Trường Sa! Tiếng gọi thẳm sâu nơi lòng biển - Bài 1: Biển xanh vẫy gọi
Từ 12-18/5/2024, chúng tôi vinh dự và tự hào khi được là thành viên trên chuyến thăm, làm việc với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I. Chuyến hải trình vượt trùng dương là trải nghiệm đáng nhớ với những ai đi trên tàu Kiểm ngư KN491.
Tôi may mắn được tham gia đoàn công tác số 19 với tư cách là PV báo Tiền Phong. Sau rất nhiều năm mơ ước được ra thăm đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên quần đảo máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, tôi nhận “lệnh” lên đường với tâm trạng bâng khuâng khó tả…
Quân cảng Cam Ranh
Tôi là người đầu tiên đến quân cảng Cam Ranh, có lẽ sớm nhất so với các thành viên trong đoàn. Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 rất chu đáo tận tình đón tại sân bay từ sớm. Quân cảng hiện ra trước mắt tôi ban đầu là màu xanh của rừng. Rừng được trồng trên cả những vùng cát cằn khô và trồng bổ sung liên tục hằng năm. Anh em quân cảng kể, trong vịnh vẫn thường bắt gặp những đàn khỉ vui đùa, thậm chí chúng ra ven đường tìm kiếm thức ăn, còn gà rừng thì gặp thường xuyên…
Mặt vịnh Cam Ranh xanh ngắt trong sớm mai. Vịnh được che chắn bởi núi đồi, dù gió bão ngoài khơi giật cấp mấy, vịnh vẫn phẳng lặng như mặt hồ. Mấy chiếc tàu chiến lừng lững, phía kia là chi đội tàu Kiểm ngư số 4 trắng tinh có những sọc đỏ vàng, những chiếc tàu ngầm uy dũng đen nhánh sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Vì đến sớm hơn, tôi có may mắn được lên thăm cán bộ, chiến sĩ tàu Trần Hưng Đạo - tàu mang tên Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, danh tướng của nhà Trần với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Đây là lớp tàu hiện đại, có khả năng tác chiến độc lập, làm chủ mọi tình huống trên biển Đông.
Tổ quốc muôn đời nhớ các anh
"Các anh đã đi xa, nhưng tên tuổi và dấu ấn oanh liệt một thời vẫn còn sống mãi với thời gian, mãi mãi đi vào lịch sử và trở thành bản hùng ca bất tử cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau ngưỡng mộ, trân trọng, biết ơn, tự hào, học tập và phấn đấu noi theo; mãi mãi là cội nguồn của sức mạnh tinh thần nâng bước chúng ta trên chặng đường mới" - Đại tá Đặng Văn Cảnh, Trưởng đoàn chính trị Đoàn công tác số 19.
Trong đoàn công tác tôi được gặp Đại tá, bác sỹ, nhạc sỹ Trọng Lưu. Anh là lính quân y, từng ở miền núi Tây Bắc, sau về Bệnh viện Quân đội 108. Anh rất khao khát được ra Trường Sa, nhưng phải đến khi đã nghỉ công tác mới có cơ hội, nên thao thức cả đêm trước khi lên tàu. Anh Lưu có nhiều sáng tác về người lính, lần này ra Trường Sa, những nốt nhạc đầu tiên đã vang lên trong đầu. Anh bảo sẽ cố gắng có tác phẩm hay ghi dấu chuyến đi đáng nhớ này.
Đại tá Đào Đức Hanh - Tổng Biên tập báo Quân Khu Hai nói với tôi, đây là chuyến đi ý nghĩa lắm, anh cũng từng là một người lính trước khi trở thành Tổng Biên tập, bây giờ mới được ra đảo.
Đêm trước khi lên tàu, Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 - người hai lần được vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng nói với tôi: “Biển mùa này đang đẹp! Nếu muốn, còn có thể câu được cá khi tàu buông neo. Ra Trường Sa hãy chính tâm, chuyến đi sẽ tốt đẹp!”.
Hành trình tri ân những người Anh hùng
Phải kể thêm để bạn đọc hình dung: Trước khi lên tàu ra Trường Sa, đoàn công tác đã đến dâng hương hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa). Đây là nghi lễ tâm linh quan trọng tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo - trong đó có các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14/3/1988. Năm 2017, câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các anh đã được khắc họa bằng tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” ở Khu tưởng niệm Gạc Ma.
Tại khu trưng bày, tôi chú ý đến một trong những di vật quý - Lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (quê Thái Bình, nhập ngũ tháng 3/1987) gửi về gia đình ngày 6/3/1988, trước khi xuống tàu đi Gạc Ma. Thư Liệt sỹ Phương viết: “Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi chứ bây giờ cũng chẳng được về thăm gia đình nữa đâu….". Dòng tái bút: “Từ nay con sẽ không viết thư về nữa đâu vì công việc bận, bưu điện lại quá xa,... gia đình đừng viết thư cho con, nếu viết con cũng không nhận được đâu!”. Lá thư như một dự cảm đã ố vàng, bên di vật là bộ quân phục hải quân, tờ giấy triệu tập vào trường Sĩ quan Lục quân 1... Như bao đồng đội khác, anh đã nằm lại giữa biển khơi cùng với ước mơ, hoài bão của một thời trai trẻ.
Tôi dừng lâu hơn bên lá cờ Tổ quốc mà liệt sĩ Trần Văn Phương đã quấn quanh người cùng đồng đội anh dũng hy sinh bảo vệ trong ngày 14/3/1988 lịch sử (hiện vật gốc trưng bày tại Nhà truyền thống Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân). Liệt sĩ Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê Quảng Bình, nhập ngũ tháng 3/1983. Khi hy sinh, anh là thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma.
Nhiều thành viên trong đoàn lặng đi khi xem, nghe giới thiệu về các hình ảnh, tư liệu, hiện vật của các liệt sỹ tại Khu tưởng niệm…
Giây phút linh thiêng
Chiều 14/5/2024, khi tàu thả neo giữa vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, trời đang nắng gắt bỗng có những đám mây lớn bay về. Mưa nhẹ, rồi ngưng. Sóng biển vỗ nhẹ quanh mạn tàu.
Đúng 13h15 phút, 197 thành viên đoàn công tác có mặt ở khu vực sân đỗ trực thăng tàu Kiểm ngư 491, nhiều người mặc áo cờ đỏ sao vàng, người quân phục, ai nấy đều trang nghiêm.
Đại tá Đặng Văn Cảnh - Trưởng đoàn Chính trị Đoàn công tác số 19 đứng lên bục đọc lời tưởng niệm, điểm lại sự kiện bi hùng ngày 14/3/1988 trong niềm xúc động dâng trào. Có rất nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng sẽ được lịch sử mãi khắc ghi: Cán bộ, chiến sỹ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ chiến sỹ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83. Chính tại đây, 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh.
Cả đoàn lặng đi trong phút giây tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc.
Tiếp đó là lễ thả vòng hoa, hạc giấy, đồ cúng tế. Đại tá Lê Hoàng Việt - Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác khẽ thả những cánh hoa xuống lòng biển… Thả xong, anh ngưng lại bên mạn tàu, lặng lẽ như gửi vào những lớp sóng dưới thân tàu ý chí, quyết tâm của những con dân Việt về biển đảo, về chủ quyền Tổ quốc.
Bên tôi, có nhiều giọt nước mắt xúc động, tự hào rơi cùng những cánh hoa trên boong tàu về phía biển xa…
Tôi cũng thả những cánh hoa trắng, những cánh hạc giấy và thầm gửi vào trang giấy cùng cây bút - kỷ vật tôi mang ra Trường Sa để tặng các anh với lời khấn nguyện: “Chúc các anh an giấc ngàn thu giữa lòng biển quê hương…!”.
(Còn nữa)