trầm ngâm:

- Hai đứa có nghe thấy tiếng gì không?

Đạt và Hạnh hỏi lại:

- Tiếng gì hả bà?

Bà bảo:

- Tiếng hạt mầm nảy nở trong lòng đất.

Đạt bảo:

- Sao tai bà thính thế?

Bà bảo:

- Chỗ nào có sự sống, chỗ đó hạt mầm luôn cựa mình.

Đạt nhìn sang bà rồi nhìn vào mặt cái Hạnh. Hình như bà yếu hơn. Hôm trước bác sĩ bảo với chú Minh, khối u ác tính của bà, thuốc xạ trị không phát huy tác dụng nữa. Chú Minh không nói với bà, nhưng hình như bà linh cảm được điều đó.

Bà lại kể:

- Các cháu không biết chứ, ngày xưa bà lãng mạn lắm. Thích ca hát, làm thơ. Nhưng cuộc sống vất vả, bao năm rồi bà quên mất mình từng là người như thế. Hai đứa này, bao giờ bà chết, nhớ trồng nhiều hoa, treo trên mộ bà cái chuông gió nhé!

Hạnh xúc động:

- Bà còn sống lâu với bọn cháu, bà chưa chết đâu.

Bà mỉm cười:

- Ừ thì, bà cứ dặn thế. Giờ đưa bà tới ngân hàng, rồi qua Sở Tư pháp. Bà còn nhiều việc phải làm lắm.

Hai đứa đưa bà tới ngân hàng, tay bà run run, bà đã có dự định riêng của mình nằm trong bọc tiền kia. Nhưng trong lòng Đạt lúc này chẳng mảy may đoái hoài tới thứ vật chất đó. Nó chỉ thấy tình yêu thương ngần ngận ở khắp nơi.

Hơn tháng sau, một chiều cuối Đông, bà trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà bố Đạt vừa chuộc lại được bằng chính số tiền tiết kiệm của bà. Bố nắm tay bà khóc, liên tục nói lời xin lỗi. Cả nhà quây quần đông đủ: Bố, mẹ, chú Minh, thím Lan, cái Hạnh, hai bên họ hàng nội ngoại. Bà ra đi nhẹ nhàng, trên khuôn mặt bà như còn đang ngủ.

Cái Hạnh trồng những cây hoa mẫu đơn quanh mộ bà. Đạt treo trên mộ bà một chiếc chuông gió bằng kim loại. Nó mở đoạn video quay được lúc bà dặn dò với nó ở bệnh viện: “Cố gắng học tiếp lên đại học, đừng phụ tấm lòng bà”. Hơn lúc nào hết, Đạt bật khóc nức nở, gào thét gọi:

- Bà ơi!

Tiếng chuông gió leng keng, leng keng, như đáp lại tiếng gọi của nó.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Nga

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-ba-noi-post715326.html
Zalo