Trường ĐH so sánh giữa kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và trong nước

Tùy theo định hướng, chiến lược phát triển của từng trường để lựa chọn thực hiện KĐCL giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước hay tổ chức nước ngoài.

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào, tính đến ngày 31/8/2024, cả nước có 11 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài, 574 chương trình đào tạo của 63 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài (trong tổng số gần 2000 chương trình đào tạo được kiểm định).

Vì sao nhiều trường lựa chọn kiểm định bởi tổ chức nước ngoài?

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài. Đây cũng một trong những là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước được kiểm định bởi tổ chức nước ngoài - tổ chức HCERES (ngày cấp 12/6/2017).

 Thư viện Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Thư viện Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho hay, quốc tế hóa giáo dục là chủ trương chiến lược của nhà trường.

Hiện nay, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có 66 chương trình đào tạo (trong đó 10 chương trình đào tạo sau đại học) đã được công nhận đạt chuẩn bởi các tổ chức kiểm định uy tín trên thế giới như ABET, CTI, FIBAA, Hiệp hội MBA, IACBE, ACBSP, ASIIN, AQAS,...

Chính vì vậy, tham gia mạng lưới kiểm định quốc tế là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chủ trương quốc tế hóa của đơn vị này. Theo thầy Phúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện kiểm định bởi tổ chức nước ngoài từ năm 2003, với chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV).

Đây là chương trình hợp tác giữa 2 chính phủ Pháp và Việt Nam, tuyển sinh khóa đầu tiên từ năm 1999. Chương trình được triển khai tại 4 cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cùng với sự cộng tác của 8 trường đại học tại Pháp.

“Theo định hướng giữa 2 bên, các đơn vị tham dự vào dự án Chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp bắt buộc phải có kiểm định CTI - chứng nhận kiểm định của Ủy ban bằng Kỹ sư Cộng hòa Pháp. Đến nay, chương trình đào tạo này đã trải qua 3 chu kỳ kiểm định bởi tổ chức CTI. Từ quá trình kiểm định ở chu kỳ đầu tiên, chúng tôi nhận thấy kiểm định quốc tế là một giải pháp tốt giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Kể từ đó, nhà trường xác định theo xu hướng tiến tới tất cả các chương trình đào tạo đều thực hiện kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài”, Phó Hiệu trưởng Trần Thiên Phúc chia sẻ.

 Một góc khuôn viên Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Một góc khuôn viên Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng là cơ sở nằm trong top 10 cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức nước ngoài (với 20 chương trình đào tạo).

Chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tiến Khai - Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, định hướng chiến lược của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) là quốc tế hóa, đa ngành và bền vững. Vì vậy, lựa chọn kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài giúp UEH hiểu được các chuẩn mực quốc tế để tiếp cận và vươn lên, xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế quốc tế và tiến tới được thừa nhận, công nhận chương trình đào tạo; xây dựng hệ thống quản trị đại học phù hợp để được công nhận cấp cơ sở giáo dục.

“UEH lựa chọn kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định nước ngoài vừa là thách thức, vừa là cơ hội mở rộng quan hệ quốc tế và khẳng định đẳng cấp, đồng thời đáp ứng định hướng chiến lược quốc tế hóa của UEH”, Phó giáo sư Trần Tiến Khai nhận định.

 Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: DUE

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: DUE

Còn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Thúy Anh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày nay, việc các trường đại học trong nước hướng tới các chuẩn mực quốc tế là xu hướng tất yếu. Đây cũng là cơ sở quan trọng tạo thuận lợi cho các trường trong quá trình hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức quốc tế,...

Theo Phó giáo sư Thúy Anh, hiện Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã có 12 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn của Tổ chức Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

Được biết, từ chương trình đào tạo đầu tiên phải có quá trình chuẩn bị suốt 3 năm để có thể thực hiện kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài, đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho quá trình kiểm định đã được Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 1 năm.

“Lý do là vì tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường đã được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế. Thời gian khoảng 1 năm là để viết báo cáo tự đánh giá và thực hiện các thủ tục hành chính”, cô Thúy Anh thông tin thêm.

So sánh bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước với nước ngoài về cơ bản giống nhau khoảng 60-70%, và nhìn chung không có quá nhiều khác biệt giữa 2 loại kiểm định này. Bởi theo thầy Phúc, bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước hiện nay cũng được tham khảo, chọn lọc từ các bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

“Vì vậy, tùy theo định hướng, chiến lược phát triển của từng trường để có lựa chọn thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước hay tổ chức nước ngoài”, Phó giáo sư Trần Thiên Phúc nhận định.

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, bản chất của kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn quốc tế là không khác nhau. Cốt lõi của các tiêu chuẩn đều là quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM) áp dụng vào lĩnh vực giáo dục.

“Ngay cả bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo của Việt Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thực chất cũng là phiên bản Việt hóa của bộ tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á do Tổ chức Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) biên soạn và ban hành như là bộ tiêu chuẩn chung cho các đại học khu vực Đông Nam Á.

Một số điểm khác biệt nhất định đến từ cách tiếp cận để xây dựng bộ tiêu chuẩn và mức độ quan tâm chú trọng đến các khía cạnh khác nhau của quản lý chất lượng”, thầy Khai phân tích.

Kiểm định bởi tổ chức nước ngoài và trong nước, bên nào “tốn kém” hơn?

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tiến Khai - Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tiến Khai - Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Chia sẻ thêm về một số điểm khác biệt giữa kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và tổ chức kiểm định nước ngoài, Phó giáo sư Khai nêu:

Thứ nhất, cách tiếp cận của các tiêu chuẩn kiểm định khác AUN-QA thường gọi là tiếp cận theo nguyên lý (principle-based approach) và AUN-QA sử dụng tiếp cận theo minh chứng (evidence-based approach). Cụ thể là các tổ chức kiểm định châu Âu, Hoa Kỳ, châu Úc thường đánh giá theo các nguyên tắc quản trị chất lượng, đúng nguyên tắc là được công nhận, trong khi đối với tiếp cận của AUN-QA (bộ tiêu chuẩn chất lượng mà Việt Nam đang dựa trên để xây dựng) thì hệ thống hồ sơ, minh chứng cho hoạt động quản trị là quan trọng.

Thứ hai, các bộ tiêu chuẩn ở châu Âu, Hoa Kỳ, châu Úc thiên về đánh giá chiến lược phát triển, cách thức tổ chức vận hành của hệ thống quản trị đại học nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đó ở cả hai cấp cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo. Các tiêu chuẩn châu Âu, Hoa Kỳ, châu Úc cũng đặt nặng vấn đề quốc tế hóa đội ngũ sinh viên và giảng viên, quốc tế hóa chương trình đào tạo, quốc tế hóa các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, và phương thức bảo đảm chất lượng hiệu quả, trong khi các vấn đề khác như cơ sở vật chất, môi trường đào tạo, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, nguồn nhân lực và tài lực được coi như là điều kiện nền đã phải đạt.

Về quy trình, Phó giáo sư Khai cho biết sự khác biệt tùy thuộc vào quy định của tổ chức kiểm định hoặc quốc gia sở tại.

Các tổ chức kiểm định quốc tế thường là bên thứ ba độc lập, không phụ thuộc vào Bộ Giáo dục và Đào tạo, và thường có các quy trình đánh giá và công nhận tương đối đơn giản (ví dụ FIBAA, ASIIN). Một số tổ chức khác đưa ra quy trình phức tạp hơn và đòi hỏi cơ sở giáo dục phải đăng ký thành viên và chịu sự tư vấn, giám sát vài năm để tổ chức vận hành theo đúng bộ tiêu chuẩn yêu cầu trước khi được đánh giá ngoài và công nhận (ví dụ ABET, EFMD, AACSB, ACBSP).

Còn bộ tiêu chuẩn AUN-QA được nước ta Việt hóa và áp dụng như là quy định pháp lý nhà nước, và có quy trình chặt chẽ, qua nhiều bước.

“Dĩ nhiên là các bộ tiêu chuẩn càng khó thì thời gian chuẩn bị của cơ sở giáo dục đại học càng nhiều để có thể đạt được ngưỡng chất lượng của các bộ tiêu chuẩn này, và chi phí chuẩn bị cũng như chi phí kiểm định càng cao”, thầy Khai nhấn mạnh.

 Sinh viên Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Sinh viên Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

So sánh về chi phí giữa kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và tổ chức nước ngoài, Phó giáo sư Khai cho biết đối với các bộ tiêu chuẩn khó (ví dụ ABET, EFMD, AACSB, ACBSP) sẽ cần nhiều thời gian và chi phí để được công nhận (bao gồm phí thành viên hàng năm, phí tư vấn, phí giám sát, chi phí đánh giá ngoài và công nhận).

“Còn lại, các bộ tiêu chuẩn khác không có sự khác biệt đáng kể về chi phí, kể cả so với kiểm định trong nước. Dĩ nhiên là kiểm định bởi tổ chức nước ngoài sẽ tốn kém hơn ở khoản chi phí đi lại quốc tế và ăn ở tại Việt Nam trong thời gian các chuyên gia làm việc tại Việt Nam để đánh giá ngoài.

Phó giáo sư Võ Thị Thúy Anh và Phó giáo sư Trần Thiên Phúc cũng cho rằng không có quá nhiều khác biệt về chi phí giữa kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và kiểm định chất lượng bởi tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, các chi phí ẩn thường ít được tính đến là chi phí liên quan đến tổ chức và vận hành bộ máy quản trị, đầu tư đổi mới nâng cấp liên tục cơ sở vật chất, chi phí bổ sung và bồi dưỡng nhân sự quản lý và đào tạo đạt chuẩn quốc tế (ví dụ tuyển dụng đội ngũ giảng viên là tiến sĩ trở lên, tốt nghiệp từ các đại học có uy tín trên thế giới), chi phí cho các hoạt động chính khóa và ngoại khóa của chương trình đào tạo,...”, thầy Khai nói thêm.

Về minh chứng hồ sơ, Phó giáo sư Khai cho biết tất cả các tổ chức kiểm định đều đòi hỏi phải có hệ thống tài liệu, thông tin, minh chứng cơ bản. Tuy nhiên AUN-QA và Bộ Giáo dục và Đào tạo thường đòi hỏi minh chứng chặt chẽ, chi tiết hơn và quy mô số lượng nhiều hơn.

Chia sẻ thêm về một số thuận lợi, khó khăn khi thực hiện kiểm định bởi tổ chức nước ngoài, Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các tổ chức kiểm định nước ngoài thường mặc định xem tiếng Anh là ngôn ngữ tiêu chuẩn để đào tạo và nghiên cứu khoa học đối với các cơ sở giáo dục định hướng quốc tế hóa.

Do đó, các cơ sở giáo dục đại học cần có đội ngũ giảng viên thành thạo tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; có đội ngũ sinh viên có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập; có các chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính sẽ có lợi thế khi chọn kiểm định ở các tổ chức nước ngoài.

“Việc có đội ngũ giảng viên và người học sử dụng tiếng Anh thành thạo cũng là một rào cản đối với một số cơ sở giáo dục Việt Nam”, chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ sử dụng bắt buộc trong viết báo cáo tự đánh giá và phỏng vấn ở các tổ chức kiểm định quốc tế là tiếng Anh và phải hạn chế tối đa việc sử dụng phiên dịch, vì việc thành thạo tiếng Anh đối với đội ngũ giảng viên và người học được coi như là đương nhiên, và là minh chứng cho quan điểm quốc tế hóa. Chỉ trừ tổ chức AUN-QA cho phép sử dụng phiên dịch nhiều hơn ở các phiên phỏng vấn.

Phó giáo sư Khai cho biết, một số tổ chức kiểm định nước ngoài về các chương trình đào tạo công nghệ và kỹ thuật có những yêu cầu chuẩn đầu ra chuyên biệt cho từng ngành, hoặc nhóm ngành riêng biệt để tương thích và dung hợp với các tiêu chuẩn nghề nghiệp do các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp quốc gia hoặc quốc tế quy định cho người làm việc trong lĩnh vực liên quan. Vì thế, các yêu cầu đặc thù này dẫn đến các khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi chưa hiểu, chưa áp dụng hoặc thời gian áp dụng chưa đủ, hoặc không đủ nguồn lực để áp dụng các chuẩn đầu ra chuyên biệt này.

Các tổ chức kiểm định nước ngoài cũng thường đánh giá các chương trình đào tạo theo quan điểm và hệ thống tiêu chuẩn tiêu chí quốc tế. Vì vậy, việc sử dụng các chương trình đào tạo và hệ thống tài liệu học tập hiện đại, cập nhật tương tự như các chương trình quốc tế ở các cơ sở giáo dục đại học là hết sức cần thiết. Các hệ thống tài liệu tự biên soạn bằng tiếng Việt không được đánh giá cao khi kiểm định.

Một điểm khác biệt cũng được chuyên gia chỉ ra là các tổ chức kiểm định nước ngoài thường không tổ chức tư vấn hoặc hướng dẫn cụ thể về bộ tiêu chuẩn, trong khi ở Việt Nam thì có.

Cũng theo thầy Khai, các tổ chức kiểm định nước ngoài thường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí đòi hỏi cao về chất lượng của hoạt động quản trị đại học và đào tạo trên nền tảng cơ sở vật chất tốt, đặc biệt là môi trường internet và phòng thí nghiệm, nhà xưởng thực tập có trang thiết bị hiện đại và đầy đủ.

Trong khi đó, thực tế hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa thể đủ sức đầu tư. Bên cạnh đó, các tổ chức kiểm định nước ngoài cũng đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ trong đào tạo với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thực tiễn; đòi hỏi theo chuẩn mực quốc tế về năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và đào tạo về nghiên cứu khoa học cho người học ở các trình độ khác nhau.

“Tùy theo năng lực riêng của từng cơ sở giáo dục đại học mà có những kế hoạch chọn tổ chức kiểm định trong nước hay ngoài nước khác nhau trong ngắn hạn, và có những định hướng chiến lược phát triển khác nhau trong trung hạn và dài hạn”, vị Trưởng phòng nêu nhận định.

Đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu trong kiểm định

 Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: HCMUT

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: HCMUT

Đề xuất một số kiến nghị liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng, Phó giáo sư Trần Tiến Khai bày tỏ, đa dạng hóa và chấp nhận cạnh tranh trong kiểm định chất lượng là xu hướng chung.

Vì vậy, vị Trưởng phòng cho rằng các quy định pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục cần phải tôn trọng xu thế này và từ đó, pháp lý hóa quyền tự chọn lựa các tổ chức kiểm định trong và ngoài nước của các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với định hướng chiến lược riêng của từng trường.

Từ đó, Phó giáo sư Trần Tiến Khai đề xuất không nên áp dụng cơ chế đấu thầu tuyển chọn khi cơ sở giáo dục đại học lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng trong nước để tránh tốn kém về thời gian và nhân lực cho hoạt động đấu thầu tuyển chọn. Chỉ nên áp dụng cơ chế chỉ định thầu vì các cơ sở giáo dục đại học cần có quyền tự chọn lựa các tổ chức kiểm định trong và ngoài nước phù hợp.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư Trần Thiên Phúc cũng đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định đấu thầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục lựa chọn được tổ chức kiểm định chất lượng phù hợp với mục tiêu, định hướng đào tạo của các đơn vị.

Ngoài ra, Phó giáo sư Trần Tiến Khai đề xuất nên có quy định tỷ lệ mức sàn về đầu tư tài chính cho các hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng so với tổng thu hoặc tổng chi tiêu của cơ sở giáo dục đại học, để bảo đảm tài chính cho hoạt động quan trọng này.

Đồng thời, thầy Khai cũng đề xuất nên bắt buộc các cấp lãnh đạo đại học, từ cấp trưởng phó phòng ban, giám đốc chương trình đào tạo, trưởng phó khoa, cho đến ban giám hiệu trường đại học phải có chứng chỉ hoặc chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục để được quy hoạch bổ nhiệm và bổ nhiệm vào các vị trí trên, hoặc ít nhất là bắt buộc hoàn thành bổ sung sau khi bổ nhiệm.

“Việc này giúp cho hệ thống các nhà quản trị đại học có sự hiểu biết nhất quán về bảo đảm chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, thống nhất trong nhận thức và hành động bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, cấp lãnh đạo cấp trường/đại học bắt buộc phải có chứng chỉ/chứng nhận này như là tiêu chuẩn bắt buộc để được bổ nhiệm, vì tính chất quyết định của cấp lãnh đạo này đối với sự thành bại của công tác bảo đảm chất lượng giáo dục ở cơ sở giáo dục đại học”, Phó giáo sư Trần Tiến Khai nhấn mạnh.

Cả nước có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục

Cả nước ta hiện có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế. Trong đó:

7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, bao gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.

10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam gồm FIBAA, AQAS, ASIIN, HCERES, QAA, AUN-QA, ACBSP, ABET, THE-ICE, ACQUIN.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-so-sanh-giua-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-nuoc-ngoai-va-trong-nuoc-post245536.gd
Zalo