Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hơn nửa thế kỷ 'giữ lửa' ngành Hán Nôm

Ngành Hán Nôm là một trong những ngành có uy tín lâu đời được đào tạo tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1972.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị duy nhất trên toàn quốc đào tạo ngành Hán Nôm ở cả ba trình độ: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Được đào tạo từ năm 1972, khi trường còn mang tên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trải qua hơn nửa thế kỷ, ngành Hán Nôm là một trong những ngành giúp nhà trường khẳng định vị thế của mình.

Mục tiêu của ngành học này nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc tiếp cận và xử lý văn bản Hán Nôm cả ở phương diện văn bản học cũng như minh giải và khai thác văn bản Hán Nôm, phục vụ công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện hội nhập và giao lưu quốc tế.

Học Hán Nôm là cửa ngõ để tiếp cận với mạch nguồn văn hóa truyền thống

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu, Trưởng Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Chữ Hán đóng vai trò như một văn tự quan phương ở Việt Nam trong cả thiên niên kỷ. Phần lớn tri thức truyền thống trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và nhân văn trong khu vực đồng văn Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam) đều được biểu đạt qua văn tự này. Riêng Việt Nam, ngoài chữ Hán còn sử dụng thêm chữ Nôm.

Di sản Hán Nôm là di sản văn hiến, thể hiện nhiều phương diện của đời sống Việt Nam qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn trực tiếp liên quan đến các vấn đề của đời sống Việt Nam hiện đại. Hán Nôm giúp người hiện đại gìn giữ và minh giải các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại từ quá khứ”.

 Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu, Trưởng Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh website nhà trường)

Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu, Trưởng Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh website nhà trường)

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hán Nôm, với tư cách là một hệ thống chữ viết đã gắn bó với dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam.

Việc học Hán Nôm không chỉ là một sở thích cá nhân mà còn là một nhu cầu cấp thiết để mỗi người có thể hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc và góp phần bảo tồn những giá trị tinh thần quý báu của thế hệ trước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, kiến thức về Hán Nôm đang dần mai một.

Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Hán Nôm, thầy Hiếu cho biết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn liên tục rà soát, cập nhật điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của người học. Chương trình đào tạo đại học ngành Hán Nôm đã qua điều chỉnh vào năm 2015 và 2019. Năm 2023, chương trình đào tạo ngành Hán Nôm lại được điều chỉnh, hoàn thiện theo Quy chế đào tạo đại học mới do Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành.

Chương trình đào tạo gắn với thực hành, nghiên cứu khoa học

Theo Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Trưởng khoa Văn học, Cán bộ Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình đào tạo ngành Hán Nôm gồm 5 khối kiến thức: Kiến thức liên ngành về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ; kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức Ngữ văn cơ bản; kiến thức Hán Nôm; kiến thức văn hóa truyền thống.

Trong đó, kiến thức Hán Nôm là kiến thức ngành, gồm Hán văn Trung Quốc, Hán văn Việt Nam, chữ Nôm và văn bản Nôm; lý thuyết, nghiệp vụ chuyên môn.

Người học cũng được trang bị kỹ năng ngoại ngữ (Trung văn), kỹ năng ứng dụng tin học ngành Hán Nôm và các kỹ năng cần thiết để tiếp cận, xử lý và khai thác tư liệu Hán Nôm trên thực tế.

Điểm mạnh của chương trình là cung cấp nền tảng kiến thức vững vàng về chữ nghĩa Hán Nôm và các kỹ năng chuyên môn trong tiếp cận và minh giải văn bản Hán Nôm. Qua đó người học bước đầu có khả năng phân tích, đánh giá và khai thác nhiều mặt giá trị của di sản Hán Nôm Việt Nam trên cơ sở những kiến thức bên trong văn bản Hán Nôm cũng như những kiến thức bên ngoài Hán Nôm, nhìn nhận tư duy hệ thống các phương diện văn hóa, lịch sử, xã hội...

Trong quá trình triển khai chương trình đào tạo, nhà trường luôn thực hiện đa dạng các hoạt động dạy và học, linh hoạt, có sự kết hợp giữa học tập - thực hành - ngoại khóa - thực tập và nghiên cứu khoa học, tạo môi trường học tập thân thiện, có quan hệ tương tác tích cực giữa giảng viên và sinh viên.

Hệ thống học liệu chuyên ngành phong phú, công tác giáo trình, bài giảng được chú trọng, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để đẩy nhanh độ phủ giáo trình cho các học phần của chương trình đào tạo.

Năm 2019, chương trình đào tạo cử nhân ngành Hán Nôm đã được kiểm định chất lượng cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, định hướng chuẩn AUN-QA, và đã đạt yêu cầu kiểm định.

Ngành Hán Nôm hiện tại do cán bộ của bộ môn Hán Nôm thuộc Khoa Văn học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đảm nhiệm giảng dạy chính. Ngoài ra, ngành còn được sự giúp đỡ của các cán bộ kiêm nhiệm ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các cán bộ thỉnh giảng, hợp tác đến từ các cơ quan đào tạo và nghiên cứu khác như: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

 Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Trưởng khoa Văn học, Cán bộ Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh website trường)

Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Trưởng khoa Văn học, Cán bộ Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh website trường)

Để tạo điều kiện tốt nhất cho người học ngành Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trang bị 2 phòng làm việc với đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy tính, máy in, bàn ghế, tủ sách, điều hòa,... Đặc biệt, nhà trường còn cung cấp nguồn tư liệu phong phú gồm hàng trăm đầu sách Việt văn và Ngoại văn (chủ yếu là Trung văn), thư tịch Hán Nôm cổ, tư liệu ebook.... phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu của người học.

Ngoài ra, trong chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được tổ chức các buổi thực tập, điền dã tiếp cận di văn Hán Nôm trên thực tế tại các di tích lịch sử - văn hóa; tham gia các lớp học thư pháp, văn hóa truyền thống; tham dự các buổi hội thảo, thuyết trình khoa học; có cơ hội tham gia các chương trình giao lưu văn hóa tại Trung Quốc.

Do tính chất đặc thù của ngành đào tạo là một ngành cổ học, có tính chất “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại, nên hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của ngành Hán Nôm ở trường rất đa dạng, tích cực và hiệu quả.

Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu thông tin, các cán bộ của ngành đã tham gia tích cực vào những hoạt động nghiên cứu và quảng bá tri thức chuyên môn đến cộng đồng như: phiên dịch và phát huy giá trị di văn Hán Nôm trong cộng đồng; bảo tồn và trùng tu di tích; sáng tác hoành phi câu đối, văn chương Hán Nôm; tư vấn về các vấn đề lễ nghi và cổ học (như tư vấn về bài trí thờ phụng và sáng tác hệ thống hoành phi, câu đối tại một số di tích quan trọng ở Quảng Ninh, Hưng Yên; tư vấn về lễ nghi, viết văn tế, sáng tác hoành phi, câu đối, bi minh cho nhiều đình, đền, chùa, từ đường dòng họ, nhà thờ gia tiên tại nhiều địa phương và gia tộc; tham gia Hội đồng khảo tuyển thư pháp Hán Nôm tại Hội chữ xuân thường niên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của ngành, cũng như lan tỏa chuyên môn của ngành ra xã hội.

Ngoài đào tạo đại học hệ chính quy, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng liên kết với các cơ sở như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Viện Trần Nhân Tông (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) mở một số khóa đào tạo đại học Hán Nôm hệ vừa làm vừa học, thích ứng với nhu cầu của xã hội.

Một số sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo này đã học tiếp lên bậc cao học Hán Nôm, và đã bảo vệ thành công luận văn, nhận học vị thạc sĩ Hán Nôm.

 Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu tặng thư pháp (do chính thầy và sinh viên của bộ môn thực hiện) cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh website trường)

Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu tặng thư pháp (do chính thầy và sinh viên của bộ môn thực hiện) cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh website trường)

Triển vọng cơ hội việc làm của ngành Hán Nôm

Với sự phát triển của xã hội, nhu cầu nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống ngày càng tăng, kéo theo đó là nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn về Hán Nôm cũng ngày càng lớn. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho những ai yêu thích văn hóa, đam mê nghiên cứu cổ học và lịch sử truyền thống.

Trưởng Bộ môn Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay, sinh viên tốt nghiệp ngành Hán Nôm có thể đảm nhận các vị trí việc làm như: sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, dịch thuật, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy Hán Nôm tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng; làm việc tại các cơ quan văn hóa, các tổ chức trong nước và quốc tế (như Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam,...).

Bên cạnh đó, trong xu thế hiện nay, người học ngành Hán Nôm còn có thể tham gia vào lĩnh vực truyền thông, báo chí, làm việc tại các tòa soạn, các công ty tổ chức sự kiện hoặc các công ty khai thác về văn hóa du lịch.

Đặc biệt, tốt nghiệp ngành Hán Nôm, các bạn hoàn toàn có thể sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Trung và tiếng Anh. Đây là lợi thế rất lớn mở ra nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu và đa dạng cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường.

Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu chia sẻ thêm, sinh viên của trường khi tốt nghiệp thích ứng được với đa dạng nghề nghiệp trong bối cảnh và nhu cầu xã hội hiện tại. Trong đó có những sinh viên giỏi, tâm huyết với ngành tiếp tục học ở các bậc học sau đại học, hoặc du học nước ngoài, có triển vọng phát triển chuyên môn Hán Nôm tốt trong tương lai, duy trì tiếp nối sứ mệnh của ngành.

Chị Trần Thanh Ngà, cựu sinh viên ngành Hán Nôm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hiện đang làm việc tại Dự án Kinh điển phương Đông, Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Theo học ngành Hán Nôm, tôi không chỉ được tiếp thu những kiến thức chuyên môn mà còn nắm bắt được các kỹ năng mềm cần thiết giúp tôi vững bước tiến vào thị trường lao động.

Sau khi hoàn thành bậc cử nhân Hán Nôm, tôi thấy cơ hội việc làm của ngành tương đối rộng. Có thể kể đến một số vị trí như giảng viên, nghiên cứu viên, biên - phiên dịch viên, hướng dẫn viên, doanh nhân,… Và thực tế là đa số bạn bè cùng khóa học của tôi đều tìm được công việc có liên quan đến ngành học.

Với mỗi ngành học bất kỳ, việc xác định mức lương trung bình là việc tương đối khó nhưng điều chắc chắn là mức lương sẽ phụ thuộc vào năng lực cũng như trình độ của bản thân trong quá trình học tập và làm việc. Chính vì thế, để đạt được thu nhập mơ ước thì việc cần làm là phải cố gắng trau dồi bản thân”.

 Chị Trần Thanh Ngà, cựu sinh viên ngành Hán Nôm,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Chị Trần Thanh Ngà, cựu sinh viên ngành Hán Nôm,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Chị Ngà cũng cho rằng để được nhà tuyển dụng đánh giá cao thì các bạn định hướng làm việc theo ngành cần nỗ lực trau dồi kiến thức về ngôn ngữ, văn tự, văn hóa trên các lĩnh vực Hán văn Việt Nam, văn bản chữ Nôm,... Bên cạnh đó, cần kết hợp lý thuyết và thực hành văn bản.

Còn với những bạn có định hướng việc làm liên ngành nên trau dồi khả năng ngôn ngữ của bản thân, đồng thời phát triển những kỹ năng bổ trợ cho công việc trong tương lai. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn thì việc học tập và phát triển những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tư duy phản biện,… cũng cần chú trọng.

Thái Vân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-hon-nua-the-ky-giu-lua-nganh-han-nom-post244510.gd
Zalo