Trường học vùng khó nỗ lực chuyển đổi số

Thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, các trang thiết bị dạy và học, Trường THPT Mường Tè (huyện Mường Tè) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động chuyên môn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, từng bước xây dựng trường học hạnh phúc ở vùng khó, vùng biên giới.

Vượt qua chặng đường dài sau mấy tiếng đồng hồ với những cung đường uốn lượn khúc khuỷu, chúng tôi cũng đặt chân đến mảnh đất biên giới Mường Tè. Nơi mà còn nhiều khó khăn, vất vả về giao thông địa lý, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội…

Ghé thăm Trường THPT Mường Tè, chúng tôi thấy vui khi cơ sở vật chất trường, lớp học đã khang trang hơn xưa rất nhiều. Gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Phạm Duy Hải - Phó hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ về những thành tích đạt được của đơn vị trong những năm qua. Không chỉ việc duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục... học năm học sau đều cao hơn năm học trước; mỗi năm nhà trường có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; công tác CĐS gặt hái nhiều thành quả tích cực, đáng tự hào.

100% giáo viên Trường THPT Mường Tè sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy.

Được biết, năm học 2024-2025, Trường THPT Mường Tè có 13 lớp, gần 600 học sinh; 30 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Hầu hết là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện có hiệu quả công tác CĐS, nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm học; chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường tích cực ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm tích hợp trong quá trình giảng dạy, nhất là việc soạn giáo án điện tử, sử dụng nhiều hình ảnh, video trực quan sinh động ở mỗi tiết học. Hàng năm, đơn vị quan tâm cử đội ngũ giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về CNTT nhằm nâng cao trình độ, nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời tuyên truyền, vận động, xã hội hóa các bậc phụ huynh tạo điều kiện về các thiết bị học tập cho học sinh để các em có môi trường học tập tốt nhất.

Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đang tích cực khai thác, sử dụng kho học liệu số, học liệu mở, chia sẻ dữ liệu dùng chung. Học sinh có học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử.

Tham dự một số tiết học của lớp 12, chúng tôi chứng kiến không khí học thật sôi động và hấp dẫn. Thông qua máy chiếu, sử dụng phần mềm giáo dục thông minh, giáo viên truyền tải kiến thức bằng những câu hỏi đố vui, trò chơi giải trí để các em phân tích, tư duy trả lời. Với hình thức này, học sinh được thảo luận nhóm đưa ra phương án trả lời qua bài thuyết trình dưới dạng video, slide PowerPoint, sơ đồ... Sau đó, thầy cô nhận xét, đánh giá và đưa ra kết quả. Nhờ đổi mới phương pháp giảng dạy kết hợp ứng dụng CNTT, đã kích thích tư duy của học sinh tốt hơn, mang lại hiệu quả giờ học cao hơn, nhất là giúp học sinh năng động, tự tin, sáng tạo, hiểu bài nhanh.

Được biết, trong năm học 2023-2024, nhờ tích cực thực hiện công tác CĐS, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả cao. Cụ thể như: tỷ lệ chuyên cần đạt 97,8%; duy trì sĩ số đạt 100%; trên 99,3% học sinh đạt hạnh kiểm từ trung bình trở lên; 98,74% học sinh có học lực từ trung bình trở lên, (tăng 4,57% so với năm học trước), không có học sinh học lực kém, trong đó, học sinh có học lực giỏi đạt gần 11% (tăng hơn 2 lần so với năm học 2022-2023); 100% giáo viên đạt chuẩn...

Với những kết quả đã đạt được, thầy và trò Trường THPT Mường Tè đang tự tin, vững bước trong quá trình CĐS. Qua đó, hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường học vùng biên giới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao trong năm học 2024-2025 theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra ngay từ đầu năm.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c/tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%8Dc-v%C3%B9ng-kh%C3%B3-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-chuy%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BB%95i-s%E1%BB%91
Zalo