Trường tư được tiếp cận trụ sở dôi dư sau sáp nhập sẽ giúp cải thiện hạ tầng GD

Dành trụ sở dôi dư sau sáp nhập cho trường tư có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện hạ tầng GD; song cần ưu tiên nhà đầu tư có cả tài chính và khả năng vận hành.

Tại buổi tiếp xúc cử tri 3 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa (Hà Nội) nhằm ghi nhận và giải đáp các ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần không để lãng phí trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính. Cụ thể, định hướng ưu tiên sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập này làm trường học, cơ sở y tế và không gian công cộng cho người dân. [1]

Xuất phát từ chủ trương trên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nên tạo điều kiện ưu tiên cho các nhà đầu tư tư nhân tiếp cận với nguồn lực này, để phát triển hệ thống giáo dục tư thục, đặc biệt ở các thành phố lớn.

 Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: website trường.

Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: website trường.

Có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện hạ tầng giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Công Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cần Thơ) bày tỏ: “Cơ sở giáo dục tư thục là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần bổ sung nguồn nhân lực, đa dạng hóa môi trường học tập và giảm áp lực cho hệ thống cơ sở giáo dục công lập.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục tư thục vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn thử thách trong việc tiếp cận mở rộng “quỹ đất” nhằm cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục cho người học.

Do đó, chủ trương sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính để làm trường học, đặc biệt nếu tạo điều kiện cho khối giáo dục tư thục tiếp cận nguồn lực này là một định hướng đúng đắn. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tư thục vượt qua khó khăn thử thách”.

 Thầy Phạm Công Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Thầy Phạm Công Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cần Thơ). Ảnh: NVCC.

Chính vì thế, thầy Thuận đánh giá: “Chủ trương trên nếu được thực hiện, sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc cải thiện hạ tầng giáo dục. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh có nhu cầu tiếp cận môi trường giáo dục chất lượng cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn - khi hệ thống trường công đang quá tải.

Đối với Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm là một cơ sở giáo dục tư thục tại thành phố lớn, trong nhiều năm qua, khó khăn lớn nhất đối với nhà trường chính là việc tiếp cận đất đai và cơ sở vật chất.

Vì vậy, khi chủ trương này được thực hiện sẽ là một bước “cởi trói” quan trọng, tạo điều kiện cho nhà trường mở rộng “quỹ đất”, cải thiện môi trường dạy học làm nền tảng tiền đề giúp nhà trường phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nếu được tạo điều kiện tiếp cận trụ sở dôi dư, có thể giảm gánh nặng tài chính ban đầu, từ đó, nhà trường sẽ tập trung nguồn lực vào nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục và phát triển đội ngũ giáo viên”.

 Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cần Thơ) tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cần Thơ) tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Ảnh: NTCC.

Cũng có chung quan điểm với chia sẻ trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Chủ đầu tư, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết: “Một trong những khó khăn của các trường tư thục chính là việc tiếp cận với “quỹ đất” còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư không đủ tiềm lực tài chính để vừa mua đất vừa xây trường.

Nếu tới đây, Nhà nước có thể ưu tiên dành một phần trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cho việc xây trường, đặc biệt, cho phép nhà đầu tư tư nhân tiếp cận với nguồn lực này, tôi cho rằng, sẽ tạo được động lực phát triển mạnh mẽ”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy dẫn chứng, đã có rất nhiều cơ sở giáo dục tư thục đi thuê cơ sở vật chất của Nhà nước, đã và đang vận hành rất tốt, đóng góp rất lớn vào hệ thống giáo dục nói chung.

“Hệ thống giáo dục Nguyễn Siêu đã từng 8 lần chuyển địa điểm và đều là những địa điểm đi thuê, mượn của các cơ sở công lập không còn sử dụng (nếu để không thì rất lãng phí). Sau khi thuê lại, nhà trường vừa tận dụng một phần cơ sở vật chất cũ, vừa tiếp tục đầu tư tân trang, sửa chữa, cải tạo phòng học, để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Đến nay, nhà trường đã được Nhà nước cấp đất để xây trường, tuy nhiên, trong suốt những giai đoạn trước đó, nhà trường vẫn vận hành rất tốt.

Tương tự, đối với một số cơ sở giáo dục tư thục khác, như Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, hiện cũng đang đi thuê cơ sở vật chất. Đó cũng là một trong những minh chứng cho sự phát triển của giáo dục tư thục.

Chính vì thế, các nhà đầu tư giáo dục cũng rất mong muốn có thể tiếp cận nguồn lực về đất đai tại các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, các nhà đầu tư hoàn toàn sẵn sàng sửa chữa, cải tạo điều kiện cơ sở vật chất. Chính sách đó có thể tạo điều kiện rất lớn cho các nhà đầu tư giáo dục có thể đầu tư được các cơ sở giáo dục thực sự chất lượng” - cô Thúy chia sẻ thêm.

Cần chú trọng cả tiềm lực tài chính lẫn năng lực vận hành trường học

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội), để thực hiện được chủ trương trên một cách hiệu quả, trước hết, cần có hành lang pháp lý, đồng thời cần công khai, minh bạch các thông tin.

 Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Chủ đầu tư, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy - Chủ đầu tư, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

“Trong công tác đấu thầu, cần chú ý đến năng lực vận hành nhà trường. Bởi, đôi khi, có một số nhà đầu tư có thể có năng lực tài chính rất lớn, nhưng lại không có năng lực vận hành trường và phải dựa vào một nguồn lực khác.

Tức là, cần chú trọng cả hai, vừa đảm bảo nguồn lực tài chính để đầu tư sửa chữa, tân trang cơ sở vật chất và vừa vận hành nhà trường, cả hai đều phải có tính khả thi. Cần ưu tiên cho những nhà đầu tư vừa có năng lực tài chính và có khả năng vận hành trường; hoặc ưu tiên cho những nhà đầu tư có khả năng vận hành trường và cần có chế độ, chính sách cho vay vốn ưu đãi để thực hiện được mô hình giáo dục” - cô Thúy lý giải.

Đặc biệt, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng, nên quan tâm đến các mô hình trường tư thục đã tồn tại lâu đời, để có thể gìn giữ và phát triển: “Ví dụ như các trường: Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh; Trường Trung học phổ thông Đông Đô… là những trường ra đời từ rất sớm, nhưng đến nay, vẫn chưa được nhân rộng mô hình. Chúng tôi rất mong, các cơ sở giáo dục tư thục có lịch sử hình thành từ rất lâu như vậy sẽ có thêm cơ hội để mở rộng quy mô và nhân rộng mô hình để tiếp tục thực hiện khát vọng của các nhà giáo vì sự nghiệp giáo dục”.

Về vấn đề này, theo thầy Phạm Công Thuận, để thực hiện được chủ trương trên một cách hiệu quả, có một số lưu ý: “Thứ nhất, cần có cơ chế ưu đãi về thời hạn thuê lâu dài hợp lý và có thể thanh toán tiền thuê hằng năm, tạo điều kiện cho nhà trường có thể chủ động hoạch định chiến lược phát triển dài hạn.

Thứ hai, cần ban hành các văn bản pháp lý rõ ràng, minh bạch với các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí và quy trình tiếp cận trụ sở dôi dư dành cho giáo dục tư thục. Các văn bản hướng dẫn cần được ban hành đồng nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng trên thông thoáng, dưới lại khó khăn.

Thứ ba, Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ về giá thuê, kỹ thuật trong việc cải tạo công trình để phù hợp với tiêu chuẩn trường học, hỗ trợ thẩm định. Những chính sách hỗ trợ này sẽ góp phần giảm gánh nặng cho nhà đầu tư trong giai đoạn đầu tiếp cận, đồng thời đảm bảo các cơ sở giáo dục được phát triển đáp ứng đúng nhu cầu và tiêu chuẩn”.

Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đề cập: “Tôi kiến nghị, cần tạo quỹ tín dụng ưu đãi cho các dự án giáo dục được lựa chọn và có chiến lược dài hạn để kêu gọi nhà đầu tư tư nhân về giáo dục.

Đồng thời, thành lập các tổ công tác liên ngành ở cấp thành phố để tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng về thủ tục, giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng.

Khi hành lang pháp lý thông thoáng, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn trong việc cải tạo, đầu tư và đưa vào vận hành các cơ sở giáo dục đạt chuẩn theo quy định hiện hành”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/tong-bi-thu-tru-so-cong-doi-du-uu-tien-de-lam-truong-hoc-noi-kham-benh-vui-choi-cua-nhan-dan-post1734496.tpo

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-tu-duoc-tiep-can-tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-se-giup-cai-thien-ha-tang-gd-post250898.gd
Zalo