Trường Sa - hành trình hạnh phúc: Bài 2 – Mang hơi ấm tình người đến đảo xa

Những ngày chờ đợi, ra ngóng vào trông rồi cũng qua, thời tiết thay đổi theo hướng tích cực hơn, những con sóng ngày hôm qua dữ dội nay đã dịu êm hơn, nhường chỗ cho mặt biển êm đềm như lời mời đưa chúng tôi đến Đảo Song Tử Tây mọc lên giữa đại dương với màu xanh của cỏ cây hoa lá hòa vào màu xanh của biển. Trên bến cảng, quân và dân hàng lối chỉnh tề đã đứng sẵn, chờ đón đoàn công tác từ bao giờ. Ánh mắt họ ánh lên sự ấm áp dành cho chúng tôi - những người mang hơi ấm từ đất liền đến đảo xa.

Các chiến sĩ Đảo Sinh Tồn tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ sau những giờ tập luyện vất vả nơi thao trường.

Các chiến sĩ Đảo Sinh Tồn tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ sau những giờ tập luyện vất vả nơi thao trường.

Năm 2008, thanh niên trẻ Cao Văn Giáp ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tình nguyện xung phong ra đảo theo chương trình xây dựng hệ thống chính quyền tại các xã đảo thuộc huyện Trường Sa. Sau khi ra đảo, anh được cử giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn sau đó chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Cao Văn Giáp cùng các chiến sĩ trang trí mâm ngũ quả chuẩn bị đón Tết Nguyên đán

Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Cao Văn Giáp cùng các chiến sĩ trang trí mâm ngũ quả chuẩn bị đón Tết Nguyên đán

"Phải có một tình yêu đặc biệt với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc tôi mới gắn bó được lâu dài tại các đảo. Quen cuộc sống ở đảo, tôi thấy nơi đảo xa có thật nhiều điều thú vị. Khác với đất liền, ở đảo không có mua bán giao thương mà chủ yếu là tình cảm thân tình, chia nhau từ con cá, mớ rau. Mọi người cùng quấn quýt, yêu thương, giúp đỡ nhau và cùng nhau vượt qua lúc sóng to, biển động. Tuy có nhiều khó khăn gian khổ do yếu tố khắc nghiệt của thời tiết, quân và dân trên đảo cùng nhau nỗ lực vươn lên, giữ vững tinh thần kiên trung bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sống lâu rồi thấy yêu đảo, yêu biển như máu thịt của mình”, anh Giáp xúc động chia sẻ.

Đôi mắt rớm lệ, anh Giáp nghẹn ngào nói: "Cũng như các vùng biển đảo khác của cả nước, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm về vật chất cũng như tinh thần từ đất liền, cơ sở vật chất hạ tầng ngày được hoàn thiện tốt hơn, vững chắc hơn. Quân và dân trên đảo ngày đêm vững chắc tay súng, hiên ngang giữ vững chủ quyền biển đảo bởi chúng tôi đã nhận được sự quan tâm đùm bọc chia sẻ của người dân cả nước với tinh thần "cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Nhận được sự quan tâm từ những gói quà, những lời động viên ấy, chúng tôi rất vui và hạnh phúc. Mỗi chuyến tàu ra đảo sẽ mang đến đảo những con người mới, những câu chuyện mới, cuộc sống mới đến với chúng tôi. Những món quà tình cảm từ gia đình, bạn bè, của đất liền và của người Việt Nam trên khắp thế giới sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục vững tin hơn, quyết tâm hơn gắn bó và cống hiến hết mình cho biển đảo quê hương.

Một góc Đảo Song Tử Tây nhìn từ trên cao

Một góc Đảo Song Tử Tây nhìn từ trên cao

Qua câu chuyện, tôi cũng được biết anh Giáp là người đặt viên gạch, viên ngói đầu tiên có hình quốc huy Việt Nam để xây dựng trụ sở UBND xã. Giờ xã Song Tử đã có đầy đủ hệ thống chính trị như các xã ở đất liền nên họ càng quyết tâm quyết tâm xây dựng xã đảo Song Tử mạnh về chính trị, xanh hơn, đẹp hơn, vững mạnh toàn diện. Quân và dân quyết tâm bám đất, bám đảo, bám biển cùng nhau phát triển kinh tế biển bền vững ở Trường Sa. "Nếu như có ai hỏi chúng tôi ở đây vì điều gì, tôi xin trả lời rằng vì chúng tôi là những người giữ biển, đảo thiêng liêng”, anh Giáp nói với chất giọng cứng cáp, đầy quyết tâm.

Dẫn chúng tôi đi giới thiệu vòng quanh đảo, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Văn Giáp tự hào khi đảo có những công trình, di tích, di sản đặc biệt. Đó là bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, là bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông. Đó là cây phong ba cổ thụ trên đảo được công nhận là cây Di sản Việt Nam với ý nghĩa như "cột mốc xanh" về chủ quyền biển đảo. Đó là Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây - một trong 2 trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày.

Đó là tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây sừng sững hướng ra Biển Đông. Đó là ngọn Hải đăng được ví như "mắt thần" đánh dấu tọa độ, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam khi ra biển khai thác, đánh bắt hải sản... Đảo có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu thuyền của ngư dân. Đặc biệt là đảo có nhiều người dân sinh sống, có tiếng cười của trẻ nhỏ, tiếng học bài vang ra từ lớp học với đủ mọi lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Có bệnh xá quân y chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo mỗi ngày.

Nhìn những món quà Tết, quất, hoa mai... vượt hàng trăm hải lý ra đảo, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Văn Giáp càng thêm xúc động, bùi ngùi: "Chuyến tàu HQ 571 mang đến không khí Tết cổ truyền với những món quà đầy nghĩa tình và cả những lời động viên từ đất liền, sẽ giúp quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió có thêm sức mạnh để vượt qua mọi thử thách. Sự quan tâm về vật chất và tinh thần của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đã động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo”.

Giờ học của các em tại Trường Tiểu học Song Tử trên Đảo Song Tử Tây

Giờ học của các em tại Trường Tiểu học Song Tử trên Đảo Song Tử Tây

"Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, cán bộ chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây đã nhận được rất nhiều tình cảm về vật chất lẫn tinh thần. Đây là hoạt động có ý nghĩa vô cùng lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước dành cho cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa nói chung và Đảo Song Tử Tây nói riêng. Là sự động viên, quan tâm giúp nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa để thực hiện tốt các hoạt động vui xuân, đón tết cũng như các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nhiệm vụ được giao. Những người lính Hải quân kiên trung vượt nắng, vượt gió, bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, thượng tá Nguyễn Văn Khương – Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ.

Thời gian này, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, lực lượng cán bộ chiến sĩ trên đảo cũng dành nhiều thời gian để chuẩn bị các hoạt động để cùng với bà con vui xuân, đón tết; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chiến sĩ để tổ chức tốt các hoạt động vui xuân mang nhiều nét truyền thống của văn hóa dân tộc như trò chơi hái hoa dân chủ, đẩy gậy, nhảy bao bố, bóng đá, bóng chuyền … để tạo không khi vui tươi, phấn khởi trong ngày tết với tinh thần "vui xuân mới, không quên nhiệm vụ”, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, tô thắm thêm truyền thống vinh quang của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tạm biệt Song Tử Tây, tàu HQ 571 tiếp tục đưa chúng tôi qua những đảo thiêng liêng: Sơn Ca, Đá Nam, Đá Thị, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Len Đao... Ở mỗi nơi, chúng tôi đều cảm nhận được sự sống bền bỉ, kiên cường của quân và dân. Không khí Tết đã tràn ngập khắp các đảo. Nhận được những món quà thân thương từ đất liền, quân và dân trên đảo cùng nhau trang trí bàn thờ, lau dọn từng góc nhỏ, để đón cái Tết thật tươm tất, như một lời tri ân với Tổ quốc, tri ân lại đất liền.

Tết ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đến sớm hơn đất liền. Những cành đào, chậu quất vượt hàng nghìn hải lý xa xôi mang theo hơi thở mùa Xuân từ quê nhà ra đảo. Dù chưa thể nở rộ, nhưng với Đảo, chúng luôn là biểu tượng của quê hương, là những nhành hoa Xuân quý giá nhất giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ. Những cân gạo nếp, bó lá dong xanh, những gói quà Tết, cùng những câu chúc ấm áp từ đoàn công tác như nối liền đất liền và biển đảo.

Hơi ấm, tình cảm nhân dân cả nước dành cho Trường Sa có khi bao la, rộng lớn như biển cả song có khi gói gọn như bức thư của chị Bùi Thị Minh (huyện Cam Lâm) và con gái, gửi cho chồng là Trung tá Phạm Văn Đông trên đảo Song Tử Tây. Bức thư của vợ, con gái được Trung tá Phạm Văn Đông chia sẻ với quân và dân trên đảo Song Tử Tây trong ngày hội đầu năm mới. Trước cán bộ và nhân dân trên đảo, Trung tá Phạm Văn Đông xúc động nói: "Tôi xin chia sẻ hơi ấm từ tình cảm gia đình nhỏ của tôi đến gia đình lớn là quân và dân trên đảo Song Tử Tây”.

Trong thư, chị Minh dặn anh nhớ giữ gìn sức khỏe và an tâm phụng sự Tổ quốc, chị và con ở nhà luôn nhớ đến anh. Con gái Phạm Bùi Minh Hạnh thì viết: "Những lúc nghĩ về bố, con thấy tự hào vì bố đang ngày đêm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Bố ơi! Con biết nơi đầu sóng ngọn gió, công việc của bố rất vất vả. Cả nhà luôn mong chờ ngày bố trở về. Bố hãy mạnh mẽ và bình an, vì ở đây con và mẹ luôn yêu thương và ủng hộ bố”.

Những câu chuyện xúc động về những người lính Hải Quân ở đảo thì thật nhiều, nghe mà rớm lệ. Chuyện người lính làm nhiệm vụ ở đảo cưới xong, vợ mang thai đến khi sinh con, các anh cũng không thể có mặt để động viên, chia sẻ, để được nghe tiếng con khóc lúc chào đời. Đến nay, có người lính, con đã gần 2 tuổi mà cũng chưa một được ôm con vào lòng mà hít hà, thơm má. Cũng có người, gia đình có chuyện cũng không thể về. Các anh đều dồn tâm trí, kìm nén sự xúc động và không để nước mắt rơi vì các anh đã thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng, máu thịt của Tổ quốc.

Lê Duy Lợi quê ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận tay ôm ảnh thờ của cha chia tay các đồng đội trở về đất liền khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi đảo xa

Trên tay cầm tấm di ảnh của người cha đã khuất trở về với gia đình khi được mang từ đất liền ra đảo lúc bố mất, chiến sĩ Lê Duy Lợi quê ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận vẫn nhớ như in ngày nhận tin dữ. Do thực hiện nhiệm vụ không thể về chịu tang cha, đơn vị đã tổ chức một bàn thờ nhỏ với bức ảnh của người cha thân yêu để tưởng niệm người đã khuất khi em vừa mới được ra đảo.

"Em rất xúc động và cảm ơn chỉ huy cùng các chiến sĩ trong đơn vị đã chia sẻ, động viên lúc em suy sụp tinh thần, khó khăn nhất, tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhận được sự chia sẻ như thể của người thân trong gia đình đã giúp em vơi đi nỗi đau mất người thân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trước khi chuẩn bị ra quân, em cũng được chỉ huy đơn vị định hướng học nghề và hướng dẫn làm một số công việc sau khi ra quân. Em cũng chia sẻ những kinh nghiệm mình đã học hỏi được khi ở trên đảo cho các chiến sĩ mới dù thời gian ở bên nhau cũng không dài”, Lợi nghẹn ngào cảm xúc.

"Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng,…”, giai điệu của bài hát "Nơi đảo xa” được phát ra từ hệ thống loa phát thanh của đảo đã đem lại nhiều cảm xúc mãnh liệt cho chúng tôi – những phóng viên được đến với Trường Sa vào dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Được đi, cảm nhận và chứng kiến sự khắc nghiệt của thiên tai mùa bão gió, chúng tôi càng cảm phục hơn sự kiên trung, tinh thần dũng cảm của những người lính nơi đảo xa ngày đêm vẫn đứng hiên ngang, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/344996/truong-sa---hanh-trinh-hanh-phuc-bai-2--mang-hoi-am-tinh-nguoi-den-dao-xa.aspx
Zalo