Trường Sa! - Một lần tôi được đến...

Nghề báo giúp tôi được đi, được kết nối và trải nghiệm vô vàn điều mới mẻ. Không biết có phải do cái chất phù sa sông biển của quê hương Cà Mau đã ngấm sâu vào máu hay không, mà hễ khi được đi biển đảo, tôi luôn cảm thấy dồi dào năng lượng, tràn đầy phấn khích. Và rồi ao ước đi Trường Sa của tôi cũng thành hiện thực. Một lần chạm vào Trường Sa, cảm nhận về Trường Sa, suy tư về Trường Sa, với tôi quả là một nhân duyên may mắn, một kỷ niệm khó có thể nào phôi phai.

Hôm tàu Trường Sa HQ-571 rời quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), bình minh tuyệt đẹp, nền trời xanh vắt những dải mây trắng nối nhau tới tận chân trời. Xung quanh cảng, những biên đội tàu hiện đại của Quân chủng Hải quân hùng dũng, kiêu hãnh được sắp xếp đội hình chỉnh tề, trong tư thế sẵn sàng hướng biển.

Việt Nam là đất nước có lịch sử gắn biển, hướng biển, với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc chí Nam, diện tích biển hơn 1.000.000 km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Trong tâm thức nguồn cội, dân tộc ta ai không nhớ tới chuyện Quốc tổ Lạc Long Quân dẫn 50 người con để trấn giữ biển cả. Ký thác ấy được lớp lớp con Lạc, cháu Hồng tiếp nối, giữ gìn. Mấy trăm năm trước, dưới thời chúa - vua triều Nguyễn, bằng thuyền buồm thô sơ, ông cha ta đã khẳng định, thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Ðông của đất nước với Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải huyền thoại.

Hải trình trên biển Ðông hướng về quần đảo Trường Sa, chúng tôi được biên chế theo buồng, sinh hoạt theo hiệu lệnh và nền nếp, kỷ luật bộ đội hải quân. Biển cuối năm gió giật có lúc cấp 7, cấp 8, sóng bạc đầu chồm ngọn phủ thân tàu. Hầu hết anh em phóng viên nằm bẹp tại giường vì say sóng. Những anh nuôi trên Tàu 571 phải nấu cháo, luộc khoai lang mang đến từng phòng, tận giường phục vụ thành viên đoàn. Ông anh cùng phòng với tôi đi Trường Sa nhiều lần, quen sóng gió, nên tỉnh rụi tham quan các khu vực của tàu, nói chuyện tếu táo: “Ðâu chỉ người say sóng. Mấy con gà, mấy con heo ngoài boong cũng ríu chân, gật gù hết rồi anh em ơi”.

Vượt sóng gió đến với Trường Sa.

Vượt sóng gió đến với Trường Sa.

7 anh em trong phòng B6 chuyền nhau, khi khúc xúc xích, lúc viên kẹo ngậm, rồi phần lương khô, ăn giữ sức. Lần đầu biết nhau, chỉ sau mấy tiếng sóng gió biển Ðông thành ra thân tình gắn bó. Cũng lạ, khi đã lên tàu, mọi câu chuyện của chúng tôi đều chung một chủ đề biển đảo. Cũng ông anh này, mà chúng tôi bầu làm “Trưởng buồng”, lưu ý: “Này nhớ, chuyện vui thôi, lâu rồi, nhưng anh em hết sức cẩn thận. Lần nọ ra Trường Sa, tàu neo ở giữa biển, ngó quanh đã thấy các đảo. Một vị xúc động quá hỏi anh bộ đội đứng gần, đảo nào là đảo của mình, đảo nào là của nước khác. Anh bộ đội quay lại, mắt nhìn thẳng, nghiêm nghị: “Báo cáo đồng chí! Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tất cả biển đảo này là của nước ta. Ở đây chỉ có đảo của ta bị nước khác chiếm đóng trái phép”. Mẩu chuyện vui nhưng cũng đầy phản tỉnh!

Hải trình của Tàu 571 gồm các điểm đến: Song Tử Tây, Ðá Thị, Sinh Tồn Ðông, cụm Cô Lin - Len Ðao - Gạc Ma và điểm cuối là đảo Sinh Tồn. 20 ngày trên biển đảo giúp chúng tôi có cái nhìn thật tươi mới, trọn vẹn tin yêu về Trường Sa. Biển đâu xanh bằng Trường Sa, sóng ở đâu đẹp bằng Trường Sa, ý chí và sức vóc con người nơi đâu sánh được với Trường Sa. Quân và dân Trường Sa đã mở lòng đón tiếp chúng tôi với nghĩa đồng bào, tình đồng chí máu thịt, thắm thiết. Ở đây, chúng tôi đã hòa làm một với Trường Sa để cùng chiêm ngưỡng cơ đồ Tổ quốc đẹp lộng lẫy, thế đứng vững vàng từ phía biển Ðông.

Mỗi điểm đến, dù thời gian gấp rút hay thảnh thơi, anh em báo chí đều phân chia nhiệm vụ, sẵn sàng hỗ trợ, trao đổi tư liệu, máy móc, trang thiết bị tác nghiệp. Trong điều kiện không Internet, hóa ra những “khí tài” căn bản nhất của nghề báo như cuốn sổ tay, cây bút và trí nhớ hóa ra lại đắc dụng đến không ngờ. Những ngày đi biển đảo, chúng tôi biết trân quý thời gian hơn. Nhận ra bản thân đã hoang phí thời gian cho nhiều thứ vô bổ khi bị cuốn vào thời đại số với muôn vàn lựa chọn và sự chi phối.

Phóng viên tranh thủ tác nghiệp trên Đảo Đá Thị.

Phóng viên tranh thủ tác nghiệp trên Đảo Đá Thị.

Trường Sa trong tôi trữ tình, êm đềm trong khoảnh khắc chờ đóa bàng vuông nở giữa đêm khuya. Cũng rất lâu rồi, tôi lại lần mò ghi chép những dòng nhật ký nắn nót, đong đầy cảm xúc. Tâm tình với những cán bộ, chiến sĩ bám đảo làm nhiệm vụ đằng đẵng hằng năm trời, tôi chợt thấy mình quá may mắn, hạnh phúc. Ở Trường Sa, tôi thấy những lá thư tay được nâng niu, trân trọng, rưng rưng trong khóe mắt người chiến sĩ trẻ. Tiếng guitar bập bùng ánh lửa, mắt người rực rỡ: “Ðời mình là một khúc quân hành”... Câu thơ chuyền tay nhau chép: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Những tuổi 20 làm sao không tiếc)/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”.

Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa luôn với tinh thần trách nhiệm cao độ, sẵn sàng trong mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa luôn với tinh thần trách nhiệm cao độ, sẵn sàng trong mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếng chuông chùa vọng vang chiều Trường Sa. Tôi lần đếm những tuổi 20 đã hóa thành bất tử. Phương danh của 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 được đặt tại chùa Sinh Tồn thật trang nghiêm, thành kính. Chúng tôi, những người làm báo đã bật khóc khi tham dự Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hướng về Gạc Ma, nơi đang bị nước khác chiếm đóng trái phép, anh linh, hào khí của tiền nhân như hiện hữu để nhắc nhớ, thúc giục mỗi chúng tôi trong cả suy tư, hành động về sự thiêng liêng của chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Giây phút xúc động khi đoàn công tác thả hạc giấy, hoa tươi tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Giây phút xúc động khi đoàn công tác thả hạc giấy, hoa tươi tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Chúng tôi được ăn Tết ở Trường Sa, một cái Tết hết sức đặc biệt. Có lẽ món bánh chưng làm tôi nhớ nhất. Bánh chưng Trường Sa độc đáo từ sắc vị lá bàng vuông, ngon bởi gói trọn trong đó tình cảm thủy chung giữa đất liền với hải đảo. Bên sắc mai, cành đào, chậu quất, mâm cỗ tất niên tươm tất, chúng tôi cùng quân và dân Trường Sa tận hưởng phong vị Tết trong sự thân thuộc, ấm áp đến ngỡ ngàng.

Rồi hải trình cũng đến điểm chia tay. Về đất liền mấy ngày, tôi vẫn bật dậy khi loáng thoáng nghe trong đầu hiệu lệnh: "Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu". Cười một mình, tôi thấy thật may mắn vì đã được đặt chân đến Trường Sa, được chiêm ngưỡng vùng biển đảo vững chãi, giàu đẹp của Tổ quốc. Trân quý và tự hào những con người kiên trung, bất khuất, dào dạt nghĩa tình quyết bám biển, bám đảo, gìn giữ bình yên Tổ quốc từ phía biển Ðông. Những người làm báo chúng tôi hẹn nhau sẽ có những tác phẩm sớm nhất, chân thật nhất, xúc động nhất về biển đảo quê hương. Còn cái hay nhất, cái đẹp nhất, thiêng liêng nhất, chúng tôi đều đồng ý với nhau mà không cần bàn cãi gì thêm, tất cả đều thuộc về nơi đó, mãi mãi ở đó - Trường Sa.

Trường Sa! Một lần tôi được đến...

Phạm Hải Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/truong-sa-mot-lan-toi-duoc-den--a33443.html
Zalo