Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử: Minh bạch khi xuất khẩu
Ứng dụng giúp tăng mức độ tin cậy, minh bạch, loại bỏ được các sai sót trong quá trình giám sát tàu, sản lượng, cấp giấy xác nhận nguyên liệu, giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) là phần mềm hỗ trợ trong quản lý truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ các tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác. Phần mềm không chỉ giúp cho việc thống kê, quản lý mà còn đáp ứng tốt yêu cầu về minh bạch nguồn gốc thủy sản với thị trường xuất khẩu đặt ra.
Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai hệ thống phần mềm eCDT giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý đội tàu, sản lượng cập bến của từng địa phương hiệu quả hơn, ngay cả các tàu đó cập cảng và bốc dỡ tại các cảng thuộc địa phương khác. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thành phần tham gia sử dụng hệ thống này là ngư dân, ban quản lý cảng cá, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, doanh nghiệp xuất khẩu đều tiết kiệm được chi phí sản xuất và nguồn lực thực hiện các thủ tục theo quy định, ông Vũ Duyên Hải đánh giá.
Theo Cục Thủy sản, các tỉnh thành phố ven biển đã triển khai hệ thống eCDT tại 80 cảng cá, điểm lên cá. Các đơn vị chức năng đã thực hiện xuất cảng cho 59.978 lượt tàu rời cảng và 49.113 lượt tàu cập cảng trên hệ thống eCDT; đồng thời đã cấp 3.053 giấy biên nhận bốc dỡ sản phẩm qua cảng; đã cấp 318 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) và 49 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) trên hệ thống eCDT.
Để thực hiện được công việc trên, Cục Thủy sản đã thực hiện cấp tài khoản cho 5 đối tượng tham gia trong hệ thống liên quan đến chuỗi khai thác - chế biến – xuất khẩu thủy sản: ngư dân, ban quản lý cảng cá, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là tất cả tàu cá trên toàn quốc, 28 chi cục thủy sản các tỉnh thành phố ven biển với 147 tài khoản; 172 tài khoản đồn biên phòng dọc theo các tỉnh, thành phố ven biển và 117 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.
Đến nay, dù hệ thống mới bước đầu đưa vào ứng dụng, song nhiều tỉnh đã rất tích cực thực hiện như: Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức hướng dẫn, tập huấn ngư dân sử dụng phần mềm. Các đơn vị bố trí nguồn nhân lực và trang bị tại các cảng cá để hỗ trợ ngư dân xuất nhập bến trên phần mềm. Hay phối hợp với các lực lượng liên quan khác như biên phòng và chính quyền địa phương để hướng dẫn và phổ biến đến chủ tàu, thuyền trưởng.
Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý khai thác thủy sản là xu hướng tất yếu. Khi áp dụng tốt ứng dụng trên, các đơn vị quản lý sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nguồn nhân lực, chi phí… đặc biệt là sản phẩm khai thác được rất minh bạch. Tương lai, phần mềm còn thay thế nhật ký khai thác giấy bằng nhật ký điện tử. Các quy trình, thủ tục rời bến, cập cảng cũng sẽ được tích hợp trong phần mền, giúp cho việc quản lý của cơ quan chức năng được hiệu quả.