Truy xuất nguồn gốc – bảo vệ thương hiệu
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, đảm bảo minh bạch về nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tăng sức cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái.
Dán tem truy xuất nguồn gốc
Ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”, nhằm xác định nhiệm vụ cần triển khai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Tiếp đó, ngày 21/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Tỉnh Sơn La khuyến khích doanh nghiệp, người dân áp dụng, sử dụng tem, nhãn mác có mã QR-Code để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất và các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, HTX.
“Xoài tròn Yên Châu” được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2012, trồng tập trung tại các xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt, huyện Yên Châu, quy mô 60 ha cây xoài tròn bản địa.
Ông Quàng Văn Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, cho biết: HTX thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho quả "Xoài tròn Yên Châu" và tem dán trên bao bì sản phẩm, khi khách hàng sử dụng điện thoại quét mã QR-Code, các thông tin cần biết từ vùng trồng, quy trình chăm sóc, thu hái, chứng nhận chất lượng sản phẩm và số điện thoại được hiển thị. Qua đó, giúp HTX bảo vệ thương hiệu sản phẩm
Là một trong những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sơ chế, chế biến cà phê theo chuỗi liên kết, sản xuất, bao tiêu sản phẩm, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La, chia sẻ: Dán tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là điều kiện để xuất khẩu và bất cứ doanh nghiệp, HTX nào muốn đi xa, bảo vệ thương hiệu cần phải thực hiện. Với HTX, nhờ tuân thủ nghiêm các quy định từ liên kết xây dựng vùng trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế nên sản phẩm cà phê thóc, cà phê nhân của HTX đã xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc..., được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng.
Các sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện truy xuất nguồn gốc lần đầu, sau khi thực hiện các bước: Khảo sát, đánh giá thực trạng của từng sản phẩm OCOP; lựa chọn các đối tượng để nâng cấp hoạt động truy xuất nguồn gốc; tổng hợp các nhóm sản phẩm có quy trình sản xuất tương tự nhau, các sản phẩm cùng ngành hàng; xây dựng quy trình, tài liệu hướng dẫn cho các nhóm sản phẩm; cung cấp dữ liệu, yêu cầu Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia xây dựng các module phù hợp với các nhóm sản phẩm OCOP; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng tài khoản, thiết lập thông tin trên cổng thông tin truy xuất quốc gia, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc; cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân.
Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Qua đánh giá, tỉnh đã tuyển chọn và ký hợp đồng với Công ty cổ phần Bảo Lâm Sơn La và Công ty cổ phần Chứng nhận và giám định quốc tế ISOCERT để thực hiện nhiệm vụ "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh". Sau gần 3 năm triển khai, các đơn vị đã tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho gần 100 lượt cán bộ lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị lựa chọn và thiết lập tài khoản truy xuất áp dụng 2 hệ thống phần mềm riêng biệt để truy xuất nguồn gốc cho 2 nhóm: sản phẩm nông sản (OMFARM) và sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến, đóng gói (OMFOOD); xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí truy xuất nguồn gốc cho 15 sản phẩm của 15 cơ sở tham gia thực hiện dự án.
Ứng dụng công nghệ chống giả
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 1.233 vụ; trong đó, 268 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 718 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 8 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nộp ngân sách nhà nước trên 22 tỷ đồng.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ trong xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, trung tuần tháng 8/2024, Viện Phát triển Doanh nghiệp - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam tổ chức chương trình “Giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm và năng lực kinh doanh trên nền tảng số” cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
Bà Lê Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, cho biết: Hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR-Code, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm thì doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.Vì vậy, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo “Giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa và tiếp cận thị trường khách hàng trên các nền tảng số” cho 50 doanh nghiệp, HTX.
Ngày 28/3/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin cơ bản về tên, hình ảnh sản phẩm, tên đơn vị sản xuất kinh doanh, địa chỉ… được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Luật sư Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam, thông tin: Với giải pháp truy xuất nguồn gốc Truedata kết hợp giữa tem chíp RFID và công nghệ trí tuệ nhân tạo Al cùng Blockchain để ghi nhận, lưu trữ và quản lý thông tin của sản phẩm, giúp quá trình truy xuất nguồn gốc trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Doanh nghiệp có thể xác định rõ ràng từng bước trong quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ sản phẩm. Từ đó, giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn, đảm bảo tính minh bạch và tránh những sai sót có thể xảy ra.
Ngày 5/7/2024, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch về thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024. Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, Thành phố tập trung rà soát, lập báo cáo đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân, lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa phù hợp, có khả năng thực hiện việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa năm 2024 cho 30 - 40 sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu mạnh đã khó nhưng việc bảo vệ thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế lại càng khó hơn, khi các vụ xâm phạm thương hiệu, hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp. Vì vậy, giải pháp truy xuất nguồn gốc Truedata kết hợp giữa tem chíp RFID và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cùng Blockchain sẽ giúp quá trình truy xuất nguồn gốc trở nên dễ dàng và nhanh chóng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng hóa hiệu quả.