Cân nhắc cho học sinh nghỉ học tránh bão số 4

'Các đơn vị cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão; bảo đảm thông tin về lịch học và sự an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh', Công điện của Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có Công điện gửi Giám đốc Sở GD&ĐT của 17 tỉnh, TP, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành bão.

Nhiều ngôi trường bị úng ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Nhiều ngôi trường bị úng ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Công điện nêu: Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Ludong (Philippin) vào vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng tây với tốc độ 20km/giờ về hướng quần đảo Hoàng Sa và có khả năng mạnh lên thành bão; có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta, gây gió giật mạnh, mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày tới.

Để chủ động và linh hoạt trong công tác ứng phó với bão, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, TP nói trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; trực ban 24/24 giờ; thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương để có phương án ứng phó kịp thời.

Cùng với đó, các đơn vị lên phương án di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế đến nơi an toàn, đảm bảo không hư hại, hỏng hóc. Các trường học, cơ sở giáo dục không tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các vùng ven biển và vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.

Các đơn vị cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão; bảo đảm thông tin về lịch học và sự an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh.

Ngay sau khi bão tan, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn và vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường; liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trước đó, cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Ngành giáo dục cũng chịu thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản với 67 học sinh bị thương vong; thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính trên 1.260 tỷ đồng; hư hỏng hơn 41.500 bộ sách giáo khoa.

Để hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão lũ sớm ổn định việc học tập, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH, các trường CĐ sư phạm và các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí và có các chế độ hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh của từng học sinh, sinh viên.

Đồng thời, hướng dẫn học sinh, sinh viên liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị xác nhận trường hợp gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính để xin vay vốn tín dụng, hỗ trợ việc học tập.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh.

Trước đó, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/truong-hoc-chu-dong-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-kha-nang-manh-len-thanh-bao.html
Zalo