Truyền kỳ cuộc chiến chống thông tin sai lệch, deepfake và lừa đảo

Bên cạnh chiến tranh, bạo lực vũ trang hay sự chia rẽ sâu sắc địa chính trị toàn cầu, thế giới năm 2024 tiếp tục đối mặt với một cuộc chiến lớn khác là chống lại thông tin sai lệch, tin giả và lừa đảo. Vấn nạn này sẽ là câu chuyện truyền kỳ khó có hồi kết và được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng, nếu thế giới không chung tay đưa ra những biện pháp quyết liệt.

Nhiễu loạn thông tin - mối nguy ngày càng lớn

Sự nhiễu loạn thông tin, đặc biệt tin sai lệch và hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, đang được xem là “đại dịch toàn cầu”, là cuộc chiến chung của thế giới mà ở đó, các tổ chức báo chí truyền thống, với sứ mệnh bảo vệ sự thật của mình, cần đóng vai trò tiên phong. Tuy nhiên, cuộc chiến chỉ có thể thành công nếu có các biện pháp quyết liệt và căn cơ ở từng quốc gia và các tổ chức toàn cầu.

Tin giả, thông tin sai lệch và đặc biệt các hoạt động lừa đảo đến lúc này đã trở thành hệ quả, mặt trái tất yếu khi toàn cầu bước vào kỷ nguyên mới của truyền thông. Đơn giản, sân khấu lúc này không còn chỉ dành cho những cơ quan truyền thông, báo chí có sự kiểm duyệt. Như đã biết, sự bùng nổ internet, của thiết bị công nghệ cao và đặc biệt mạng xã hội đã khiến mọi người đều có thể trở thành một “nhà báo”, “phóng viên” thậm chí trở thành một “phát ngôn viên” được triệu triệu người theo dõi.

Mạng xã hội, một thế giới chưa có luật lệ

Mọi thứ đều có hai mặt. Sự bùng nổ của mạng xã hội đã mang lại rất nhiều lợi ích, như việc giúp thông tin và cả kiến thức lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi một cách ngoạn mục. Ngày nay, thông tin về một vụ tai nạn nào đó sẽ đến được với mọi người chỉ sau vài phút, dù cách đó nửa vòng Trái Đất. Hay những thông tin về thiên tai như lũ lụt, mưa bão, cháy rừng... cũng được mọi người cập nhật nhanh chóng thông qua các nền tảng mạng xã hội hay chia sẻ, giúp lan tỏa hoặc cảnh báo hữu hiệu.

Song đi kèm với những mặt tốt, các mạng xã hội, nền tảng chia sẻ cộng đồng đang đem lại những hệ lụy đáng lo ngại. Đáng sợ hơn, khi hiện tại không chỉ con người, mà máy móc và đặc biệt sự xâm nhập vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI), đang khiến thế giới internet nói chung, các nền tảng công nghệ nói riêng đã trở thành một nơi quá nhiều mối rủi ro.

“Đại dịch thông tin” trên mạng xã hội

Theo thống kê được Redline được công bố vào cuối tháng 6/2024, có 4,9 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn cầu. Cũng theo khảo sát này với người dân Mỹ, người dùng mạng xã hội phần lớn đều không tin tưởng vào sự chính xác của các thông tin lan truyền trên các nền tảng này, từ Facebook, TikTok cho tới YouTube. Bởi vậy, tổ chức này đã sử dụng thuật ngữ “đại dịch thông tin” để nói về hiện trạng thông tin sai lệch trên mạng xã hội hiện nay.

Thế giới mạng xã hội đang giống như một khu rừng nguyên sinh, gần như chưa có luật lệ nào. Sống trong đó, người ta được tận hưởng sự phì nhiêu, tự do và sảng khoái, song kèm theo là những cạm bẫy… chết người. Đến lúc này, hầu như mọi quốc gia vẫn đang loay hoay với việc quản lý, tổ chức “khu rừng nguyên sinh” đó, thậm chí mới chỉ có những bước đi đầu tiên để xử lý các vi phạm, trong khi “thế giới” này đã bao trùm cả nhân loại.

Hồi cuối tháng 11 năm nay, nước Úc chỉ mới trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức đưa ra luật cấm trẻ em bước vào thế giới “nguyên thủy” thật hấp dẫn, nhưng đầy hiểm họa và gần như chưa có luật lệ nào đó. Cụ thể, Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội và sẽ phạt nặng lên tới 32 triệu USD nếu các mạng xã hội vi phạm.

Trong bối cảnh đó, sự bùng nổ của tin giả, tin sai lệch và đặc biệt lừa đảo trên mạng xã hội (cũng như qua các hình thức công nghệ cao khác như ứng dụng phần mềm, trang web lừa đảo…) đang tiếp tục trở thành vấn nạn toàn cầu. Tại Việt Nam, hàng ngày chúng ta đều được nghe những câu chuyện đau lòng về những nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo bằng mọi hình thức trên không gian mạng. Còn trên thế giới, đây cũng là vấn nạn của bất cứ quốc gia nào.

Hồi tháng 3 năm nay, Interpol báo cáo rằng lừa đảo qua mạng ở Đông Nam Á đã mở rộng ra toàn cầu, thu tới 3.000 tỷ USD mỗi năm (bằng GDP của cả nước Pháp). Thậm chí, ngay cả một tập đoàn kỹ thuật của Anh đã mất 25 triệu USD sau khi những kẻ lừa đảo sử dụng deepfake giả dạng một người quản lý cấp cao để ra lệnh chuyển tiền. Đó tất nhiên chỉ là một vài ví dụ điển hình trong hàng triệu vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Xử lý mạng xã hội lan truyền tin sai lệch, nhiệm vụ bất khả thi?

Dù các quốc gia và các tổ chức toàn cầu đang nỗ lực không ngừng để ngăn chặn hoặc trừng phạt những hoạt động phạm pháp trên không gian mạng, đặc biệt các nền tảng xã hội lớn như TikTok, Facebook hay X, song những vụ việc được xử lý chỉ chiếm một con số rất nhỏ.

Điều đáng nói hơn là đến lúc này gần như chưa có quốc gia hay tổ chức nào quy trách nhiệm cho các mạng xã hội để xảy ra các hoạt động sai trái, như lan truyền thông tin sai lệch, hoặc thậm chí vi phạm pháp luật. Hồi tháng 5 năm nay, chính Meta đã thừa nhận họ đã tìm thấy nội dung “có thể do AI tạo ra” được sử dụng để xuyên tạc hoặc lừa đảo trên nền tảng Facebook và Instagram của mình. Phát ngôn này cho thấy bản thân các mạng xã hội đều tự cho rằng quyền “vô can” khi lan truyền thông tin độc hại, nếu không họ đã chẳng “tự khai” ra như vậy.

Thực ra, các công ty công nghệ lớn (Big Tech), như Meta, TikTok, Google, Microsoft hay X, từng phải chịu hàng tỷ USD tiền phạt trên khắp thế giới vì những sai phạm của mình, nhưng đều chỉ liên quan đến việc vi phạm các quy định về quyền cá nhân người dùng hoặc vi phạm luật chống độc quyền, chứ gần như chưa có án phạt nào chống lại họ khi để xảy ra các hoạt động vi phạm trong “ngôi nhà” của mình.

Vụ việc đáng chú ý nhất liên quan đến lĩnh vực này là vụ ông chủ Pavel Durov của Telegram bị bắt tại Pháp, với cáo buộc tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm lan truyền trên nền tảng nhắn tin này. Tuy nhiên, vụ bắt giữ được cho rằng mạng nhiều màu sắc chính trị, được thực hiện một cách bí mật. Nó không giống một vụ việc pháp lý công khai chống lại một mạng xã hội hay một công ty bình thường. Thực tế, sau đó cũng chưa hề có một án phạt nào dành cho Telegram liên quan đến các hoạt động phạm tội trên nền tảng này, ngay cả khi Liên hợp quốc từng đưa ra báo cáo hồi tháng 10/2024 rằng nền tảng này là công cụ cho các băng nhóm tội phạm sử dụng để giao dịch bất hợp pháp.

 Thế giới vẫn đang loay hoay trong việc quản lý vấn nạn tin giả, sai lệch và lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh minh họa: IJNET

Thế giới vẫn đang loay hoay trong việc quản lý vấn nạn tin giả, sai lệch và lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh minh họa: IJNET

Như vậy, ngay cả trước những hoạt động phạm pháp rõ ràng đó mà việc xử lý các nền tảng truyền thông xã hội hoặc chia sẻ cộng đồng cũng chưa thể được thực hiện, thì rõ ràng việc kiểm soát nội dung độc hại, tin giả và tin sai lệch càng vô cùng xa vời.

Để rồi, các nền tảng chẳng những không hề lo sợ, mà ngày càng có dấu hiệu “tự tung tự tác”, khi khuyến khích các thông tin gây ra tranh cãi, giật gân, nhảm nhí hoặc xấu độc để thu hút người xem, thông qua các thuật toán ngày càng tinh vi của mình. Cần biết, các Big Tech còn sẵn sàng gây sức ép hoặc thách thức bất cứ động thái nào muốn xử phạt họ về vấn đề này. Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu mạng xã hội X, hồi tháng 9/2024 đã bày tỏ sự phản đối với một dự luật mới của Úc, trong đó đề xuất phạt các công ty truyền thông xã hội nếu họ không ngăn chặn được thông tin sai lệch trên mạng.

Theo dự luật vẫn là của Úc này, các nền tảng internet có thể bị phạt lên đến 5% doanh thu toàn cầu nếu để thông tin sai lệch lan truyền. Các nền tảng công nghệ lớn khác như Google và Meta cũng đã bày tỏ lo ngại và thách thức dự luật mới của Úc. Lưu ý, đây cũng chỉ là dự luật hiếm hoi trên thế giới đề cập tới việc phạt mạng xã hội nếu để lan truyền thông tin sai lệch, tin giả và các hoạt động lừa đảo.

Nếu nhìn sang thế giới truyền thông và báo chí truyền thống, nghịch lý đó thật khó chấp nhận. Ai cũng biết, một tờ báo hay một kênh truyền hình nếu chỉ để xảy ra sai sót nhỏ về mặt chuyên môn, chưa nói đến đưa thông tin sai lệch hoặc phạm pháp, thì cả cơ quan đó cũng có thể bị xử phạt nặng, ít nhất sẽ bị độc giả quay lưng, chứ không chỉ phóng viên hay biên tập viên đưa thông tin đó phải chịu trách nhiệm.

“Đại dịch toàn cầu” đang vượt khỏi tầm kiểm soát

Có thể nói, vấn nạn thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc và lừa đảo đang nghiêm trọng hơn bất cứ cuộc chiến hay đại dịch nào, khi nó có thể ảnh hưởng tới cả một thế hệ trên toàn cầu, đặc biệt giới trẻ. Đã có quá nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các mạng xã hội, đặc biệt những tính năng gây nghiện video ngắn của Facebook, TikTok hay Google, có tác hại thế nào đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.

Trong một nghiên cứu gần đây, UNICEF đã chỉ ra rằng các mạng xã hội được thiết kế với chủ đích thu hút sự chú ý của người dùng lâu nhất có thể, đánh vào thiên kiến và lỗ hổng tâm lý trong chúng ta, như mong muốn được công nhận hay nỗi sợ bị từ chối. Sử dụng mạng xã hội quá mức có mối liên hệ với cảm giác đố kỵ, thua kém và kém hài lòng với cuộc sống. Các nghiên cứu thậm chí còn cho rằng thói quen này có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, lo âu và thiếu ngủ, trong đó điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần...

 Ca sỹ Taylor Swift là một trong những nhân vật nổi tiếng từng trở thành nạn nhân của vấn nạn giả dạng deepfake AI. Ảnh: Herbert Wang

Ca sỹ Taylor Swift là một trong những nhân vật nổi tiếng từng trở thành nạn nhân của vấn nạn giả dạng deepfake AI. Ảnh: Herbert Wang

Quy định của Việt Nam buộc mạng xã hội phải xác thực người dùng sẽ phát huy tác dụng

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024. Theo đó, quy định bắt buộc các mạng xã hội phải xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Nghị định này được đánh giá sẽ hạn chế rất nhiều việc lan truyền thông tin giả, sai lệch và đặc biệt các hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội.

Có rất nhiều ví dụ cho thấy thông tin sai lệch, tin giả và hình ảnh giả mạo deepfake có tác động nghiêm trọng đến đời thực, có thể trở thành mối hiểm họa toàn cầu. Hồi tháng 8 năm nay, một cuộc bạo loạn đã xảy ra do một thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội rằng nghi phạm trong vụ đâm dao khiến một bé gái thiệt mạng tại Vương quốc Anh là một người nhập cư Hồi giáo cực đoan (sự thật là một người Anh). Cuộc bạo loạn dẫn tới hàng nghìn người bị cảnh sát bắt giữ.

Trong vụ ám sát hụt ông Donald Trump hồi tháng 7/2024, thế giới mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin giả hoặc các thuyết âm mưu, như việc một nhà báo ở Ý bị cho rằng là nghi phạm (sự thật là một thanh niên 20 tuổi người Mỹ). Ngoài ra, cũng có những xuyên tạc trên mạng xã hội rằng nghi phạm là người Trung Quốc hoặc vụ việc này là “kịch bản dàn dựng”. Sự lan truyền thông tin sai lệch còn đang làm gia tăng sự thù hận về mọi mâu thuẫn, mọi điểm nóng trên trên thế giới, như các cuộc chiến Nga - Ukraine, Israel - Palestine hay vấn nạn chống người Hồi giáo, cũng như bài Do thái.

Chưa hết, cùng với sự bùng nổ của AI, cuộc chiến chống thông tin sai lệch đang ngày càng vượt qua ngoài tầm kiểm soát. Các công cụ deepfake và các mô hình AI giả dạng giá rẻ đang phát triển tràn làn và cũng chưa hề có sự kiểm soát đáng kể nào.

Theo thống kê của DeepMedia, lượng video và giọng nói deepfake đều tăng vọt qua từng năm. Video deepfake đã tăng hơn gấp 3 lần và giọng nói deepfake hơn gấp 8 lần vào năm 2023 so với năm 2022. Trong đó, dự báo sẽ có khoảng 500.000 video và giọng nói deepfake sẽ được chia sẻ trên mạng xã hội trên toàn cầu trong năm 2024.

Ngay đầu năm 2024, hàng loạt hình ảnh khiêu dâm do AI tạo ra về nữ ca sĩ Taylor Swift đã lan truyền trên mạng xã hội, gây ra nỗi nhức nhối trên thế giới. Ngoài ra, hàng loạt chính trị gia trên thế giới, gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden hay các nhà lãnh đạo ở Vương quốc Anh, Ấn Độ, Nigeria, Sudan, Ethiopia và Slovakia, cũng đều đã trở thành nạn nhân của vấn nạn giả dạng deepfake.

Như vậy, vấn nạn tin giả, tin sai lệch và đặc biệt các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng nghiêm trọng. Trong kỷ nguyên AI tới đây, “đại dịch toàn cầu” này có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát nếu không có sự chung tay ngăn chặn của toàn thế giới, đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách ở mỗi quốc gia.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truyen-ky-cuoc-chien-chong-thong-tin-sai-lech-deepfake-va-lua-dao-post328128.html
Zalo