Truy tố nguyên lãnh đạo xã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can nguyên là lãnh đạo và cán bộ xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) gồm: Trần Đình Lai (55 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng); Trần Thị Mai Phương (43 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng); Trương Công Phú (32 tuổi, nguyên công chức địa chính xã Xuân Hưng) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Là người có trách nhiệm nhưng các bị can đã lơ là, để cho một số đối tượng thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Xuân Hưng, gây tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Khai thác khoáng sản trái phép
Cáo trạng của VKSND tỉnh xác định, Cơ sở Sản xuất gạch N.B. (gọi tắt Cơ sở N.B.) có diện tích 30 ngàn m2, được Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Xuân Lộc cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh năm 2007 và thay đổi lần thứ 4 vào năm 2012. Địa điểm kinh doanh tại xã Xuân Hưng. Ngành nghề sản xuất gạch với vốn kinh doanh 7 tỷ đồng do bà V.T.K.A. (54 tuổi, ngụ phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa) làm chủ.
Cơ sở Sản xuất gạch T.V. (gọi tắt Cơ sở T.V.) có diện tích hơn 34 ngàn m2, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh lần đầu vào năm 2006 và đăng ký thay đổi vào năm 2012. Địa điểm kinh doanh của cơ sở này tại xã Xuân Hưng, với ngành nghề kinh doanh sản xuất gạch, do ông T.A.T. (61 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ và ông T.Đ.Q. (38 tuổi, con trai ông T.A.T.) toàn quyền trực tiếp quản lý, điều hành.
Cơ sở N.B. và Cơ sở T.V. có vị trí liền kề nhau, chung lối đi và không có giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Vào ngày 18-6-2021, đoàn công tác do Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Xuân Lộc, Công an huyện Xuân Lộc và UBND xã Xuân Hưng tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản đối với 2 cơ sở này.
Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện, lập biên bản ghi nhận hiện trạng đất đai phía sau Cơ sở N.B. và Cơ sở T.V. đã bị đào, múc trên bề mặt đất, đã hình thành 2 hố sâu ngập nước (như cái ao) và có 5 ụ đất (loại đất nguyên liệu sản xuất gạch). Tại hiện trường ghi nhận nhiều người điều khiển xe tải ben, xe cuốc đã tắt động cơ rồi bỏ đi. Đoàn công tác đã tạm giữ 17 xe tải ben và 3 xe cuốc tại khu vực này.
Theo điều tra xác định cụ thể, phía sau Cơ sở N.B. có cái ao với diện tích hơn 16 ngàn m2 đã bị khai thác đất. Đây là diện tích đất được bà K.A. mua lại của nhiều hộ dân trên địa bàn (việc chuyển nhượng không thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật). Trước đây, diện tích đất này để trồng lúa, đất đai bằng phẳng, không bị đào, múc như hiện tại. Theo kết quả giám định, số lượng đất đã bị khai thác tạo thành ao là hơn 78 ngàn m3 đất với giá trị hơn 15 tỷ đồng; 3 ụ đất nguyên liệu phía sau Cơ sở N.B. có khối lượng hơn 88m3 với giá trị hơn 13 tỷ đồng.
Còn phía sau Cơ sở T.V. có cái ao tổng diện tích hơn 13 ngàn m2 thuộc quyền sở hữu của ông T.Đ.Q., Tổng khối lượng khoáng sản đã bị khai thác tại ao này là gần 70 ngàn m3, trị giá hơn 13 tỷ đồng và 2 đồi đất nguyên liệu hơn 55 ngàn m3 trị giá hơn 8 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra chưa xác định được khối lượng, phương tiện trực tiếp thực hiện hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên các thửa đất trên.
Đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Đồi Môn (phía sau Cơ sở Sản xuất gạch N.B. và Cơ sở Sản xuất gạch T.V. thuộc xã Xuân Hưng) hiện chưa đủ căn cứ xác định đối tượng khai thác. Do đó, cơ quan điều tra đã tách vụ án để tiếp tục điều tra về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại xã Xuân Hưng để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Nguyên lãnh đạo UBND xã chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm
Cáo trạng của VKSND tỉnh xác định, theo quy định, UBND xã Xuân Hưng có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thời điểm đó, Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng là bị can Lai phải có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dung đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm... Đồng thời, chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.
Tương tự, thời điểm đó, bị can Phương cũng phải có trách nhiệm tham mưu giúp chủ tịch UBND xã trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên, môi trường…; bị can Phú có trách nhiệm giúp UBND xã theo dõi, kiểm tra công tác trật tự xây dựng, quản lý việc khai thác khoáng sản trên địa bàn…
Trong khoảng thời gian từ tháng 4-2020 đến tháng 4-2021, tại khu vực Đồi Môn (xã Xuân Hưng) đã xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp và sét gạch ngói) tại vị trí phía sau Cơ sở N.B. và phía sau Cơ sở T.V. Các bị can Lai và Phương phải chịu trách nhiệm với khối lượng khoáng sản bị khai thác trái phép hơn 145 ngàn m3 đất, gây thiệt hại hơn 28,5 tỷ đồng. Bị can Phú phải chịu trách nhiệm với khối lượng khoáng sản bị khai thác trái phép hơn 78 ngàn m3, gây thiệt hại tài sản hơn 15 tỷ đồng.
VKSND tỉnh cũng xác định, các bị can: Lai, Phương và Phú là người có chức vụ, quyền hạn, được phân công, giao nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn xã Xuân Hưng nhưng đã không thực hiện, thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, để cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Xuân Hưng diễn ra với quy mô lớn và trong khoảng thời gian dài, tác động xấu đến môi trường, tạo “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.