Trường học hạnh phúc: Tạo môi trường học đường thân thiện với học sinh
Mô hình 'Trường học hạnh phúc' lấy cảm hứng từ mô hình 'Happy School' của UNESCO đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng lan tỏa trên cả nước. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2022, Sở GD&ĐT đã tích cực triển khai mô hình này, hướng đến xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn trong giờ học thực nghiệm
Từ đầu năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn xây dựng "Trường học hạnh phúc" trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là tạo dựng môi trường học đường cho học sinh cảm thấy vui vẻ, hứng thú khi đến trường, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Để thực hiện, sở đã lựa chọn một số trường làm điểm, bao gồm 5 trường THPT, 3 trường phổ thông dân tộc nội trú và 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Cùng đó, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã lựa chọn 86 trường từ mầm non, tiểu học đến THCS để thực hiện điểm mô hình này. Đồng thời, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền đến giáo viên, học sinh toàn ngành về mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” với các giá trị cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Đơn cử như tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, trường có hơn 600 học sinh theo học. Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mục tiêu của nhà trường khi xây dựng trường học hạnh phúc là hướng tới giáo viên, học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Do đó, với học sinh, trường chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ, không để xảy ra bạo lực học đường, giúp học sinh và thầy cô có cơ hội đến gần nhau hơn; thúc đẩy sự toàn diện về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nghị lực, thể chất... của học sinh thông qua tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kĩ năng sống. Nhờ đó, hằng năm 100% học sinh nhà trường đều được xếp loại hạnh kiểm khá, tốt.
Tính đến hết năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 660 trường học, hầu hết các trường học được mở rộng diện tích và có hệ thống cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa; công trình phục vụ công tác dạy và học sạch sẽ, thông thoáng. Nhờ đó, hơn 99% trường học trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn “trường học – công viên”, trong đó trên 90% trường được đánh giá đạt loại khá trở lên; hơn 600 trường, đạt trên 99% được xếp loại khá và tốt trong đánh giá trường học hạnh phúc, trong đó 528 trường xếp loại tốt (tăng 74 trường so với năm học trước).
Ngành giáo dục cũng xác định, để mô hình “Trường học hạnh phúc” thực sự mang lại hiệu quả, không chỉ cơ sở vật chất hay các hoạt động tập thể mà chính sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, cách ứng xử của giáo viên mới là yếu tố then chốt. Tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, một trong những điểm sáng của ngành giáo dục địa phương, nhà trường đã chủ động xây dựng môi trường học tập thân thiện, giúp cả thầy và trò luôn cảm thấy thoải mái, hứng khởi.
Em Hoàng Thanh Cầm, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia chia sẻ: Mỗi ngày đến trường với em đều rất vui vì thầy cô không chỉ dạy bài mà còn kể chuyện, cho chúng em chơi những trò chơi thú vị.
Để xây dựng trường học hạnh phúc, các nhà trường còn chú trọng xây dựng không gian học tập xanh - sạch - đẹp – an toàn, tạo cảm hứng cho học sinh khi đến lớp. Theo đó, các nhà trường đã tích cực rà soát, phối hợp với phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện, thành phố phân bổ kinh phí xây dựng, quy hoạch các phòng học chức năng, tường rào, khu vui chơi và trồng cây xanh, hoa, thảm cỏ trong sân trường bảo đảm khoa học, hợp lý.
Qua đó, tính đến hết năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 660 trường học, hầu hết các trường học được mở rộng diện tích và có hệ thống cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa; công trình phục vụ công tác dạy và học sạch sẽ, thông thoáng. Nhờ đó, hơn 99% trường học trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn “trường học – công viên”, trong đó trên 90% trường được đánh giá đạt loại khá trở lên; hơn 600 trường, đạt trên 99% được xếp loại khá và tốt trong đánh giá trường học hạnh phúc, trong đó 528 trường xếp loại tốt (tăng 74 trường so với năm học trước).
Việc triển khai mô hình trường học hạnh phúc không chỉ thay đổi nhận thức của giáo viên mà còn góp phần cải thiện mối quan hệ giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Đây không chỉ là một phong trào mà còn là một định hướng phát triển bền vững, giúp giáo dục tỉnh nhà không ngừng đổi mới và phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng những ngôi trường thực sự hạnh phúc - nơi học sinh được yêu thương, tôn trọng và phát triển toàn diện.