Trút gánh nặng chi phí trên vai doanh nghiệp

Chi phí nguyên phụ liệu và chi phí vận chuyển tăng, trong khi thuế giá trị gia tăng (VAT) vẫn chưa được hoàn... Đó là những khó khăn vẫn đang bủa vây cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gỗ mong muốn tiếp tục được gỡ các rào cản để nâng sức cạnh tranh. Ảnh: M.H.

Doanh nghiệp gỗ mong muốn tiếp tục được gỡ các rào cản để nâng sức cạnh tranh. Ảnh: M.H.

Nặng gánh chi phí

Thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình, ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, giá chè xuất khẩu bình quân chỉ khoảng 1,7 USD/kg, nhưng chi phí vận chuyển đang lên rất cao, có doanh nghiệp (DN) đang vật lộn với chi phí vận chuyển tăng 50-70% so với cùng kỳ năm 2023, thành ra hoạt động sản xuất kinh doanh không thu được lời lãi gì.

Tình trạng khó khăn cũng đang bủa vây nhiều DN. Trong báo cáo của nhiều hiệp hội, chi phí vận tải biển đang được ghi nhận tăng trở lại. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chi phí tăng cao không chỉ ở giá. “Các DN trong ngành chủ yếu hoạt động xuất khẩu, mỗi năm sử dụng hơn 1 triệu container, nhưng hiện tại, đặt được container rất khó. Các hãng tàu lớn đang giảm chuyến, giảm tàu, nên chi phí logistics bị đẩy lên rất cao, nhất là khi các DN Việt hay bán FOB” - ông Nam thông tin.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng bày tỏ họ gặp vấn đề về chi phí và mong muốn được hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng. Theo đó, Hiệp hội này kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế VAT 2%. Lý do, DN đồ uống cũng đang rất khó khăn cần được hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, phần lớn các DN có quy mô nhỏ và vừa, vốn lưu động thiếu nhưng hiện nay vốn lại bị đọng do chậm hoàn thuế VAT.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, đặc điểm của ngành chè là đến mùa thì người nông dân phải hái, DN đặt mua thì phải trả tiền ngay, không thể nợ được. Vốn thì thiếu, nhưng lại bị Nhà nước nợ phần hoàn thuế. Có DN trong Hiệp hội phản ánh, đã bị chậm hoàn thuế cả năm nay.

Nhớ lại tình trạng chậm hoàn thuế VAT hồi năm 2023, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) bày tỏ, hiện tại, vấn đề về hoàn thuế vẫn chưa “xuôi”. “DN vẫn đang rất khó, đến mức nhiều DN quyết định di chuyển đến nơi có thủ tục hoàn thuế thuận lợi hơn, vì ở Hà Nội hay TPHCM đều khó” - ông Hoài chia sẻ về tình hình hoạt động của các DN ngành gỗ hiện tại.

Trong khi đó, đối với các DN xuất khẩu ngành điện tử, mặc dù các đơn hàng trở lại khá dồi dào, song các DN trong ngành cũng không mấy vui. Thông tin từ Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho biết, đang nhận được những phản ánh của nhóm DN khu vực phía Nam về việc tiền thuê mặt bằng đã tăng gấp 10 lần so với cách đây 2 năm.

Theo đại diện Hiệp hội, DN đã và đang phải dồn vốn và chi phí cho thuê đất, vốn vay lại khó tiếp cận, vì không có tài sản thế chấp, như vậy khó có thể nâng sức cạnh tranh.

Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn

Gửi gắm tâm tư, kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài bày tỏ: Chi phi tuân thủ pháp luật đang quá cao, rất cần Chính phủ có những quyết sách mang tính bước ngoặt, để tạo động lực mới và truyền lửa cho DN trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Có lẽ, đây cũng là tâm tư chung của nhiều DN, hiệp hội trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi mà đòi hỏi về quy chuẩn, chất lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng khắt khe, trong khi cộng đồng DN vẫn đang phải chịu nhiều gánh nặng trên vai. Chính bởi vậy, các hiệp hội, DN mong muốn các cơ quan phối hợp với nhau, có thông tin để DN tính toán nên làm gì, chủ động được kế hoạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, tránh những rủi ro trên trong giao dịch thương mại, đặc biệt là giao dịch quốc tế.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù nhà quản lý đã hết sức nỗ lực gỡ các rào cản thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động của cộng đồng DN, song vẫn cần tiếp tục và đẩy nhanh việc gỡ những điểm nghẽn, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, giảm thời gian cũng như những chi phí tạo thêm gánh nặng cho cộng đồng DN. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; Nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các DN, nhất là DN mới thành lập và DN nhỏ và vừa, tháo gỡ các vướng mắc về đất đai...

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trut-ganh-nang-chi-phi-tren-vai-doanh-nghiep-10283003.html
Zalo