'Truyện Kiều' phiên bản London
'Tale of Kiều' vừa được xuất bản tại Anh. Dịch giả Nguyễn Bình cho biết bản dịch trau chuốt và chú giải, bình giảng kỹ lưỡng hơn bản dịch trước đây.
Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học Việt được dịch nhiều nhất, riêng tiếng Anh đã có trên 10 bản dịch. Tuy nhiên, không ngại đi lại còn đường đã hằn dấu chân khác, là một người trẻ Việt chịu khó tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của mình, dịch giả Nguyễn Bình chọn lối riêng và ấp ủ một bản dịch thanh thoát, vần điệu trong tiếng Anh song vẫn truyền tải được bối cảnh, không khí, tinh thần và dụng ý của bản gốc.
Năm 10 tuổi ra mắt tiểu thuyết viễn tưởng Cuộc chiến hành tinh Fantom, năm 20 tuổi trình làng bản dịch tiếng Anh Truyện Kiều (tập sách song ngữ Truyện Kiều - The Tale of Kiều được giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021). Dễ thấy, mỗi lần chạm ngõ văn chương của Nguyễn Bình đều không khỏi khiến độc giả phải trầm trồ.
Ngày 27/3, bản tiếng Anh The Tale of Kiều: A New Cry of Heart - Rending Pain (dịch từ "Đoạn trường tân thanh"), có điều chỉnh so với bản dịch trước, chính thức xuất bản tại Anh. Nhân dịp này, Nguyễn Bình chia sẻ với Tri Thức - ZNews về quan niệm dịch thuật và quảng bá văn học Việt sang một ngôn ngữ, một nền văn hóa khác.

Dịch giả Nguyễn Bình. Ảnh: NVCC.
Một tác phẩm thơ bằng tiếng Anh
- Chúc mừng bản dịch Truyện Kiều của bạn vừa xuất bản tại Anh. Bản dịch lần này khác ra sao với bản bạn từng xuất bản trước đây? Đâu là những thay đổi lớn nhất?
- Để tiện so sánh, tôi sẽ gọi bản Kiều dịch tiếng Anh mà tôi in với Nhà xuất bản Hội Nhà văn là “bản Hà Nội”, còn bản vừa in bên Anh là “bản Luân Đôn” - lấy cảm hứng từ các tên gọi “bản Kinh”, “bản Phường”.
Theo tôi, bản Luân Đôn dịch chắc tay hơn, sát bản gốc hơn, vần thoải mái hơn. Tôi hoàn thành bản Luân Đôn với cái nhìn thoáng hơn về dịch, ít bị gò bó trong quy phạm cú pháp tiếng Anh. Các phép tu từ như đảo ngữ, điệp âm đầu, tỉnh lược, v.v. được dùng nhiều hơn vì môi trường thơ cổ điển của tiếng Anh cho phép chúng ta làm thế. Tuy nhiên, vì độc giả là người nói tiếng Anh hiện đại, nên tôi không thể lạm dụng mấy biện pháp này tới nỗi đọc chẳng hiểu gì.
Bản Luân Đôn dịch chắc tay hơn, sát bản gốc hơn, vần thoải mái hơn. Tôi hoàn thành bản Luân Đôn với cái nhìn thoáng hơn về dịch, ít bị gò bó trong quy phạm cú pháp tiếng Anh.
Dịch giả Nguyễn Bình
Bên cạnh đó, bản Luân Đôn cũng đi kèm nhiều chú giải và bình giảng hơn. Tôi học cách bình giảng của những cuốn sách về sử thi Hy Lạp-La Mã để trình bày lập luận của mình và đưa ra những phép so sánh văn học cụ thể, nhằm thể hiện vị trí của Truyện Kiều trong dòng chảy văn học Nôm.
Chẳng hạn: tôi đối chiếu hình ảnh “ngàn dâu xanh” ở đoạn Thúc sinh từ biệt Thúy Kiều với cảm hứng là cảnh tiễn biệt trong Chinh phụ ngâm khúc; tôi liên hệ lối nói “chém cha” ở đoạn Kiều bị bán vào lầu xanh lần hai với “chém cha” trong thơ Hồ Xuân Hương, rồi thậm chí so sánh lời kết của Truyện Kiều với Thiên Nam ngữ lục, Nhị độ mai... để chứng minh rằng cái kết kiểu, “ờ thì đại khái chuyện là như thế, mong bạn đọc vui tai” (“Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh” - Truyện Kiều - PV) mặc dầu khiêm tốn nhưng rất phổ biến ở truyện thơ Nôm.
Đấy là chưa kể những đoạn bình giảng so sánh Kiều với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, trích dẫn trực tiếp bản Hán văn của Kim Vân Kiều Truyện để làm nổi bật sự khác biệt ở cách Nguyễn Du sáng tác. Riêng phần này, tôi phải thực sự học Hán văn mới làm được.
Tóm lại, bản Luân Đôn vừa được dịch trau chuốt với hướng đi rõ ràng hơn, mà còn được chú giải một cách bài bản hơn, có cơ sở nghiên cứu xác đáng hơn.
- Bạn tự thấy cách tiếp cận của mình khác gì với những dịch giả khác từng dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh?
- Tôi nghĩ khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ tôi muốn đầu ra là một tác phẩm thơ bằng tiếng Anh. Đa số dịch giả thường dịch xuôi Kiều; đôi lúc họ cũng đắn đo về chữ này chữ nọ, nhưng phần nhiều vì chưa quen với thơ ca tiếng Anh nên tảng lờ trước cái nhịp điệu, thế là bản dịch đọc lên ngang phè phè, mà độc giả muốn học thuộc cũng khó mà thuộc nổi. Nhiều người có ý thức hơn: họ lấp liếm cho sự thiếu nhịp điệu ấy bằng cách nhấn Enter xuống dòng rồi gọi đấy là thơ. Đấy không phải là thơ. Đấy là văn xuôi lấy xuống dòng để mà đội lốt thơ.

Bìa sách The Tale of Kiều: A New Cry of Heart - Rending Pain xuất bản tại Anh. Ảnh: Major Books.
Cách dịch của tôi xét cho cùng gần với cách dịch của ông Huỳnh Sanh Thông nhất: ông dịch Kiều sang “thơ trống” (blank verse), một thể thơ cổ điển của tiếng Anh, không bao giờ có vần nhưng luôn có nhịp điệu ổn định. Theo tôi, cái nhịp điệu ấy là mấu chốt: nó khiến câu thơ trôi chảy trong đầu người đọc, và nhuộm cho bài thơ các tông màu cụ thể tùy thuộc vào nhịp điệu ở từng chỗ. Tôi thừa nhận sự sáng tạo của ông Huỳnh Sanh Thông, nhưng còn đi thêm một bước nữa: tôi để cho Kiều được vần.
- Cá nhân bạn thích nhất đoạn trích nào trong Truyện Kiều? Điều này có thay đổi so với suy nghĩ, cảm nhận của bạn những năm về trước?
- Từ trước đến nay, tôi vẫn thích nhất đoạn Hoạn thư tra tấn tinh thần Kiều và Thúc sinh.
Tâm trạng của Kiều khi ấy rất bối rối, hoang mang. Để khắc họa được cảm xúc đó thì cần thay đổi tông giọng và nhịp điệu một cách chóng mặt, không thể cứ yên bình, mịn màng trơn tru mãi như những đoạn tả cảnh hay đối thoại thông thường. Nguyên lượt độc thoại của Kiều lúc mới thấy Thúc sinh cũng là cả một thử thách với dịch giả rồi. Bởi những câu như, “Bây giờ tình mới rõ tình / Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai”, thì dịch kiểu gì cho nó “thơ”? Đó là còn chưa kể đến sự hiện diện của những chữ khẩu ngữ như là “thôi thôi” - tiếng Anh đào đâu ra cái đó!
Để tái hiện cảnh này, tâm trạng này, tôi phải hình dung Kiều như một nhân vật nói tiếng Anh, mà lại phải là cái tiếng Anh quen thuộc thường ngày - tiếng Anh mà tôi nghe bạn bè mình sử dụng - thì mới có cái mà truyền tải rành rẽ cung bậc cảm xúc. Thành ra tôi thích những đoạn như vậy, vì nó ép buộc dịch giả phải động não theo cách khác, phải mượn trực tiếp chất liệu “dân gian” từ thế giới bên ngoài chứ không thể chỉ vùi mình giữa những pho sách và màn hình máy tính.
Nói về văn hóa của mình thì phải làm đúng, cẩn thận, và có cơ sở
- Truyện Kiều lần này do một nhà xuất bản tại Anh phát hành, song đây lại là nhà xuất bản chuyên tác phẩm văn học Việt, do người Việt điều hành, ưu tiên chọn dịch giả Việt. Theo bạn, điều này mang đến thuận lợi gì cho việc biên tập - xuất bản?
- Tôi nghĩ cái lợi nhất ở việc Kiều được phát hành với một bên do người Việt quản lý hoàn toàn - mà lại còn là người Việt có kiến văn rộng - đấy là chúng ta đều có thể tin tưởng lẫn nhau để mà đại diện cho chính mình, để mà thống nhất chung cách khắc họa cái văn hóa gốc gác của chính mình.
Đang giới thiệu tác phẩm từ một nền văn hóa xa lạ với phương Tây mà không có chú giải thì làm sao độc giả họ hiểu được tác phẩm đó, hiểu được nền văn hóa đó?
Đơn cử như là việc chú giải. Trước đây, khi tôi thử đưa bản thảo Kiều cho một số bên thẩm định, một nhận xét tôi thường gặp phải là bản này quá nhiều chú giải, cho nên quá hàn lâm đối với độc giả thông thường. Tôi thấy nhận xét này thật ngớ ngẩn. Đang giới thiệu tác phẩm từ một nền văn hóa xa lạ với phương Tây mà không có chú giải thì làm sao độc giả họ hiểu được tác phẩm đó, hiểu được nền văn hóa đó?
Chẳng nhẽ lại giải thích ngay trong tác phẩm - ví dụ, lúc Kiều làm đám cưới với Bạc Hạnh, đang nói “quá lời nguyện hết Thành hoàng, Thổ công” thì đế thêm một vế câu, giải thích Thành hoàng, Thổ công là gì, rồi thì Thành hoàng, Thổ công Việt Nam khác xa phiên bản Trung Quốc thế nào? Thế chẳng phải là nhét chữ vào miệng Nguyễn Du?
Khi chị Kim, nhà sáng lập Major Books, ngỏ ý muốn in bản dịch Kiều, tôi nói trước với chị rằng tôi muốn bản này được in mà không lược bỏ những chú giải đặt Kiều vào trong bối cảnh văn hóa Việt và văn học chữ Nôm. Chị Kim nhất trí, vì chị biết sự thấp cổ bé họng của văn hóa Việt ở nước ngoài, biết rằng để hiểu được kỹ càng văn học Nôm và Kiều thì cần phải có những chú giải ấy, cho dù nó đối nghịch với thói quen - mà nói thẳng ra là sự ngần ngại, sự lười nhác - của đại chúng.

Hình ảnh từ workshop "Killing without knife: Idioms in The Tale of Kiều and how to translate them" (Giết người không dao: Thành ngữ trong Truyện Kiều - dịch sao cho chuẩn). Ảnh: Major Books.
- Truyện Kiều xuất hiện trên văn đàn Anh ngữ trong bối cảnh văn học ngoại biên từ nền văn hóa nhỏ như hiện nay thì có được lợi thế gì trong việc quảng bá không? Bạn và Nhà xuất bản dự định quảng bá tác phẩm này ra sao?
- Cảm ơn bạn vì đã hỏi câu này. Tôi thấy đây là chủ đề đáng lưu tâm. Một xu thế ở phương Tây bây giờ là ủng hộ nhiệt liệt tác phẩm từ các nền văn hóa “bị thiểu số hóa”, cụ thể là các nước thuộc địa cũ mà bấy nay bị điển phạm phương Tây rẻ rúng. Những người từ các nền văn hóa như vậy bỗng dưng có cơ hội “trình làng” những tác phẩm kinh điển của họ, và họ được nhìn nhận một cách nghiễm nhiên như chuyên gia về các tác phẩm này, chỉ bởi họ xuất thân từ chính những nền văn hóa đó.
Giữa xu thế đó, bản dịch Kiều này - hay rộng ra là cả Nhà xuất bản Major Books - rõ ràng có rất nhiều cơ hội quảng bá, vì đây là tác phẩm của người Việt, do người Việt dịch, được người Việt hiệu đính, thiết kế bìa và phát hành. Cá nhân tôi trân trọng những cơ hội này, nhưng cả tôi và Nhà xuất bản đều đồng ý rằng không được phép lơ là.
Tại sao? Là vì trong phong trào này, người ta cho rằng nếu bạn sinh ra lớn lên trong một văn hóa, thì cái gì bạn nói hay bạn làm về văn hóa ấy cũng đúng, bởi bạn là chuyên gia về văn hóa nhà bạn. Nhưng thế là sai! Bởi thử hỏi, trong nội bộ người Việt thôi, có bao nhiêu người thực sự tự tin là họ hiểu Việt Nam một cách chính xác?
Chẳng hạn, trên mạng bây giờ nhan nhản các bài viết rằng quả mướp đắng thể hiện minh triết Việt, vì tên nó là “khổ qua”, tức là ăn vào thì khổ, nhưng cái khổ nó qua thì sẽ biết ngon. Nhưng ôi giời ơi, “khổ qua” chỉ là mướp đắng theo tiếng Hán thôi mà!
Tương tự như vậy, có bao nhiêu dự án “nâng tầm” văn hóa Việt ngoài kia được chèo lái bởi những cá nhân mù tịt về Việt Nam, song được bắc loa kê ghế cho phát biểu chỉ vì danh tính của họ là người Việt? Chúng tôi không muốn nói láo về văn hóa cha sinh mẹ đẻ của mình như thế. Đã làm thì phải làm đúng, làm cẩn thận, và làm có cơ sở.
Đồng hành cùng bản dịch, tôi và Nhà xuất bản cùng tổ chức một số buổi tọa đàm, nói chuyện, v.v., xoay quanh Kiều. Ngày 26/3 là một workshop trực tuyến về thành ngữ trong Truyện Kiều, đi từ các đặc điểm ngôn ngữ học của tiếng Việt cho đến cấu trúc tiểu đối, một là để nhìn nhận thi ca trung đại Việt Nam một cách nghiêm túc, hai là để gợi mở những hướng đi khi chúng ta gặp phải các thành ngữ tiếng Việt trong quá trình dịch thuật. Tiếp sau đó, tùy theo điều kiện, chúng tôi dự kiến sẽ làm các buổi nói chuyện trực tiếp ở nhiều hiệu sách tại Mỹ và Anh.
Chẳng hạn, tôi có lên kế hoạch cho một buổi thảo luận mang tên, “Cái chết của tác giả ở Việt Nam thời trung đại”, để chỉ ra rằng sức sống mãnh liệt của Kiều trong dân gian phát triển biệt lập so với cuộc đời và dự định của Nguyễn Du. Nguyễn Du viết Kiều là một tác phẩm văn học, nhưng Kiều lại được truyền miệng và được đem ra để bói toán. Nguyễn Du đặt tên tác phẩm là Đoạn trường tân thanh, nhưng thiên hạ mặc kệ Nguyễn Du và gọi đó là Truyện Thúy Kiều, Truyện Kiều, hay giản lược nhất là Kiều. Đấy là một chủ đề vừa thú vị, vừa có khá nhiều cơ sở để nói.
- Sau Truyện Kiều, bạn có đang/dự định dịch một tác phẩm tiếng Việt nào khác sang ngoại ngữ?
- Tôi muốn sửa lại câu hỏi thành: Bạn có đang/dự định dịch một tác phẩm Việt nào khác sang ngoại ngữ không. Bởi phạm vi hiện giờ của tôi là văn học trung đại, và vào thời đó thì các cụ vừa viết tiếng Việt, vừa viết bằng Hán văn nữa.
- Về phần tiếng Việt, thì tôi đang ưng một số truyện thơ nhỏ lẻ lấy bối cảnh ở Việt Nam, chẳng hạn như Bích Câu kỳ ngộ hoặc là Quan Âm Thị Kính - đều là những truyện thơ đậm chất dân gian, ít chất văn chương cao siêu như Kiều. Cùng lúc đó, tôi cũng đang ấp ủ tham vọng dịch Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, cụ thể là dịch từ Hán văn thẳng sang tiếng Anh luôn, chỉ mỗi tội chưa tìm được ai có bản số hóa của Truyền kỳ tân phả bằng tiếng Hán. Ai mà có thì xin hãy gửi vào hòm thư của tôi, tôi sẽ đền đáp bằng một con chó phốc (cười).
Nhưng các dự án mà tôi đang ấp ủ hiện giờ chỉ có vậy. Tôi tuyệt đối không động đến văn học hiện đại, vì đó là một phạm trù mà tôi chưa hiểu kỹ, chưa đọc đủ, và quan trọng nhất là chưa có hướng đi xác đáng để chuyển ngữ.