Trường hợp nào nên xét nghiệm HIV?

Xét nghiệm HIV là biện pháp duy nhất khẳng định một người có bị nhiễm HIV hay không? Tuy nhiên, một câu hỏi thường gặp là khi nào nên xét nghiệm HIV để có kết quả chính xác?

Tại sao nên xét nghiệm HIV?

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), HIV vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu lớn, đã cướp đi sinh mạng của khoảng 42,3 triệu người cho đến nay. Sự lây truyền vẫn đang diễn ra ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu.

Cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV hay không là thực hiện xét nghiệm nhằm có biện pháp ứng phó thích hợp.

Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, bạn có thể được dùng thuốc điều trị HIV sớm để giúp bạn sống khỏe mạnh và giảm lây truyền HIV người khác. Nếu kết quả xét nghiệm HIV là âm tính, bạn có thể thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nhiễm HIV.

Xét nghiệm HIV rất quan trọng để khẳng định có bị nhiễm bệnh hay không.

Xét nghiệm HIV rất quan trọng để khẳng định có bị nhiễm bệnh hay không.

Ai nên xét nghiệm HIV?

Các trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV đều nên thực hiện xét nghiệm HIV để kiểm tra tình trạng của mình. Theo Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế (Quyết định số 5465/QĐ-BYT ngày 20/11/2019), các trường hợp cần được tư vấn xét nghiệm HIV gồm:

- Người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV: Tiêm chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, người có quan hệ tình dục không an toàn...

- Người mắc một số bệnh như lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan C.

- Người bệnh được khám lâm sàng và cận lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng gợi ý nhiễm HIV.

- Phụ nữ mang thai.

- Vợ/chồng/con của người nhiễm HIV; anh chị em của trẻ nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV.

- Các trường hợp khác có nhu cầu...

Nên xét nghiệm HIV vào thời điểm nào?

Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, nguyên giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, khoảng thời gian một người lần đầu tiếp xúc với HIV đến khi có kết quả xét nghiệm dương tính HIV gọi là giai đoạn cửa sổ.

Giai đoạn cửa sổ có thể kéo dài từ 10 đến 90 ngày, tùy thuộc vào phản ứng miễn dịch của cơ thể và loại xét nghiệm mà họ thực hiện.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong giai đoạn cửa sổ, xét nghiệm HIV có thể âm tính mặc dù họ đã nhiễm HIV và có thể lây truyền HIV cho người khác.

Hiện nay, có nhiều sinh phẩm chẩn đoán nhiễm HIV sớm sau khi tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV. Các xét nghiệm cho kết quả tương đối chính xác thường sau 4-6 tuần phơi nhiễm và chính xác hoàn toàn là sau 45 ngày.

Do đó, nếu bạn có những biểu hiện sớm của nhiễm HIV hay nghi ngờ đã lây nhiễm thì nên thực hiện xét nghiệm HIV trong giai đoạn này, tại các cơ sở y tế uy tín hoặc các nhóm cộng đồng.

Mời bạn xem tiếp video:

Xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm | SKĐS

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truong-hop-nao-nen-xet-nghiem-hiv-169240815132159817.htm
Zalo