Trường Phổ thông DTNT THCS&THPT Mai Châu: Hiệu quả mô hình Câu lạc bộ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Huyện Mai Châu có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 6 dân tộc thiểu số, chiếm 90,04%. Mai Châu cũng là mảnh đất còn giữ được tương đối đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc Thái, Mông… Đây cũng là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh đã, đang thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến mô hình Câu lạc bộ (CLB) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Mai Châu.
Huyện Mai Châu có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 6 dân tộc thiểu số, chiếm 90,04%. Mai Châu cũng là mảnh đất còn giữ được tương đối đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc Thái, Mông… Đây cũng là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh đã, đang thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến mô hình Câu lạc bộ (CLB) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Mai Châu.
Cô giáo Đinh Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thành lập CLB, chúng tôi đã lấy ý kiến khảo sát trong phụ huynh, học sinh. Kết quả có 215 học sinh (chiếm 67% học sinh toàn trường) mong muốn nhà trường thành lập CLB giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; 60% học sinh muốn được học chữ Thái; 100% phụ huynh đồng ý tạo điều kiện, kinh phí cho con em tham gia CLB. Dựa trên nguyện vọng, năng lực, sở trường của các em, nhà trường đã thành lập CLB và phân chia thành các nhóm để hoạt động hiệu quả.
Nhà trường đã xin ý kiến của nghệ nhân Vì Văn Dấng, Mùa Y Gánh (Mai Châu), mời nghệ nhân Bùi Văn Minh, Bùi Huy Vọng (Lạc Sơn), nghệ nhân Bùi Văn Nợi (Tân Lạc) tham gia Ban chủ nhiệm CLB. Các nghệ nhân với tâm huyết, mong muốn chia sẻ cho thế hệ trẻ những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường nên đã nhiệt tình ủng hộ cả về tinh thần, vật chất, nhận lời tham gia Ban Chủ nhiệm CLB.
Ngay sau khi thành lập, CLB đã có nhiều hoạt động phong phú, chia thành nhiều mảng như bản sắc văn hóa dân tộc Thái, bản sắc văn hóa dân tộc Mường, bản sắc văn hóa dân tộc Mông. CLB có các hoạt động cụ thể như: mời các nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật múa keng loóng cho học sinh. Hiện nay, nhà trường đã đầu tư mua loóng cho học sinh luyện tập; có 2 giáo viên, nhân viên và 10 học sinh biết biểu diễn keng loóng. Tổ chức cho học sinh tham quan, học nghề vẽ sáp ong của đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã Hang Kia - Pà Cò. Xây dựng phòng sinh hoạt - trưng bày sản phẩm của CLB, tạo không gian sinh hoạt đậm bản sắc văn hóa; trưng bày, lưu giữ các sản phẩm của CLB cũng như các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Nhà trường đã mời nghệ nhân Vì Văn Dấng truyền dạy chữ Thái cho học sinh. Ngoài ra, tham gia CLB các em còn được học, tìm hiểu về hát dân ca Thái, lễ hội Gầu Tào, phong tục Tết của người Mông, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống…
Đánh giá về hiệu quả của CLB, đồng chí Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hoạt động của CLB đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Học sinh yêu trường, mến lớp, phụ huynh tin tưởng vào các thầy, cô. Thành viên trong các nhóm hăng say sưu tầm, dàn dựng, tập luyện và khôi phục lại các bài múa keng loóng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, làn điệu dân ca Thái, các trò chơi truyền thống... Nhiều làn điệu dân ca, bài hát dân ca Thái được các thành viên luyện tập để biểu diễn trong các sự kiện của trường, huyện. Ngoài ra, những nét văn hóa đặc sắc như múa xòe Thái cũng được các thành viên CLB tập luyện, biểu diễn vào dịp lễ, Tết, ngày hội văn hóa của làng, xã, phục vụ khách du lịch. Học sinh là hội viên CLB tham dự hội thi khoa học sáng tạo trẻ tỉnh đạt giải tư với 2 dự án: "Giải pháp quảng bá, truyền thông phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Mai Châu thông qua biên soạn cuốn song ngữ "Cẩm nang du lịch Mai Châu”; "Một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc Mông”. Điều đáng phấn khởi hơn cả là các em thêm hiểu, thêm yêu về dân tộc, quê hương mình để có động lực học tập, rèn luyện tốt hơn.