Trường học khắc phục khó khăn sẵn sàng thay SGK lớp 4 và 8

Để thay sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8, nhiều trường học ở Thanh Hóa đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trước khi năm học kết thúc.

Cô và trò Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Cô và trò Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Chuẩn bị đội ngũ giáo viên

Thầy Lê Cao Ban – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Ngạn, TP Thanh Hóa - cho biết, để chuẩn bị thay sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình GDPT 2018, hiện nay nhà trường đã lập danh sách đội ngũ giáo viên (GV) dạy lớp 8 để khi đội ngũ cốt cán của Phòng GD&ĐT thành phố đi tiếp thu tài liệu của Bộ GD&ĐT, thì tham gia tập huấn.

“Bộ tài liệu sách đó thông qua bộ sách điện tử, nên GV cốt cán phải đọc, nghiên cứu để góp ý về nội dung SGK. Do trường chúng tôi có số lớp 8 không nhiều, nên GV sẽ tiếp thu Chương trình từ đội ngũ GV cốt cán của thành phố. Nhà trường lựa chọn lựa chọn sách giáo khoa trên danh mục sách đã được Phòng GD&ĐT thành phố phê duyệt”, thầy Ban cho hay.

Cũng theo thầy Ban, Chương trình GDPT 2018 đến nay bây giờ đã là 3 năm và năm học tới (2023-2024), nhà trường sẽ chuẩn bị cho GV dạy lớp 8. Ở Chương trình GDPT 2018, có nhiều điểm mới và chương trình SGK cũng nội dung khác nhiều so với chương trình cũ.

Chẳng hạn, như thay đổi nội dung theo cách tịnh tiến từ lớp dưới lên lớp trên. Do đó, dự kiến trong phân công GV, nhà trường sẽ lựa chọn thầy, cô nào dạy lớp 8. Sau đó, nhà trường sẽ cử GV ấy đi tiếp thu chương trình thay SGK lớp 8 về, thì phải nghiên cứu thật kỹ rồi áp dụng vào dạy cho học sinh.

Thầy giáo Trương Đức Văn – Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) – cho biết, để chuẩn bị thay SGK lớp 8 theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ GV, để tham gia tiếp thu và tập huấn.

Theo thầy Văn, đối với Chương trình GDPT 2018, năm đầu tiên khi thực hiện thay SGK khối lớp 6, GV nhà trường cũng có nhiều bỡ ngỡ nhất định. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, giờ đây đối với khối lớp 8, các thầy, cô giáo cũng cảm thấy bình thường và dễ tiếp thu hơn.

Nhà xuất bản giới thiệu bộ sách giáo khoa mới theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TL.

Nhà xuất bản giới thiệu bộ sách giáo khoa mới theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TL.

“Đội ngũ GV của nhà trường đã cơ bản ổn định, đủ cơ cấu các bộ môn để sắp xếp tiếp cận và giảng dạy tốt cho chương trình mới. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã cơ bản đáp ứng được. Vì thế, trường chúng tôi đã sẵn sàng để tham gia tiếp thu, tập huấn chương trình thay SGK mới theo quy định của Bộ GD&ĐT”, thầy Văn thông tin.

Cũng theo thầy Văn, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu tất cả GV đều phải tiếp cận. Sau khi đội ngũ GV cốt cán đi tập huấn về, sẽ truyền đạt lại cho toàn bộ GV trong trường, để khi có trường hợp phân công dạy thay không ngỡ ngàng, lúng túng.

Bà Phạm Thị Dần - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa – cho biết, việc chuẩn bị cho thay SGK mới khối lớp 4 và lớp 8 trong năm học tới, Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa cũng đã chuẩn bị đội ngũ GV để sẵn sàng đi tiếp thu, tập huấn SGK mới.

Theo bà Dần, huyện Quan Hóa hiện nay có gần 50 lớp 4, với khoảng 70 giáo viên và đội ngũ quản lý là 34 người. Đối với khối lớp 8, năm học tới, huyện Quan Hóa có 26 lớp 8; khoảng gần 50 GV dạy văn hóa. Nếu tính tổng cả đội ngũ GV và quản lý chuẩn bị cho chương trình thay SGK mới, thì huyện Quan Hóa có khoảng 150 người sẽ tham gia tập huấn theo Chương trình GDPT mới 2018.

Vẫn khó vì thiếu thiết bị dạy học

Vấn đề chậm cấp thiết bị, đồ dùng dạy học, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Sơn cho hay, nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, nên có phòng học vi tính, có đủ GV các môn đặc thù... Do đó, việc thực hiện Chương trình GDPT mới cũng khá thuận lợi.

“Đối với thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho Chương trình GDPT 2018, hiện nay tỉnh đã cấp cho khối lớp 6, còn khối lớp 7, thì chưa được cấp. Do thiết bị, đồ dùng dạy học cho khối lớp 7 chưa được cấp, nên nhà trường tận dụng trang, thiết bị cũ để áp dụng trong việc dạy và học.

Bên cạnh đó, hiện nay mạng xã hội khá phát triển, nên GV cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho nhau cũng như giáo án điện tử. Tuy nhiên, nếu có đồ dùng, thiết bị dạy học trực tiếp, thì cũng sẽ tốt hơn rất nhiều”, thầy Văn chia sẻ.

Giáo viên Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) nghe giới thiệu sách giáo khoa mới theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TL.

Giáo viên Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) nghe giới thiệu sách giáo khoa mới theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TL.

Bà Lê Thúy Lan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh – cho biết, hiện nay, huyện Như Thanh mới nhận được thiết bị, đồ dùng dạy học của khối lớp 2 và lớp 6, còn đối với khối lớp 3 và lớp 7, thì chưa được cấp về.

Theo bà Lan, để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học khối lớp 3 và lớp 7, huyện Như Thanh cũng đã hỗ trợ các trường lắp đặt hệ thống ti vi, để các trường thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh đề nghị các nhà trường trong huyện khắc phục những khó khăn trước mắt, chờ tỉnh cấp thiết bị, đồ dùng dạy học về trong thời gian tới.

Thầy Nguyễn Văn Dương – Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cho hay, những năm trước, khi các nhà xuất bản giới thiệu SGK, thì GV phải tập trung về tỉnh tiếp thu trực tiếp. Nhưng năm nay, công đoạn giới thiệu SGK cho GV đã chuyển sang hình thức trực tuyến trong thời gian 3 ngày.

Sau khi nghe giới thiệu về SGK, nhà trường được cấp các bộ sách đã giới thiệu để lựa chọn bộ nào rồi giao cho GV nghiên cứu, đánh giá để lựa chọn. Còn để hiểu về nội dung, cấu trúc của chương trình trong SGK, thì bắt buộc GV phải tự nghiên cứu, bồi dưỡng.

“Đối với việc tập huấn thay SGK cho năm học tới, cần tập huấn kỹ càng hơn nữa về phương pháp giảng dạy của từng phân môn, cách thức, nhận thức nội dung và phương pháp giảng dạy của từng cuốn sách. Giáo viên cần biết kỹ hơn, hiểu sâu hơn cả về phương pháp, cấu trúc, nội dung chương trình giảng dạy... Vì những năm trước, khi GV tham gia tập huấn thay SGK, họ chưa được tiếp cận kỹ càng hơn những nội dung nêu trên”, thầy Dương cho biết.

“Việc tập huấn chương trình thay SGK nên tổ chức theo hình thức trực tuyến, vì hiện tại các nhà trường đều đã có thiết bị về công nghệ số. Vì thế, sẽ đỡ tốn kém về kinh phí cho việc đi lại, ăn ở cho việc tập huấn SGK. Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn thay SGK, nên tổ chức vào tháng 8 hàng năm, vì tháng 6, tháng 7 giáo viên đang trong thời gian nghỉ hè”, thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-khac-phuc-kho-khan-san-sang-thay-sgk-lop-4-va-8-post637719.html
Zalo