Trường tôi 5 GV có chứng chỉ bồi dưỡng môn KHTN nhưng không ai dạy được cả 3 môn

Cả 2 cách dạy theo chủ đề hay dạy song song đối với môn tích hợp còn tồn tại quá nhiều bất cập, vướng mắc cần sớm được nghiên cứu điều chỉnh kịp thời.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thực hiện ở bậc phổ thông với nhiều điểm đổi mới theo hướng căn bản và toàn diện, phát huy năng lực và phẩm chất người học.

Việc thực hiện chương trình mới ở tất cả các môn học từ tiểu học đến trung học phổ thông dần dần ổn định vào nền nếp, từng bước khắc phục một số khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tuy vậy, người viết là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn và trực tiếp giảng dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở, người viết cho rằng bộ môn này đang khá phức tạp và hiện nay chưa có cách nào triển khai khả thi, phù hợp.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục trả lời cử tri kiến nghị điều chỉnh về môn tích hợp ra sao?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến trả lời cử tri Thanh Hóa gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về vấn đề điều chỉnh môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã xác định rõ về nội dung đổi mới, trong đó: “Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32 năm 2018 về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cụ thể hóa các mục tiêu và nội dung của Nghị quyết số 88 của Quốc hội.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở có môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp từ các các môn Lịch sử, Địa lý nhằm tạo thuận lợi cho việc khai thác các nội dung dạy học cụ thể một cách toàn diện từ nhiều khía cạnh.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lý bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lý và nội dung Địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời.

Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Xác định đây là những môn học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Từ chương trình hiện hành, việc khai thác các nội dung bài học từ nhiều khía cạnh theo hướng tích hợp (kiến thức Địa lý trong các bài Lịch sử và ngược lại, kiến thức Hóa học, Sinh học trong các bài Vật lý và ngược lại) đã được triển khai từ nhiều năm qua.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn và tập huấn tới tất cả các giáo viên dạy 2 môn học này trên toàn quốc.

Trong đó, việc phân công giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử Địa lý bảo đảm sự phù hợp về năng lực chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công.

Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên giáo viên sẽ được phân công theo các mạch nội dung, không bắt buộc một giáo viên khi chưa được chuẩn bị sẵn sàng về năng lực chuyên môn phải dạy cả chương trình môn học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học; việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó. [1]

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, người viết nhận thấy khó khăn về môn tích hợp khi thực hiện kiểu 1 thầy 3 phân môn hay 1 môn do 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên đều tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc.

Một giáo viên đảm nhận cả 3 phân môn không phù hợp, thiếu khả thi

Dự định ban đầu sau khi tích hợp 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên sẽ do 1 giáo viên đảm nhận, tức sẽ giảm được 3 môn thành 1 môn, giảm được biên chế khi triển khai thực hiện.

Nhưng phương án này khi triển khai năm đầu tiên ở lớp 6 vào năm 2021-2022, vì lớp 6 kiến thức còn cơ bản, phổ thông nên tạm thời có thể chấp nhận phương án này.

Tuy vậy, từ các năm tiếp theo đến nay khi thực hiện từ lớp 6 đến lớp 9 thì kế hoạch 1 giáo viên đảm nhận cả 3 phân môn đối với giáo viên đang giảng dạy lại cho thấy không phù hợp, đa số còn lại đều không thể thực hiện vẫn giao 3 giáo viên dạy 1 môn gồm 3 phần khác nhau.

Bên cạnh đó, nếu dạy 1 giáo viên cả 3 phân môn ngoài việc không tìm được giáo viên có đủ bản lĩnh, kiến thức để tự tin dạy cả 3 phân môn còn vướng mắc như học xong các chủ đề thuộc 1 phân môn, sau đó bỏ hẳn cả năm, học sinh sẽ quên không còn nhớ về các kiến thức đã học.

Ví dụ, ở môn Khoa học tự nhiên 7, chủ đề 1,2 thuộc phân môn Hóa học, sẽ chuyển sang học phân môn Vật lý, rồi đến Sinh học, sang lớp 8 mới được học tiếp phân môn Hóa học, các em không được học liên tục nên các em khi học xong đã không còn nhớ gì về kiến thức đã học, học sinh gần như đã quên kiến thức phần Hóa học, rất thiệt thòi.

Một số giáo viên sau khi được cử bồi dưỡng chứng chỉ Khoa học tự nhiên nhưng do điều kiện không thể tiếp thu và vận dụng tốt cả 3 phân môn để dạy cho học sinh nên các trường vẫn phân công dạy song song 3 giáo viên dạy 3 phân môn là chủ yếu, nên sau một thời gian giáo viên được bồi dưỡng cũng đã quên mất kiến thức đã bồi dưỡng, lãng phí khi bỏ số kinh phí khá lớn để bồi dưỡng nhưng kém hiệu quả.

Tại đơn vị người viết đang giảng dạy, có 5 giáo viên cử đi bồi dưỡng và có chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên nhưng không có ai đủ tự tin và kiến thức đứng lớp để dạy cả 3 phân môn nên không thực hiện được phương án 1 giáo viên dạy 3 phân môn.

Nếu đã không đủ kiến thức, không đủ tự tin nếu cố ép giáo viên giảng dạy chắc chắn học sinh chịu thiệt thòi, mất căn bản, sợ môn Khoa học tự nhiên hơn.

Nhiều phức tạp phát sinh khi 3 giáo viên dạy 3 phân môn dạy song song

Quá trình dạy song song 3 phân môn Vật lý, hóa học, Sinh học tức 3 giáo viên dạy 1 môn học có 3 phân môn thì giáo viên được giảng dạy đúng phân môn giảng dạy nhưng tồn tại nhiều bất cập như:

Dạy riêng lẻ cả 3 phân môn song song nên dần dần mất đi ý nghĩa tích hợp nhưng lại thừa phức tạp, rắc rối.

Mỗi trường được xây dựng một kế hoạch giáo dục khác nhau, học sinh khi chuyển trường sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Vì là 1 môn học có 3 phân môn nên 3 giáo viên dạy phải cho chung 1 cột điểm, đánh giá, nhận xét,…

Học sinh không thể ôn tập và làm bài tốt, tới đợt kiểm tra cuối kỳ, học sinh ôn tập cả 3 phân môn với 3 tài liệu ôn tập khác nhau, nhưng do làm kiểm tra 3 môn chung nên học sinh bối rối không biết ôn tập phần nào để làm bài kiểm tra tốt. Qua kết quả kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ ở đơn vị người viết, môn Khoa học tự nhiên có chất lượng điểm thấp nhất trong các môn.

Học sinh khi được hỏi cũng sợ môn Khoa học tự nhiên, vì một môn nhưng học với 3 thầy với kiến thức khác nhau, phương pháp khác nhau,...

Học sinh không biết có năng lực ở phân môn nào để định hướng nghề nghiệp và chọn môn vào lớp 10 vì bài kiểm tra chỉ có điểm chung, giáo viên cũng không biết học sinh làm được phần nào không được phần nào,…

Rõ ràng, cả 2 cách dạy theo chủ đề, dạy song song đối với môn tích hợp còn tồn tại nhiều bất cập cần sớm được nghiên cứu điều chỉnh kịp thời, càng để kéo dài thì thiệt thòi đối với giáo viên và học sinh.

Đối với môn Lịch sử và Địa lý cũng gặp những khó khăn tương tự như môn Khoa học tự nhiên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/cu-tri-de-nghi-bo-gddt-xem-xet-dieu-chinh-day-mon-tich-hop-o-bac-thcs-post1713941.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-toi-5-gv-co-chung-chi-boi-duong-mon-khtn-nhung-khong-ai-day-duoc-ca-3-mon-post248986.gd
Zalo