Truyền dịch tại nhà: Dao hai lưỡi!

Nhiều người chọn cách truyền dịch tại nhà vì sự tiện lợi không cần tới bệnh viện song dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến chết người

Ngày 12-7, tại Lào Cai đã xảy ra vụ tai biến y khoa chết người sau khi truyền dịch tại nhà. Một người phụ nữ (62 tuổi) truyền dịch bị sốc phản vệ, dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Tử thần rình rập

Trường hợp tai biến mới nhất trên không phải hy hữu, đã có nhiều vụ chết người khi truyền dịch tại nhà. Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Đình Ân, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai biến khi thực hiện truyền dịch (còn gọi là nước biển) tại nhà. Ca mới đây được đưa đến cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, khó thở, ho và khạc ra bọt màu hồng, huyết áp cao. Bệnh nhân được chẩn đoán phù phổi cấp do quá tải dịch truyền. Đáng chú ý, bệnh nhân bị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, suy tim giai đoạn C, bệnh thận mạn, lọc máu chu kỳ.

Khai thác bệnh sử, người nhà cho hay do thường cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược nên người này đã gọi dịch vụ truyền dịch tại nhà giúp tăng sức đề kháng, để khỏe hơn song xảy ra biến chứng nguy kịch. "May mắn bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời, được lọc máu rút nước, đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập. Sau vài tuần điều trị sức khỏe mới phục hồi lại được" - bác sĩ Ân thông tin.

Theo các chuyên gia, dù đã được cảnh báo có nhiều tai biến nguy hiểm khi tự truyền dịch tại nhà nhưng không ít người vẫn chọn lựa, lạm dụng. Chỉ cần gõ cụm từ "truyền dịch tại nhà" trên internet hay các trang mạng xã hội thì sẽ xuất hiện hàng loạt dịch vụ. Gọi điện thoại sẽ có người đến tận nhà truyền dịch với nhiều loại như truyền nước biển, muối, đường, đạm hay truyền cả vitamin B, C, vitamin tổng hợp và truyền trắng để làm đẹp. Vì cảm thấy tiện lợi khi không cần tới bệnh viện, nhiều người hễ trong người hơi mệt một chút, suy nhược… là gọi dịch vụ tới nhà để truyền dịch mà không lường trước những diễn biến nghiêm trọng, cứu không kịp sinh mạng.

Bác sĩ Ân nhấn mạnh tự truyền dịch tại nhà mà không có giám sát của chuyên gia y tế sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng. Phản vệ với thuốc, dịch truyền là tai biến nghiêm trọng nhất có thể chết người rất nhanh nếu không được nhận biết và xử trí ngay. Kể cả khi có sự giám sát của nhân viên y tế mà nhân viên đó không được tập huấn kỹ về phản vệ thì nguy cơ tử vong rất cao. Bên cạnh đó, truyền dịch không đúng chỉ định còn có thể gây suy tim cấp, hen tim, phù phổi cấp. Đặc biệt, với người có bệnh lý suy tim, suy thận mạn, xơ gan mất bù, người cao tuổi biến cố này thường gặp hơn. "Ngay cả người trẻ, không có bệnh lý nếu điều chỉnh tốc độ truyền quá nhanh thì cũng có thể gặp biến chứng này. Ngoài ra còn có các tai biến, biến chứng khác như chảy máu, nhiễm khuẩn tại nơi tiêm truyền, tắc mạch do khí..." - bác sĩ Ân cảnh báo.

Một bệnh nhân truyền dịch tại nhà bị sốc phản vệ điều trị, thở máy tại Bệnh viện Quân y 175

Một bệnh nhân truyền dịch tại nhà bị sốc phản vệ điều trị, thở máy tại Bệnh viện Quân y 175

Cần tuân thủ năm nguyên tắc đúng

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Tín, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết bình thường cơ thể được bảo vệ khỏi vi khuẩn bởi hàng rào vững chắc của da. Khi truyền dịch trực tiếp vào mạch máu, nếu dịch truyền bị nhiễm khuẩn hoặc quá trình tiêm truyền không vô khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp vào máu và gây ra hậu quả nguy hiểm, nặng nề nhất là sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng. Ngoài ra, thành phần trong dịch truyền là một chất lạ với cơ thể, đặc biệt là các loại dịch truyền chứa nhiều dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Những chất lạ này khi được truyền vào cơ thể có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch quá mức, nhẹ thì dị ứng, nặng thì phản vệ đe dọa tính mạng. Do đó, khi truyền dịch luôn cần có nhân viên y tế ở gần để sẵn sàng xử trí cấp cứu khi tình trạng dị biến cố xảy ra.

"Cơ thể con người có cơ chế điều chỉnh rất hay, thông thường các chất dinh dưỡng và nước luôn được nạp qua hệ thống màng lọc bảo vệ tự nhiên từ niêm mạc ruột đường tiêu hóa trước khi đi vào máu. Không nên tự ý phá vỡ cơ chế này bằng cách truyền dịch trực tiếp vào máu của mình, trừ khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp thật sự cần thiết" - bác sĩ Tín nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Vũ Đình Ân, hiện nay truyền dịch, tiêm thuốc tại nhà cũng là một hình thức điều trị khá tốt, nhất là trong tình trạng các cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải và một số trường hợp bị bệnh nhẹ cũng không cần thiết phải nhập viện điều trị nội trú. Tuy nhiên, tại Việt Nam công việc này cần phải được bảo đảm an toàn. Quy trình truyền nước biển nói riêng, truyền dịch nói chung hay tiêm thuốc tại nhà đều phải tuân theo tiêu chí 5 nguyên tắc đúng gồm: Đúng người, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng đường dùng. Bên cạnh đó, phải tuân thủ quy trình khám, kê toa, nếu thực hiện truyền thì phải được bác sĩ hoặc điều dưỡng trực tiếp làm với điều kiện có đầy đủ hộp thuốc chống phản vệ và nhân viên đã được tập huấn.

"Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, bổ sung đủ nước và dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật. Nếu có triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức hay mất nước, hãy tìm tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí phù hợp. Bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch khi cần thiết, quyết định loại dịch truyền nào phù hợp với tình trạng hiện tại cũng như có phương án bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro xảy ra" - một chuyên gia khuyến cáo.

Hành nghề cả trong quán cà phê

Mới đây, Sở Y tế TP HCM đã phát hiện bà V.K.P (32 tuổi) thực hiện dịch vụ truyền nước biển trái phép tại một quán cà phê. Bà P. bị phạt 80 triệu đồng vì hành vi khám, chữa bệnh chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, sở cũng phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Y tế Toàn Phúc (số 47/56 Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, TP HCM) và ông N.B.T, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Chăm sóc y tế VMEDI (số 255/14 liên khu 4-5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP HCM). Hai trường hợp này bị xử phạt do quảng cáo trái phép cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà; ký hợp đồng hợp tác cung cấp dịch vụ y tế chưa được phép với Công ty CP Ứng dụng PKH để thực hiện dịch vụ đặt lịch khám tại ứng dụng Medpro.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/truyen-dich-tai-nha-dao-hai-luoi-196240712205600172.htm
Zalo