Trường học chủ động xây dựng học liệu số

Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, Trường trung học phổ thông (THPT) Xuân Lộc đã chủ động xây dựng kho học liệu số, đẩy mạnh sử dụng hồ sơ điện tử, 100% cán bộ, giáo viên sử dụng chữ ký số…

Thầy Nguyễn Thanh Huy là người trực tiếp thiết kế và đang được giao nhiệm vụ quản lý website hoclieusoxuanloc.online.

Thầy Nguyễn Thanh Huy là người trực tiếp thiết kế và đang được giao nhiệm vụ quản lý website hoclieusoxuanloc.online.

Trong điều kiện phần lớn giáo viên của trường đã lớn tuổi, việc thực hiện chuyển đổi số cho thấy sự năng động, nhiệt huyết của cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường.

Chuẩn bị kho học liệu số cho học sinh

Từ năm 2023, thầy Nguyễn Thanh Huy, giáo viên môn Vật lý của Trường THPT Xuân Lộc, đã bắt đầu tập trung xây dựng nền tảng hệ thống học tập trực tuyến. Được sự hỗ trợ của nhà trường, thầy Huy xây dựng một hệ thống quản lý học tập (LMS) tích hợp đầy đủ các công cụ soạn bài giảng điện tử theo hướng sinh động, tương tác cao giữa bài học với người học. Nhà trường đã liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ web để thuê tên miền hoclieusoxuanloc.online và một máy chủ lưu trữ web (hosting).

Không những vậy, website còn tích hợp một trợ lý ảo AI để thực hiện tư vấn, hỏi - đáp kiến thức và hướng dẫn người học tiếp thu bài tốt hơn.

“Trợ lý học tập ảo có thể giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc giải đáp thắc mắc của học sinh. Thay vì phải trả lời từng câu hỏi của học sinh một cách trực tiếp, giáo viên có thể sử dụng Chatbot để giải đáp các câu hỏi phổ biến và dành thời gian cho các hoạt động khác” - thầy Huy giải thích.

Về phía học sinh, “trợ lý học tập ảo” này sẽ cung cấp cho các em tài liệu học tập bài tập và câu hỏi trắc nghiệm. Học sinh có thể sử dụng Chatbot để ôn tập kiến thức và chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Công cụ này giúp tạo ra trải nghiệm học tập mới cho học sinh. Việc tương tác với Chatbot để học tập có thể khiến học sinh thấy thú vị hơn và tạo động lực trong học tập.

Website hoclieusoxuanloc.online còn tích hợp một số công cụ hỗ trợ như: theo dõi, đánh giá chuyên cần; tổ chức chơi game trắc nghiệm theo thời gian thực; lớp học video call trực tuyến trên nền tảng riêng của website…

Để thuận lợi cho công tác quản lý lớp học, người thiết kế trang web đã thiết lập các điều kiện phân nhóm, chương trình sẽ tự động dựa vào thông tin cá nhân (bắt buộc) do người dùng cung cấp khi đăng ký tài khoản sử dụng để phân nhóm người dùng. Điều này giúp quản trị viên, giáo viên nhanh chóng truy xuất được thông tin điểm số học sinh theo từng nhóm lớp mà không phải mất thời gian.

Website còn có chức năng theo dõi tính chuyên cần, quá trình học tập của người học, giúp giáo viên đưa ra các đánh giá chính xác hơn để có các biện pháp, phương pháp giáo dục phù hợp.

Theo Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc Hồ Đức Nghỉ, hệ thống học liệu số do giáo viên của trường xây dựng và phát triển đã vận hành ổn định, các giáo viên đã đưa bài giảng điện tử lên website, trong đó có nhiều học liệu có giá trị cao. Tuy nhiên, do đây mới là năm thứ 3 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 nên số lượng học liệu vẫn còn ít. Nhà trường dự kiến trong học kỳ 2 sẽ triển khai cho giáo viên xây dựng thêm các bài giảng có chất lượng để đưa lên hệ thống. Cùng với đó là ngân hàng câu hỏi, bài tập tham khảo có giá trị để học sinh tham khảo, chủ động học tập.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Không chỉ chủ động xây dựng được kho học liệu số và nền tảng học tập trực tuyến riêng, Trường THPT Xuân Lộc còn đẩy mạnh nhiều nội dung trong công tác chuyển đổi số. Đáng kể nhất là hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên của trường đã sử dụng chữ ký số trong hầu hết các loại hồ sơ, giấy tờ, sổ sách. Hoạt động này được triển khai thực hiện từ năm học 2022-2023, đến nay đã đi vào nền nếp.

Nhà trường tăng cường việc trao đổi các văn bản, báo cáo giữa Ban giám hiệu và tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, trưởng các đoàn thể thông qua email, Zalo; quản lý hồ sơ, sổ sách của tổ chuyên môn trên OneNote và OneDrive…

Ban đầu khi mới triển khai, một số giáo viên lớn tuổi ngại sử dụng máy tính, điện thoại nên cần nhiều thời gian để hướng dẫn. Khi đã quen dùng, các giáo viên đều thấy được sự tiện lợi và đã sử dụng thành thạo các ứng dụng liên quan. Việc sử dụng hồ sơ điện tử và chữ ký số mang lại lợi ích cho cả giáo viên và công tác quản lý.

“Giáo viên có thể nộp hồ sơ, ký sổ sách ở bất cứ nơi đâu có kết nối internet mà không cần phải lên tận trường. Cán bộ quản lý có thể thống kê, kiểm tra tình hình hoàn thành hồ sơ, giấy tờ của giáo viên một cách thuận lợi. Việc lưu trữ thông tin khoa học giúp tìm kiếm hồ sơ liên quan dễ dàng hơn…” - thầy Nghỉ phân tích.

Cùng với thực hiện chữ ký số, Trường THPT Xuân Lộc cũng mua ứng dụng chấm bài kiểm tra trắc nghiệm cho tất cả giáo viên sử dụng. Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại di động, đối với bài kiểm tra trắc nghiệm, giáo viên chỉ cần scan bài làm của học sinh là ứng dụng tự động chấm điểm, giáo viên chỉ việc ghi điểm ra phiếu chấm bài. Dự kiến trong thời gian tới, nhà trường sẽ mua máy quét để chấm các bài kiểm tra định kỳ. Bằng việc sử dụng loại máy này, các điểm thi sẽ tự động cập nhật mà không cần phải qua bước ghi điểm thủ công như ứng dụng trên điện thoại.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/truong-hoc-chu-dong-xay-dung-hoc-lieu-so-dca0862/
Zalo