Trường tư cần tạo bản sắc 'gây thương nhớ', nâng cao chất lượng GD để thu hút HS

Tăng tỷ lệ phân luồng vào trường tư và xin được tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh là đề xuất của FPT School tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) trong việc thu hút học sinh đầu cấp.

Kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập tại Hà Nội những năm gần đây được nhiều người đánh giá là “cuộc đua” căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều so với kỳ thi xét tuyển đại học, vì tỉ lệ “chọi” khá cao.

Năm học 2023-2024 vừa qua, toàn thành phố có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng các trường trung học phổ thông công lập chỉ có khoảng 77.000 suất học.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đặt mục tiêu vào năm 2025, 40% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường trung học phổ thông tư thục, tăng khoảng 15% so với hiện tại. [1]

Trường công quá tải, trường tư khó khăn trong mở rộng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành FPT School Hà Nội đánh giá, mục tiêu 40% của thành phố Hà Nội là một quyết định mang tính đột phá trong bối cảnh hệ thống công lập đang chịu sức ép lớn.

“Chúng ta cần nhìn nhận bức tranh tổng thể rằng Hà Nội có khoảng 2,3 triệu học sinh các cấp, trong đó đã có khoảng 133.000 em tốt nghiệp trung học cơ sở trong năm học vừa qua; con số này cho thấy áp lực rất lớn lên hệ thống giáo dục công lập.

Do đó, mục tiêu mà thành phố Hà Nội đặt ra là một hướng đi tích cực, phản ánh sự cần thiết phải huy động nhiều hơn các nguồn lực xã hội để giảm áp lực lên hệ thống công lập. Thêm vào đó, bức tranh giáo dục không riêng của Việt Nam mà đang diễn ra ở nhiều nước, đó là sức ỳ của giáo dục so với sự phát triển của kinh tế. Trong khi, sứ mệnh giáo dục là đi trước, đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, sự phát triển công nghệ hiện nay là cơ hội để giáo dục thay đổi cách thức quản lý, giáo dục chuyển đổi trước để tạo cơ hội cho các ngành nghề khác trong bối cảnh chuyển đổi số. Ở đó sự năng động của khối trường tư có thể góp phần hiện thực hóa mục tiêu này”, Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly bày tỏ.

Hệ thống trường công lập ở Hà Nội hiện đang quá tải với sĩ số trung bình trong một lớp học cao hơn tiêu chuẩn, đặc biệt là ở các quận nội thành do tốc độ gia tăng dân số nhanh.

“Theo tôi, các trường trung học phổ thông tư thục tại Hà Nội hiện đang đối diện với nhiều thách thức: Quỹ đất để xây trường, vấn đề học phí, sức hút chuyên gia trong nước và quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục, sự cạnh tranh giữa các trường tư thục với nhau và với trường công lập trên địa bàn.

Mỗi trường đều đang cố gắng tạo ra lợi thế riêng để thu hút học sinh; có trường đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất hiện đại, có trường lại tập trung vào chương trình đào tạo khác biệt, hay lựa chọn chiến lược cạnh tranh về học phí. Điều này tạo ra một “cuộc đua” gay gắt, thể hiện qua nhiều khía cạnh” - cô Ly nhìn nhận.

Trong những thách thức kể trên, nữ Giám đốc nhấn mạnh đến yếu tố chính và cũng là nỗi bận tâm lớn của nhiều bậc phụ huynh khi quyết định lựa chọn trường cho con em mình, chính là vấn đề học phí và chất lượng đào tạo tương xứng. Bởi vì khi lựa chọn trường tư cho con, phụ huynh cũng đã tin tưởng vào những trải nghiệm học đường khác biệt của những ngôi trường đó tạo ra mà trường công không đáp ứng được.

Mong muốn tự chủ đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly, năm nay, hệ thống trường phổ thông FPT (FPT Schools) đón một thành viên mới tại quận Bắc Từ Liêm (tên cũ là Trường Trung học phổ thông Tây Hà Nội). Năm học 2024-2025, trường triển khai theo mô hình bán trú, được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu 650 học sinh.

Nhằm thu hút học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục, các trường trung học phổ thông thuộc hệ thống phổ thông FPT đã và đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện, đặc biệt tập trung vào chủ đề năm học mới là “Trải nghiệm thế giới thông minh”. Đặt trọng tâm vào việc giúp học sinh khám phá thế giới cảm xúc và ứng dụng công nghệ trong học tập, trang bị cho các em những kỹ năng thích ứng cao với thế giới trong tương lai. Mỗi trường có triết lý giáo dục riêng, tạo nên điểm khác biệt và thu hút của chương trình đào tạo và trải nghiệm học đường.

Đối với FPT Schools, chất lượng đào tạo là yếu tố tiên quyết và triết lý giáo dục hướng đến quản trị việc học và tự học của chính cá nhân học sinh và quan trọng là chủ đích xây dựng những trải nghiệm học đường đặc sắc “gây thương nhớ” đến học sinh.

Để đáp ứng chất lượng đào tạo thay vì tuyển sinh ồ ạt, năm học này, nhà trường nhận gần 300 học sinh. Đối với tiêu chí xét tuyển đầu vào, nhà trường đặt ra yêu cầu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở cần đáp ứng tối thiểu 61 điểm học bạ trong 3 học kỳ học liên tiếp với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ hoặc điểm thi vào 10 năm học 2024-2025 là 39,5 điểm.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly cho biết, thế mạnh mà hệ thống trường phổ thông FPT tận dụng lợi thế Trường học sinh ra trong lòng doanh nghiệp thuộc Tập đoàn FPT, có đa cấp học liên cấp từ phổ thông tới đại học và sau đại học cùng các hoạt động đào tạo định hướng nghề nghiệp sớm, đa địa điểm trên toàn quốc, và đa dạng trải nghiệm.

Cụ thể, cô chia sẻ: “Với quan điểm giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm”, chúng tôi xây dựng chương trình phát triển toàn diện, bên cạnh chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi tập trung vào 3 chương trình thế mạnh Công nghệ - Tiếng Anh - Phát triển cá nhân hướng tới xây dựng chân dung học sinh với 5 giá trị: Công nghệ - Sáng tạo - Tự lập - Đa dạng trải nghiệm - Tôn trọng cá nhân.

Nhờ vào những giá trị cốt lõi này, một thành viên mới của hệ thống phổ thông FPT này không chỉ là một ngôi trường cung cấp kiến thức, mà còn là một môi trường đa trải nghiệm, góp phần nuôi dưỡng nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh. Xã hội thay đổi nhanh, thì khả năng tự học là nền tảng quan trọng, nhưng điều này cũng đòi hỏi người học có nền tảng kiến thức nhất định. Đây chính là công cụ vạn năng FPT Schools sẽ trang bị cho mỗi học sinh. Điều này giúp các em trang bị những kỹ năng và phẩm chất cần thiết, tự tin bước ra thế giới với hành trang vững chắc, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội trong tương lai.

Về phía gia đình học sinh, nhà trường cũng chú trọng gắn kết phụ huynh với học sinh bằng cách tổ chức nhiều workshop, hoạt động gắn kết học sinh và gia đình, để bố mẹ trải nghiệm cùng con. “Khi trường học và gia đình cùng đồng hành, tất cả cùng nhìn về hướng chính bắc - đó sẽ là “kim chỉ nam” giúp học sinh đi đến thành công”.

Không chỉ với hệ thống trường phổ thông FPT, nâng cao và đổi mới chất lượng giảng dạy là điều nhiều trường trung học phổ thông tại Hà Nội đang hướng tới. Tuy nhiên, quay trở lại khó khăn của các trường tư, nỗi lo lớn nhất của nhiều bậc phụ huynh lại là sự chênh lệch học phí giữa trường công lập và tư thục.

Có ý kiến cho rằng, để vừa giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, vừa giúp các trường thu hút học sinh hơn, trường tư thục nên phân tầng mức học phí. Đồng thời, có thể thu hút thêm sự chung tay từ xã hội hóa để đảm bảo cho mọi học sinh tiếp cận với giáo dục tư.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly lại cho rằng, mức chi phí đầu tư xây dựng và vận hành trường học quyết định mức học phí thu của học sinh theo định hướng của mỗi trường. Để thu hút học sinh, trường tư thục thường sẽ tạo các lợi thế của riêng mình để tuyển sinh cần cố gắng tạo “con đường xanh trong một đại dương đỏ” bằng chất lượng đào tạo, thay vì chạy đua về học phí. Tôi quan điểm, những sản phẩm dịch vụ tốt sẽ không có giá rẻ và những sản phẩm dịch vụ giá rẻ chưa chắc đã tốt, học phí sẽ tương xứng với chất lượng và kỳ vọng của từng gia đình. Việc lựa chọn trường tư thục phù hợp là quyết định quan trọng của phụ huynh học sinh.

Điều quan trọng nhất các trường cần làm là xây dựng quy định về học phí rõ ràng, minh bạch và ổn định trong từng cấp học ngay từ khi học sinh nhập học.

Chia sẻ về giải pháp phát triển hệ thống giáo dục tư thục, Thạc sĩ Phạm Thị Khánh Ly đề xuất, thành phố Hà Nội có thể tính đến xem xét dành thêm quỹ đất, chính sách ưu đãi xã hội hóa để xây dựng các trường tư thục, điều này sẽ giúp nền giáo dục có sự cạnh tranh công bằng và đa dạng.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh của các trường trung học phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội, cô Khánh Ly cho rằng, nên có những chính sách hỗ trợ thiết thực về việc tự chủ trong chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào một khung quy định chung các tiêu chí đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên để mỗi trường có thể tự xác định và đăng ký chỉ tiêu của trường mình.

Nguyễn Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-tu-can-tao-ban-sac-gay-thuong-nho-nang-cao-chat-luong-gd-de-thu-hut-hs-post246244.gd
Zalo